"Chia sẻ thịnh vượng" cho người nghèo

20/10/2015 06:44

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới kêu gọi chính phủ các nước quan tâm giải quyết vấn đề bất bình đẳng và tăng cường “chia sẻ thịnh vượng” cho nhóm 40% dân số dưới đáy tại các nước đang phát triển.

Phát biểu trước thềm cuộc họp hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Young Kim kêu gọi chính phủ các nước quan tâm giải quyết vấn đề bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng và tăng cường “chia sẻ thịnh vượng” cho nhóm 40% dân số dưới đáy tại các nước đang phát triển.

Chủ tịch WB nêu trường hợp cụ thể: “Năm ngoái trong báo cáo của mình, tổ chức Oxfam cho biết rằng 85 người giàu nhất trên thế giới nắm giữ số của cải bằng số của cải của 50% số người nghèo nhất thế giới, tức là khoảng 3,5 tỷ người”.

Và rồi ông kết luận: “Khi đưa ra thực tế phũ phàng rằng nhiều người trên thế giới hầu như không có phần trong sự trù phú của nhân loại, Oxfam đã làm lương tâm chúng ta phải lay động”.

Chủ tịch WB nhấn mạnh: “Cái mà ta cần là tìm ra một mô hình tăng trưởng kinh tế bao trùm tất cả, giúp cải thiện cuộc sống cho những người nghèo nhất chứ không phải để duy trì địa vị cho những người ở trên đỉnh”.

Giải pháp cho vấn đề, theo Chủ tịch WB là “Chia sẻ thịnh vượng” (Shared Prosperity) - một thuật ngữ mà bản thân nó đã khơi gợi hướng giải quyết: “Khi làm việc với các chính phủ, chúng tôi luôn ủng hộ những nỗ lực nhằm đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng chứ không phải chỉ những người đã nắm quyền kiểm soát hay tiếp cận được nguồn vốn”.

Ông đặc biệt cảnh cáo: “Nếu chỉ tập trung vào GDP thì sẽ sa vào đơn giản hóa vấn đề. Chúng tôi phản đối cách tiếp cận theo học thuyết “phúc lợi vương vãi xuống” (trickle - down theory )... cho người nghèo. Theo chủ thuyết này, bất cứ sự tăng trưởng nào cũng sẽ làm cho đất đai màu mỡ và mọi hoa trái sẽ đâm chồi cho cả người nghèo”. Việc người dân bỏ nông thôn lên thành thị kiếm sống dựa vào sự phát triển đô thị là một trong những “vương vãi”.

Thật ra, điều mà Chủ tịch WB năm 2015 đả phá - lý thuyết “phúc lợi vương vãi xuống” - đã bị WB đả phá từ năm 1990. Ngay từ lúc đó WB đã không tin vào lý thuyết “phúc lợi vương vãi”, theo kiểu “nước lên, thuyền lên”.

Trong thực tế, khó có thể thấy chỗ cho người nghèo trong các dự án khu dân cư cao cấp đang mọc lên như nấm trong khi đó nhà ở xã hội như mô hình ở Pháp và nhiều nước khác, thì vẫn chẳng thấy đâu... Có những nước xây metro song không phải để giải quyết ùn tắc cho số đông mà chỉ để phục vụ những đô thị mới “cao cấp”...

Trong thực tế, ở Việt Nam, bên cạnh những chính sách “trải thảm đỏ” cho các dự án đại tư bản, cũng đã có những dự án nhắm trực tiếp vào người nghèo, vào nông nghiệp, như dự án “Cạnh tranh nông nghiệp (ACP)” của WB là những hình thái “chia sẻ thịnh vượng”, theo đó cổ xúy sản xuất lúa gạo theo hướng “một phải - năm giảm”. Tức sử dụng giống lúa có chứng nhận (một phải) và thực hiện năm giảm (giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, nước tưới qua kỹ thuật ngập - khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu, và giảm thất thoát sau thu hoạch). Theo WB, đây được xem là chiến lược chính để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, “chia sẻ thịnh vượng” còn là minh bạch trong thu thuế. Chủ tịch WB giải thích: “Giám đốc IMF - bà Christine Lagarde và tôi cùng khẳng định với nhau rằng hai tổ chức chúng tôi sẽ làm tất cả để giúp đỡ các nước thu được nhiều thuế hơn và công bằng hơn. Người giàu tại quá nhiều nước đã không đóng thuế tương xứng với phần của họ. Một số công ty đã áp dụng những cách rất tinh vi để tránh đóng thuế tại các nước nơi họ hoạt động. Đây cũng là một dạng tham nhũng mà người nghèo phải chịu hậu quả...”.

Chuyện dài “chuyển giá” của các tập đoàn X, Y, Z không xa lạ gì. Hy vọng nhờ WB và IMF sẽ có được những cơ hội tận thu!

Không thể trông mong “phúc lợi vương vãi” mà phải “chia sẻ thịnh vượng”.

>Người nghèo gánh nợ cho người giàu

>Người nghèo ở đâu?

>Những hệ lụy với các nước đang phát triển

>Chênh lệch giàu nghèo tại Đức cao nhất EU

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Chia sẻ thịnh vượng" cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO