Chỉ tăng trưởng thôi sao?

22/04/2013 09:47

Việt Nam gần như chỉ quan tâm đến số lượng và tốc độ tăng trưởng mà ít đề cập chất lượng.

Chỉ tăng trưởng thôi sao?

Việt Nam gần như chỉ quan tâm đến số lượng và tốc độ tăng trưởng mà ít đề cập chất lượng.

Đến trung tâm quận 1, TP.HCM, sẽ dễ dàng choáng ngợp trước những khách sạn, tòa tháp hoành tráng. Nhưng ngay bên kia sông Sài Gòn không xa, nhiều tòa nhà lụp xụp vẫn còn đó ở quận 2.

Nếu đi tiếp đến các khu vực ngoại thành như vùng ven Thủ Đức và xa hơn là vùng giáp ranh giữa Bình Dương và Đồng Nai trên quốc lộ 1K, cảnh tượng phồn vinh dường như đã biến mất.

Đó là biểu hiện của tình trạng không đồng điệu giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế, một vấn đề nan giải mà những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc đang gặp phải.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2012 là 0,617, đứng vị trí 127 trong tổng số 187 quốc gia và vùng lãnh thổ được Liên Hợp quốc tính toán. Đồng thời, hệ số Gini - hệ số đo lường bất bình đẳng thu nhập trong xã hội - của Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam gần như chỉ quan tâm đến số lượng và tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị xuất nhập khẩu, số vốn FDI mà ít đề cập chất lượng của các chỉ tiêu này.

Bà Lan cũng tỏ ý nghi ngờ về tính chính xác của chỉ số HDI vì thông tin UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp quốc) tính toán chủ yếu do Việt Nam cung cấp mà việc sai sót trong thống kê vẫn còn là câu hỏi chưa có đáp áp.

“Ví dụ, trong chỉ số HDI, yếu tố giáo dục của Việt Nam vẫn được đánh giá khá tốt, nhưng trên thực tế đây là vấn đề đang gây nhức nhối cho toàn xã hội”, bà nói.

Hệ số đo lường bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam đang tăng

Bà Lan lấy ví dụ, Việt Nam có số lượng trường đại học thuộc dạng nhiều trong khu vực nhưng trong top 200 trường đại học hàng đầu khu vực châu Á không có trường nào góp mặt.

Đó còn là vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống y tế đang xuống cấp nghiêm trọng. Đó là việc đầu tư tràn lan của các công trình có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như thủy điện. Là vấn nạn tàn phá rừng, khai khác tài nguyên khoáng sản thiếu quy hoạch với tốc độ khủng khiếp vốn sẽ ảnh hưởng đến thế hệ con cháu sau này.

Trước đây, để thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã phần nào ưu ái và phớt lờ những hậu quả mà họ có thể mang lại như ô nhiễm môi trường mà Vedan gây ra cho sông Thị Vải hay khói bụi ảnh hưởng đến cuộc sống khu dân cư của các nhà máy thép. Thậm chí Việt Nam còn được xem là nơi chuyên nhập khẩu các công nghệ cũ, gây ô nhiễm.

Do dó, bà Lan cho rằng trong thập kỷ này, các nhà làm chính sách Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng. “Suy cho cùng, mục tiêu của tăng trưởng cũng là để làm cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Chúng ta phải quan tâm đến việc phát triển bền vững, tức là phải hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với việc phát triển về xã hội, môi trường, văn hóa”, bà nói.

Còn nhớ, Giáo sư Michael Porter thuộc Đại học Harvard khi giảng dạy về chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam năm 2008 có nói: “Đối với doanh nghiệp, lợi nhuận mới là mục tiêu số 1 còn tăng trưởng chỉ là mục tiêu số 2, không vinh dự gì nếu tăng trưởng nhanh mà không tạo ra lợi nhuận”.

Trên bình diện nền kinh tế, lợi nhuận ở đây có thể xem là chất lượng tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ tăng trưởng thôi sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO