Cho vay lãi thấp lại bị thanh tra!

12/12/2013 05:41

Từng có nhiều cuộc thanh tra lãi suất cao, còn với lãi suất thấp thì hiếm thấy...

Cho vay lãi thấp lại bị thanh tra!

"Không hiểu nổi!”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thốt lên, sau khi đọc thông tin Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.

Ngày 7/7/2012, tại hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng, có một chi tiết thú vị. Phát biểu ý kiến, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), cho biết đang có chính sách cho vay lãi suất rất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì sao có được lãi suất thấp? Bà Nga nói rằng, “là bí quyết kinh doanh”. Lúc đó, hội trường rộn tiếng cười…

Là “bí quyết”, nhưng có thể dự đoán SeABank sử dụng một loại sản phẩm cấu trúc để tạo được nguồn vốn cho vay lãi suất thấp. Với cam kết giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại có thể chuyển đổi một phần vốn huy động USD sang VND để cho vay, bởi lãi suất huy động USD rất thấp.

Cùng thời điểm đó, cuối tháng 6/2012, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gây chú ý khi tung ra chương trình cho vay VND lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỷ giá USD/VND. Lãi suất vay VND chỉ 7%/năm, trong khi lãi suất huy động trên thị trường phổ biến từ 7 - 11%/năm.

Trở lại với công văn số 9312/NHNN-TTGSNH, ngày 10/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động đã được đưa ra.

Vị Phó tổng ngân hàng trên nói rằng: “Đọc tin xong suy tính mãi mà không hiểu nổi mục đích thực sự của Ngân hàng Nhà nước”.

Còn trong công văn của mình, Ngân hàng Nhà nước lý giải, việc cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động “là biểu hiện kinh doanh không lành mạnh về mặt tài chính, có thể tạo ra rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng”.

Cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng thương mại đều từ chối bình luận, thậm chí đoán biết trước nội dung sẽ đề cập ngay khi nhận cuộc gọi của phóng viên…

Còn theo ý kiến của người trong cuộc trên, ông cho rằng nếu lo ngại về rủi ro đối với các tổ chức tín dụng ở đây là thừa. Và nếu có rủi ro, các ngân hàng hiện đã có các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động, theo quy định rất rõ ràng của các văn bản pháp lý.

“Tôi không nhận thấy rủi ro về thanh khoản ở đây, cũng không thấy rủi ro về tín dụng; ngược lại khi cho vay lãi suất thấp còn giảm thiểu được rủi ro về phía khách hàng. Có lẽ rủi ro Ngân hàng Nhà nước tính đến là ngân hàng sẽ thua lỗ chăng?”, ông đặt vấn đề.

Về tình huống thua lỗ, vị phó tổng giám đốc này nhấn mạnh:

“Nếu e sợ vậy thì cũng thừa, vì tất cả các ngân hàng thương mại hiện nay đều hoạt động vì lợi nhuận, không phải là ngân hàng công ích. Về tổng thể họ không lỗ, mà còn gắn kết thêm quan hệ với khách hàng tốt, tạo điều kiện để bán chéo các sản phẩm và dịch vụ khác… Đó là giá trị không thể hiện ở lãi suất”.

Ông cũng băn khoăn khi xác định thế nào là lãi suất thấp và thấp hơn so với mức nào. Bởi trong thực tế hoạt động, ngân hàng có những nguồn vốn huy động được lãi suất thấp, như tiền gửi thanh toán; trong khi lãi suất cho vay thấp không hẳn đã đủ tính đại diện cho cả khoản vay.

Như trong năm 2012, trường hợp của Eximbank và có thể cả SeABank hay những ngân hàng khác, mức lãi suất cho vay thấp không phản ánh thực tế cân đối chi phí chung trong hoạt động của họ, cũng không thể khẳng định là họ lỗ.

“Tóm lại, ngân hàng đâu có đi cho vay để lỗ. Nếu nhìn nhận đơn giản thì họ huy động dân cư 8 - 9%/năm, nhưng cho vay trên liên ngân hàng chỉ 2 - 3%/năm, hay các kỳ hạn dài cỡ 6 tháng cũng chỉ 5 - 6%/năm đó thôi”, ông nói.

Đáng chú ý, người trong cuộc này lý giải về việc cho vay lãi suất thấp, ngoài thu hút khách hàng và cạnh tranh, còn là áp lực giải tỏa vốn. “Với tình hình dư vốn và khó thúc đẩy tín dụng hiện nay, vốn huy động về không cho vay ra được thì mới lo là lỗ. Giảm lãi suất huy động thì lại dễ rơi vào bẫy thanh khoản cuối năm”.

Về khía cạnh cạnh tranh không lành mạnh, vị phó tổng trên phản biện rằng: “Tại sao nhiều ngân hàng đều cho vay lãi suất thấp được, thì những thành viên khác lại không làm được để cùng cạnh tranh?”.

Và như khía cạnh mà VnEconomy đề cập ở bản tin trước, lãi suất cho vay thấp là lợi ích cho doanh nghiệp và người dân vay vốn, nhất là trong bối cảnh khó khăn kéo dài. Liệu việc tăng cường thanh tra, kiểm tra có hạn chế lợi ích đó hay không? Nội dung và tiêu chí để xác định thanh tra như thế nào cũng cần được nêu rõ.

Còn ở diễn biến chung, sau nhiều năm căng thẳng thanh tra lãi suất cao, lãi suất vượt trần, thu phí vay vốn…, thì nay hoạt động ngân hàng lại có tình huống ngược lại: thanh tra lãi suất thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cho vay lãi thấp lại bị thanh tra!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO