Chống biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế

PHAN ĐÌNH MẠNH| 11/01/2018 03:27

Cộng đồng địa phương phải ý thức được các nguy cơ BĐKH để có trách nhiệm trong hoạt động kinh tế và cuộc sống chung của cộng đồng và khu vực.

Chống biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế

Ảnh: Cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo DNSG tổ chức

Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo các chuyên gia, có thể dẫn đến một phần lớn diện tích của khu vực này sẽ bị nước biển nhấn chìm sau vài chục năm nữa. Bên cạnh các giải pháp trực tiếp như xây đập và dự báo về BĐKH..., chúng ta cần tính đến giải pháp ở cấp độ quốc tế.

Đầu tư phát triển vùng như một địa chỉ đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đầu tiên, với sự hiện diện của các DN FDI, vấn đề việc làm tại chỗ sẽ được giải quyết, người lao động không cần phải "bỏ quê” đi tìm việc làm tại nơi khác. Tuy rằng việc di dân đến các vùng công nghiệp và các đô thị lớn là xu hướng chung cho những quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, nhưng riêng với ĐBSCL thì đây là chiến lược hơn là vấn đề giải quyết việc làm đơn thuần.

Thứ hai, với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và khu vực (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Châu Âu và ASEAN), chống BĐKH không còn là vấn đề của riêng Việt Nam và ĐBSCL mà còn liên quan đến các nước và các khu vực này. Vì vậy, Việt Nam và ĐBSCL sẽ nhận được các giải pháp và sự tài trợ để giải quyết vấn đề BĐKH.

Thứ ba, khi nền công nghiệp ở các khu vực khác trong nước như miền Đông Nam Bộ hay Đồng Bằng Sông Hồng đã phát triển và bắt đầu nâng cấp lên trong khâu giá trị, hoặc cạnh tranh dựa vào chi phí không còn là lợi thế thì lợi thế chi phí giá rẻ sẽ chuyển sang khu vực ĐBSCL.

Tại khu vực đang công nghiệp hóa nhưng còn trong giai đoạn đơn giản ở miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Hồng thì cần có sự định hướng sang nâng cấp trong chuỗi giá trị như sản xuất thiết bị nguồn (OEM), đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng dịch vụ, qua đó có thể nâng cấp cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, ĐBSCL ngoài mục tiêu kinh tế đơn thuần, việc thu hút FDI còn nhằm xây dựng chiến lược cho vùng nên sẽ hướng đến sự đa dạng và chấp nhận để nhà đầu tư hoạt động tự do và mạnh mẽ hơn các khu vực khác nhằm giúp họ có các lợi ích kinh tế gắn chặt với khu vực. Tại đây có thể chấp nhận sự vượt trội của DN FDI trong nền kinh tế.

Phát triển vùng như một địa chỉ thu hút công dân toàn cầu và cộng đồng quốc tế

Đi kèm các chính sách ưu đãi FDI cao cho khu vực với cơ chế thông thoáng hơn các vùng khác là chính sách thu hút cộng đồng công dân quốc tế đa dạng và linh hoạt nhằm tạo điều kiện thu hút một lượng di dân từ các quốc gia khác đến làm ăn và sinh sống.

Đây không phải là chiến lược tách rời chính sách thu hút FDI mà là kết quả của chính sách này vì khi nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại đây, sẽ có một lực lượng lao động người nước ngoài đến sinh sống. Và đi liền với nó là chính sách thu hút nhân tài với sự cạnh tranh bình đẳng giữa nhân sự trong nước và nước ngoài. Do vậy, bên cạnh lợi ích kinh tế do các nhà đầu tư mang lại, lực lượng công dân của các nước khác cũng hiện diện tại đây và sẽ có sự gắn kết lợi ích và mối quan hệ với ĐBSCL.

Nâng cao trình độ dân trí và khoa học kỹ thuật. Là khu vực vùng trũng về giáo dục và khoa học - công nghệ so với các vùng khác, trước những thách thức từ môi trường, ĐBSCL cần có sự đóng góp công sức và giải pháp từ cộng đồng thông qua ý thức của từng người hơn là chỉ những nhà khoa học và nhà làm chính sách quan tâm. Cộng đồng địa phương phải ý thức được các nguy cơ BĐKH để có trách nhiệm trong hoạt động kinh tế và cuộc sống chung của cộng đồng và khu vực.

Trong ngắn hạn, cần nâng cao tỷ lệ đến trường và số năm đi học bậc phổ thông của người dân, nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại chỗ. Đưa các nội dung giáo dục về môi trường, trong đó có nhận thức về BĐKH, vào các chương trình phổ thông một cách thường xuyên và hiệu quả nhằm hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và sinh viên.

Trong dài hạn, cần tăng cường phát triển các ngành khoa học ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế của vùng và khoa học cơ bản nhằm tìm ra nguồn con giống, cây trồng mới cho phát triển nông nghiệp của vùng cũng như các nguyên liệu mới để phát triển các ngành kinh tế hạn chế dựa vào thiên nhiên khác. Mục tiêu phát triển khoa học, giáo dục ở đây còn gắn với quá trình hợp tác và quốc tế hóa cao độ nhằm tận dụng sự giúp đỡ của các đối tác.

Phát triển ngoại thương và công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Nền kinh tế của vùng cũng nên chuyển từ dựa vào nông nghiệp thuần túy với khai thác và chế biến nông sản tự nhiên, vốn dựa vào thiên nhiên sang hình thức phát triển dựa vào công nghệ và kỹ năng như nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là sản xuất, chế biến, chế tạo với các ngành như dệt may, da giày, điện tử và các ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác nhằm giải quyết việc làm cho cư dân địa phương và chuyển dần sản xuất từ các tỉnh đang công nghiệp hóa ở miền đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng sang ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO