Chủ tịch HUBA: Doanh nghiệp chưa được hỏi ý kiến về việc tăng lương

BÍCH LOAN - XUÂN LỘC (thực hiện)| 29/08/2015 07:21

Doanh nghiệp là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định tăng lương tối thiểu nhưng lại chưa hề được hỏi ý kiến.

Chủ tịch HUBA: Doanh nghiệp chưa được hỏi ý kiến về việc tăng lương

Điều 91 Bộ luật Lao động quy định, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng được áp dụng kể từ ngày 1/1/2013 và theo lộ trình hàng năm kể từ 2013 đến 2017. Theo đó, chỉ còn vài tháng nữa là đến thời hạn điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016. Thế nhưng, tại cuộc họp Hội đồng tiền lương Quốc gia ngày 25/8 vừa qua, đại diện cho tiếng nói người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp (DN) là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

>>Chủ tịch VCCI: Lương tối thiểu vùng tăng 9-10% là hài hòa

Trước thềm cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để quyết định cuối cùng dự kiến được tổ chức vào ngày 3/9, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) về vấn đề này.

* Vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia có cuộc họp bàn về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Đang có nhiều ý kiến trái chiều về mức tăng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Trung Kiên – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2: Mức tăng lương tối thiểu vùng 6% là hợp lý

Hiện nay các doanh nghiệp phải đóng phí Công đoàn là 2%/tổng quỹ lương. Khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức thu cũng sẽ tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công nhân chỉ có lợi khi họ nghỉ hưu thôi. Hiện nay, chúng tôi phải đóng tiền bảo hiểm hằng tháng bình quân 1 triệu đồng/người và công ty có hàng ngàn công nhân. Đề xuất tăng từ 9 - 10% của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) theo tôi vẫn còn quá cao. Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% là hợp lý.

- Về căn bản, trước khi ra quyết định để đệ trình Chính phủ về việc tăng lương tối thiểu, Hội đồng tiền lương quốc gia và LĐLD Việt Nam phải tổ chức lấy ý kiến của DN, vì đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết sách này. Thế nhưng, khi vấn đề được đưa ra, từ DN lớn đến các DN nhỏ và vừa đều không hay biết, nên họ vô cùng lo lắng. Sự lo lắng này cũng là điều dễ hiểu vì mức tăng lương tối thiểu nếu thiếu tính phù hợp với thực tế thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh, thậm chí sự sống còn của DN.

Trong vai trò là Chủ tịch HUBA - đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN trên địa bàn TP.HCM, tôi cho rằng, việc tăng lương tối thiểu để góp phần đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là tốt, nhưng cần có sự cân nhắc, định lượng rõ ràng và phải sát với thực tế.

Theo đó, việc điều chỉnh tăng này thích hợp hơn đối với các DN có yếu tố Nhà nước. Còn khu vực kinh tế tư nhân, đa phần họ đều đang trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu quy định, do cộng gộp từ các khoản phụ cấp khác. Vì vậy, một khi quyết định tăng lương tối thiểu được đưa ra mà không tương thích, tức không tỷ lệ thuận với năng suất lao động thì sẽ gây khó cho DN. Hiện nay, tuy không có số liệu cụ thể nhưng cũng có thông tin cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực. Dĩ nhiên, theo lộ trình tăng lương từ năm 2013 - 2017 (căn cứ theo tình hình kinh tế thị trường, sự trượt giá đồng tiền, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)…), DN không thực hiện là không được. Nhưng nếu năng suất lao động không tăng thì cũng nên có mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho hợp lý và dung hòa được lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

* Thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra, tình hình kinh tế Việt Nam đã khá hơn, nên không thể có mức tăng lương tối thiểu thấp hơn năm 2015. Do đó, tỷ lệ 16,8% - 17% là hợp lý. Là đơn vị đại diện cho tiếng nói DN, ông có ý kiến gì về điều này?

- Thật ra, tình hình kinh tế năm 2015 có khá hơn so với năm trước, nhưng tỷ lệ không đáng kể và chỉ ở một số ngành nghề, tình hình chung là vẫn còn nhiều khó khăn. Không kể những DN nhỏ và siêu nhỏ, ngay các DN lớn trong những ngành có quy mô rộng như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ mỹ nghệ… cũng đang chịu áp lực lớn khi tỷ giá đồng USD tăng, đồng nhân dân tệ bị phá giá, chi phí nguyên vật liệu tăng cao… Nay lại thêm việc tăng lương tối thiểu vùng không thể không thực hiện. Mà tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí cho DN.

Theo khảo sát sơ bộ của HUBA, nhiều DN cho rằng họ sẽ gặp khó khăn nếu mức tăng lương tối thiểu vùng thiếu hợp lý. Do đó, thay vì mở rộng sản xuất, gánh nặng chi phí từ lương sẽ buộc họ thu hẹp kinh doanh, cắt giảm lao động. Đây sẽ là hệ lụy đáng quan ngại, vì tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.

Ông Hàng Vay Chi - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Việt Hương Group: Doanh nghiệp đang gặp khó

Theo tôi, trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, các đề xuất tăng cần được xem xét một cách thấu đáo. Theo tôi, Công đoàn nên điều chỉnh lại mức phí trên tổng quỹ lương hằng năm. Một khi lương tối thiểu vùng tăng thì phí Công đoàn cũng sẽ tăng, gây áp lực cho doanh nghiệp.

Về tình mà nói, chẳng có nhà điều hành DN nào không quan tâm đến đời sống của người lao động, vì thị trường hiện nay rất cạnh tranh, nếu giữ không khéo người lao động sẽ bỏ đi hết. Thế nên, một khi DN đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 9% - 10% thì tôi nghĩ, họ cũng đã có sự cân đo đong đếm trong khả năng, để họ có thể duy trì tiếp hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

* Vậy giả sử quyết định cuối cùng từ Hội đồng Tiền lương Quốc gia là mức cao hơn đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, theo ông chính sách sẽ được thực thi thế nào?

- Đương nhiên khi một chính sách được ban hành, dù muốn dù không thì đối tượng được áp dụng cũng phải tuân thủ, chấp hành. Nhưng vấn đề tôi muốn nói ở đây là DN chấp hành như thế nào. Như trên đã nói, nếu DN vì chấp hành chính sách mà phải thu hẹp sản xuất, hoặc không mở rộng, thậm chí đóng cửa nhà máy, thì đối tượng chịu thiệt không chỉ là DN mà người lao động cũng chịu hệ lụy. Vì thực tế, để việc sản xuất kinh doanh tốt, người sử dụng lao động luôn phải có những thỏa hiệp hợp lý với người lao động. DN gặp khó khăn trong hoạt động thì người lao động ít nhiều cũng sẽ bị liên đới. Vì vậy, tôi cho rằng, trước khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra quyết định tăng mức lương tối thiểu vùng 2016 để trình Chính phủ, cần lấy ý kiến DN. Đồng thời, cần có sự cân nhắc đối với từng ngành nghề, hoặc từng loại hình DN, để tránh ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển chung của DN, của nền kinh tế.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MASECO): Nên để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận mức lương

Tôi đồng tình với quan điểm và đề xuất của VCCI về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 (9-10%), vì doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam còn yếu và nhiều khiếm khuyết. Hơn nữa, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay còn kém xa các nước lân cận. Nếu việc tăng lương mà không đi cùng với tăng sức cạnh tranh thì sẽ chỉ tạo thêm áp lực năng nề cho doanh nghiệp. Và như vậy, liệu doanh nghiệp có đủ sức để chung vai, góp phần xây dựng nền kinh tế ổn định, vững mạnh hay không? Xin đừng chạy theo “chỉ tiêu”. Chủ doanh nghiệp sẽ phải biết cách sử dụng nguồn lực lao động như thế nào cho có hiệu quả, mà trong đó tiền lương là yếu tố quan trọng nhất. Theo tôi, hãy tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận mức lương cụ thể trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình và năng suất chung.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch HUBA: Doanh nghiệp chưa được hỏi ý kiến về việc tăng lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO