Chi tiêu công: Đắn đo cầm tiền của dân

PGS-TSKH: VÕ ĐẠI LƯỢC, HẢI VÂN ghi| 24/10/2013 08:31

Thu ngân sách không bảo đảm, chi quá lớn, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu của Quốc hội, vấn đề này đã được đưa ra và có hai luồng ý kiến.

Chi tiêu công: Đắn đo cầm tiền của dân

Thu ngân sách không bảo đảm, chi quá lớn, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu của Quốc hội, vấn đề này đã được đưa ra và có hai luồng ý kiến.

Đọc E_paper

Một bên cho là để tăng trưởng nhích lên chỉ còn cách tăng đầu tư công, chi tiêu công. Trong bối cảnh tăng trưởng thấp, không gian vận dụng chính sách tiền tệ hẹp, dư nợ tín dụng tăng chậm, phải tăng trần bội chi lên trên 5% thay vì 4,8% GDP như hiện nay.

Chiều ngược lại cũng không kém phần có lý: Đầu tư công hiện nay kém hiệu quả, đặc biệt là đầu tư vào các công trình hạ tầng, vì vậy, không nên tăng đầu tư công, bởi đầu tư công chủ yếu do các địa phương đưa dự án xin tiền, rồi tự quản lý, chi tiêu.

Nếu kiểm toán sẽ thấy chi phí các dự án đều quá cao và lãng phí. Ví dụ, làm một km đường Sài Gòn - Dầu Dây tới 12 triệu USD, trong khi ở Mỹ là 5 triệu USD, Trung Quốc là 4,5 triệu USD.

Giảm đầu tư công, thứ nhất, phải xác định cơ chế quản lý hiệu quả. Không nên tăng đầu tư công, bởi tăng đầu tư công mà vẫn giữ cơ chế quản lý như hiện nay thì không hiệu quả, dẫn đến thất thoát lớn, tăng gánh nặng cho nền kinh tế.

Thứ hai, nếu tăng đầu tư công, trong bối cảnh thu thấp, chỉ còn cách phát hành trái phiếu chính phủ. Nhưng phát hành trái phiếu cũng đồng nghĩa tiếp tục tình trạng sử dụng tiền không hiệu quả của khu vực nhà nước, trong khi nguồn tiền đó, nếu để cho khu vực dân doanh sử dụng chắc chắn hiệu quả hơn.

Mặt khác, các ngân hàng thương mại đang đối mặt với tình trạng dư tiền. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi tới 9-10% trong khi tốc độ tăng tín dụng thấp, chỉ 3-4%, nên lượng tiền không lưu chuyển được trong các ngân hàng tương đối lớn.

Nếu Chính phủ phát hành trái phiếu trong hai năm 2014-2015, như dự kiến của Bộ Tài chính là trên 400 nghìn tỷ đồng, thì đó là một mức rất lớn.

Đứng trước sự lựa chọn, nếu không tăng chi tiêu công thì với mô hình kinh tế dựa vào vốn, mà vốn không có, vốn thiếu thì rất khó tăng trưởng. Nhưng nếu tăng chi tiêu công để kích tăng trưởng sẽ vấp phải vấn đề kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát, mà như vậy, lại đưa nền kinh tế vào chỗ kẹt mới, thay vì phải tạo ra lối thoát.

Mới đây, Chính phủ đã bác phương án giảm 100 nghìn đồng từ lương cơ bản, bắt đầu từ tháng 1/2014, của Bộ Tài chính. Đưa ra vấn đề này, Bộ Tài chính có cái lý của mình, trong điều kiện thu ngân sách thấp, biên chế lớn, không cách gì để tăng lương. Chính phủ bác cũng có lý, lạm phát cao, đời sống khó khăn, không thể giảm lương.

Về bản chất, đề xuất giảm lương của Bộ Tài chính là do không có tiền, do thất thu từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, nếu giảm lương, vấn đề sẽ trở nên phức tạp, vấp phải phản ứng rất mạnh của xã hội. Vì vậy, để giảm chi tiêu ngân sách, để có tiền chi lương, thậm chí tăng lương thì phải giảm biên chế.

Đó là cách duy nhất và tốt nhất. Nước Mỹ có trên 300 triệu dân, nhưng bộ máy công quyền chỉ có 2,1 triệu người. Việt Nam có trên 86 triệu dân, mà bộ máy công quyền gấp đôi. Biên chế ngày càng phình ra, cơ quan nào cũng tăng biên chế song người không làm việc ngày càng nhiều.

Một vị quan chức cao cấp hồi đầu năm từng khẳng định: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào". Như vậy, cứ giảm 30% biên chế, sau đó rà soát lại, tiếp tục giảm nữa.

Giảm biên chế không chỉ là vấn đề tiền, nó còn tạo hiệu ứng tốt cho xã hội. Giảm biên chế tức là giảm bộ máy "cho", giảm sự nhũng nhiễu trong các thủ tục hành chính. Trung Quốc làm chuyện này rất quyết liệt, thời Thủ tướng Chu Dung Cơ đã giảm một nửa biên chế, xóa bỏ một loạt cơ quan không cần thiết.

Ở nước ta, nhiều cơ quan đáng xóa bỏ nhưng vẫn tồn tại và gây phiền nhiễu. Nếu không làm quyết liệt, biên chế các cơ qua công quyền quá lớn thì Bộ Tài chính cũng bế tắc. Thời điểm này, Chính phủ nên xem xét lại chức năng, vai trò của các cơ quan công quyền, xóa bỏ những cơ quan không cần thiết.

Ngân sách hiện nay chi tiêu không hiệu quả. Đầu tư công hiệu quả phụ thuộc vào chủ trương đầu tư, nhưng lâu nay, chủ trương đầu tư không ổn. Có quá nhiều con đường làm ra nhưng rất ít người đi, hay xây dựng cảng và sân bay quá nhiều. Chi tiêu công của 63 tỉnh - thành đang là đại vấn đề của nền kinh tế.

Một đất nước nghèo, một quốc gia nhỏ với 86 triệu dân mà cơ quan công quyền ở 63 tỉnh - thành đều xây trụ sở lớn, mức đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Một khi chủ trương đầu tư công đang có vấn đề, quản trị không chặt, gây thất thoát thì gia tăng đầu tư công là hiểm họa. Do đó, tăng hay không tăng đầu tư công cần Quốc hội và Chính phủ xem xét thật kỹ và phải phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chi tiêu công: Đắn đo cầm tiền của dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO