Chính sách song ngữ: Sao cho hiệu quả?

PGS-TS. HÀ MẠNH THƯ (Đại học Bách khoa Hà Nội)| 11/02/2016 06:37

Việc nở rộ các trung tâm "học tiếng Anh với thầy Tây" cho thấy những bất ổn giữa việc dạy và học ngoại ngữ của ngành giáo dục, đào tạo nước nhà.

Chính sách song ngữ: Sao cho hiệu quả?

Ngoại ngữ là cầu nối cho mọi sự phát triển, nhưng lâu nay nước ta chưa chú trọng vấn đề đào tạo ngoại ngữ. Việc nở rộ các trung tâm "học tiếng Anh với thầy Tây" thời gian gần đây một lần nữa cho thấy những bất ổn giữa dạy và học ngoại ngữ của ngành giáo dục, đào tạo nước nhà.

Đọc E-paper

Có một lớp người của nước ta được học trong các trường của Pháp và rất thạo tiếng Pháp. Mỗi khi nghe các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Cơ Thạch, Phạm Văn Đồng... nói tiếng Pháp, nhiều người trẻ mơ ước nói được như họ.

Trong bối cảnh thực dân Pháp thực thi chính sách "ngu để trị", không phải ai cũng được lựa chọn tham gia vào nền giáo dục của họ. Pháp chủ trương đào tạo cho con em của tầng lớp công chức, nhà giàu. Theo hệ thống giáo dục của Pháp, người trẻ học với thầy giáo người Pháp, vừa đọc giáo trình, vừa nói theo thầy. Mỗi khi nói sai, thầy giáo bắt chìa tay ra, vụt 3 cái thước cho tay trò sưng lên, và chỉ vài lần là trò nói được.

Tiếng Pháp là môn học thuộc lòng rồi viết ra, nên ngay cả khi không muốn, trò vẫn phải học mới qua được các kỳ thi. Có người cho cách dạy này là "vô nhân đạo" bởi nó khác biệt với cách dạy ở nước ta sau này.

Quốc gia nào cũng muốn dân tộc mình phát triển, tiến bộ. Anh ngữ là vấn đề mở, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, trong đó có Trung Quốc, cũng rất quan tâm. Cộng đồng ASEAN đã hình thành, chúng ta không thể "gò bó" trong tiếng mẹ đẻ cũng như không thể bắt 9 quốc gia nội khối phải nói tiếng Việt.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng khuyên nước ta phải nói tiếng Anh, bởi cơ hội phát triển chỉ đến khi tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Việc người Singapore nói thạo tiếng Anh là kết quả tốt đẹp của "chính sách song ngữ" mà ông Lý Quang Diệu nỗ lực gây dựng và sau hơn 10 năm, kể từ lập quốc năm 1965, Singapore đã có một thế hệ trẻ nói tiếng Anh tốt.

Có thể người Singapore nói tiếng Anh không hay, phát âm không chuẩn, nhưng "chính sách song ngữ" của ông Diệu đã có tác động tích cực, giúp người dân Singapore thích ứng tốt trước những áp lực của toàn cầu hóa.

Môi trường đào tạo khác nhau dẫn tới kết quả khác nhau. Nhìn lại hệ thống giáo dục từ khi nước ta thành lập đến nay, chính sách đào tạo thay đổi liên tục theo quan điểm chính trị, nên suốt một thời gian dài, ngoại ngữ không được chú ý đúng mức.

Bây giờ, trong hệ thống giáo dục nhà nước, Anh ngữ là một trong những môn học bắt buộc ở cấp THCS và THPT. Điều đáng tiếc là sau 7 năm học, không phải học sinh nào cũng có thể giao tiếp được, một số có thể đọc hiểu và dịch, nhưng nói thì "Tây không hiểu".

Lâu nay, trong các trường học vẫn phổ biến cách dạy truyền thống, vẫn chủ yếu đọc theo cô giáo, hiểu theo sách, không chú ý đến ứng dụng thực tế. Cách dạy này dẫn đến trình độ Anh ngữ của học sinh, sinh viên yếu kém, nhưng sai lầm đó lâu nay tránh nói đến.

>>Giá trị của... tiếng Anh

Các trung tâm đào tạo ngoại ngữ đã nhìn ra khiếm khuyết trong đào tạo Anh ngữ của nước ta và họ đẩy mạnh "kinh doanh giáo dục" trên chính khiếm khuyết đó. Khác với các trung tâm dạy Anh ngữ sau thời kỳ đổi mới và càng khác hơn cách dạy và học trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, các trung tâm Anh ngữ bây giờ đặc biệt chú trọng đến môi trường thực hành, giao tiếp với giáo viên người nước ngoài trên lớp.

Việc chủ yếu sử dụng văn nói trong bài học tạo hứng thú cho người học và mang lại hiệu quả cao hơn. Cách dạy này đang khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục, đào tạo của quốc gia.

Người dạy hướng dẫn, giúp người học phát huy được khả năng, điều mà hệ thống đào tạo của nước ta đang thiếu. Sự thiếu này có thể hiểu theo khía cạnh: Muốn dạy tốt, phải có giáo viên tốt, mà muốn có giáo viên tốt thì phải có hệ thống đào tạo tốt, nhưng trên thực tế, hệ thống các trường THCS, THPT của nước ta chưa có nhiều giáo viên thạo Anh ngữ. Xét một cách khách quan, chất lượng giáo viên dạy Anh ngữ tại các trường trung tâm và ven thành phố đã quá khác biệt, chưa kể đến các tỉnh nông thôn, miền núi.

Các trung tâm dạy ngoại ngữ ngày càng nhiều, đáp ứng một phần nhu cầu nâng cao dân trí trong xu thế hội nhập toàn cầu. Áp lực phát triển lên một mức sống cao hơn, hiện đại hơn gia tăng trong xã hội khiến người ta hiểu rằng, nếu chỉ nói tiếng mẹ đẻ, sẽ rất khó kiếm sống, nhưng học tiếng Anh đang thực sự là một trở ngại lớn. Nền kinh tế vẫn khó, người dân vẫn buộc phải tự bỏ tiền đầu tư tri thức cho con em mình, bởi hệ thống đào tạo của Nhà nước không đảm bảo cho tương lai mà họ kỳ vọng.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng khá giả, cũng có điều kiện cho con em học "nói tiếng Anh với thầy Tây", và điều này chắc chắn không diễn ra ở vùng nông thôn hay miền núi. Qua các khóa học, nhiều người trẻ nói tiếng Anh tốt hơn, giao tiếp thoải mái trong môi trường quốc tế. Thế nhưng, đầu tư cho người trẻ học tiếng Anh vẫn ở dạng tự phát, đó mới chỉ là điều kiện cần, chưa đủ để phát triển một xã hội nói tiếng Anh.

>>Giáo dục chỉ là câu chuyện riêng?

Một thời gian dài, dạy Anh ngữ không được chú ý nhiều trong hệ thống giáo dục quốc gia, bởi những người làm chính sách đào tạo cũng không ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Việt Nam với gần 100 triệu dân, mỗi năm có hơn 1 triệu học sinh thi vào đại học nhưng số sinh viên nói được tiếng Anh chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Chứng chỉ TOEIC 450 là một trong những yêu cầu tốt nghiệp bắt buộc tại nhiều trường cao đẳng, đại học hiện nay. Vậy nhưng không phải tất cả sinh viên đại học ra trường đều nói được tiếng Anh. Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa loại giỏi vẫn không thể nói tiếng Anh thành thạo. Hầu hết học sinh, sinh viên trong hệ thống đào tạo công lập "ngại nói tiếng Anh", họ tự ti, sợ nói sai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bị chê bai trong lĩnh vực này, bởi luôn đi chậm so với thời đại. Đề án "Ngoại ngữ Quốc gia 2020" hướng tới mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý bởi những người không thạo việc. Cho nên, dù tiêu tốn không ít tiền ngân sách nhưng sau 3 năm triển khai (2011 - 2013) vẫn có tới 90% giáo viên THPT chưa đạt chuẩn.

Chính sách giáo dục tạo nên con người, nền tảng phát triển đất nước. Để toàn dân nói được tiếng Anh, nước ta hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm phổ cập Anh ngữ của Singapore trước đây và Malaysia, Indonesia hiện nay. Cùng với đó, Nhà nước phải có chiến lược giáo dục ngoại ngữ mới và phải đào tạo được đội ngũ giảng dạy tốt. Các chính sách đào tạo ngoại ngữ phải thể hiện được chiến lược phát triển quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Muốn Việt Nam có một chỗ đứng trên trường quốc tế thì trước hết người trẻ Việt Nam phải thành thạo tiếng Anh, điều này phụ thuộc nhiều vào chiến lược giáo dục ngoại ngữ mới của nước nhà.

>>Không tiếng Anh, không việc làm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách song ngữ: Sao cho hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO