Chăn nuôi Việt Nam: Làm gì để "đón" TPP?

25/02/2014 07:10

TPP sau khi được ký kết, thuế của nhiều sản phẩm thịt sẽ chỉ còn 0%, nguy cơ đây sẽ là "cơn lũ" nhấn chìm ngành chăn nuôi Việt Nam.

Chăn nuôi Việt Nam: Làm gì để

Ngành chăn nuôi nước ta đang bộc lộ quá nhiều yếu kém, quá yếu sức cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phá sau khi được ký kết, thuế của nhiều sản phẩm thịt sẽ chỉ còn 0%, nguy cơ đây sẽ là "cơn lũ" nhấn chìm ngành chăn nuôi.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt hàng năm thường bằng con số tăng trưởng GDP. Trong năm qua, giá chăn nuôi rớt thảm hại có nguyên nhân lớn bắt nguồn từ suy thoái kinh tế, với hàng loạt doanh nghiệp – lực lượng tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi lớn nhất - đóng cửa. Thu nhập của người dân giảm, kéo theo việc tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi cũng giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, chúng ta vẫn duy trì sản phẩm chăn nuôi tương đương như các năm trước, với tổng sản lượng thịt các loại tăng 2,2%, nên xu thế giảm giá là tất yếu.

Thịt nhập khẩu giá rẻ

Ông Nguyễn Phương Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Châu Á Thái Bình Dương lo lắng: "Đã có nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu vào TPP, ngành chăn nuôi sẽ là ngành rủi ro nhất và khả năng ngành gia cầm sẽ phá sản. Trước đây chúng ta có mỗi lợi thế về lao động giá rẻ, giờ lợi thế này không giải quyết được gì. Rất nhiều nông hộ không biết tính toán lỗ lãi thế nào, cứ bỏ tiền ra nuôi mà không biết sẽ thu về được bao nhiêu".

Phương cách chăn nuôi nhỏ lẻ, theo kiểu "nguyên thủy" cũng là nguồn gốc phát sinh dịch bệnh. Ông Thành dẫn chứng: "Một chuyên gia nước ngoài từng nói với tôi rằng cứ chở lợn, gà lông nhông ngoài đường như thế, làm sao chống được dịch bệnh. Khi TPP được ký kết, gà Thái Lan tràn sang, với giá rẻ hơn nhiều (bởi chi phí cho con giống, thức ăn, thuốc thú y của họ rẻ hơn của ta tới 15%), làm sao người chăn nuôi Việt Nam có thể trụ vững được".

Phương cách chăn nuôi nhỏ lẻ có thể là nguồn gốc phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi nội địa

PGS.TS. Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cảnh báo, nếu ngành chăn nuôi không giảm được giá thành sản xuất xuống bằng hoặc thấp hơn các nước, thực phẩm thịt ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường. Điểm yếu của hai mặt hàng chủ lực trong chăn nuôi của nước ta là thịt bò và thịt lợn có giá thành quá cao so với các nước. Chẳng hạn 1kg thịt bò hơi nuôi tại Úc nhập vào Việt Nam, với thuế nhập khẩu 5% và các khoản phí khác, giá cũng chưa tới 60.000 đồng. Trong khi giá thịt bò hơi của ta đã ở mức trên 70.000 đồng/kg.

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhận định, để hội nhập thành công, ngành chăn nuôi cần khắc phục 3 điểm yếu: sự phát triển thiếu bền vững về năng suất; chất lượng giống vật nuôi; hình thức tổ chức chăn nuôi kiểu cũ. Về con giống, Việt Nam đi quá chậm, trong khi lợn giống tại các nước sinh sản đạt 25-26 con/lứa, Việt Nam vẫn cứ ì ạch ở mức 17-20 con. Chăn nuôi còn manh mún, cắt khúc, thiếu tính liên kết có tổ chức giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ, nên hiệu quả kinh tế không cao.

Biện pháp giải cứu

Theo ông Chinh, Việt Nam sắp tới sẽ không chỉ "đối mặt" với TPP mà còn sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại khác như AFTA, FTA với Úc… Vì vậy chúng ta cần có kế hoạch đối phó với những thách thức phát sinh. Cách đối phó khôn ngoan nhất là tìm những sản phẩm có tính rủi ro thấp nhất để mở cửa trước cho các nước thành viên TPP đưa hàng vào. Với ngành chăn nuôi, một trong những sản phẩm ưu tiên lựa chọn là thịt bò, rồi tiếp đó là gia cầm.

Vẫn còn đủ thời gian nếu chúng ta "xốc" lại ngành chăn nuôi ngay từ bây giờ. Thứ nhất, cho đến nay, đa số người Việt Nam vẫn tiêu dùng thịt tươi, trong khi nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh, sự lạc hậu này của thói quen tiêu dùng sẽ là "lá chắn" giúp chúng ta còn đủ thời gian để tái cơ cấu nhanh ngành chăn nuôi.

Với gia cầm, gà lông trắng không là lợi thế của ta, nhưng gà lông màu, gà bản địa đang phát triển với giá trị gia tăng cao, nên có thể phát triển giống gà này. Thời gian tới sẽ tập trung chế biến các sản phẩm gia cầm ở quy mô công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiến hành bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, đầu tư sản xuất con giống, áp dụng công nghệ cao để giảm giá thành sản phẩm. Sẽ phải giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đẩy nhanh việc thay thế một số nguyên liệu, như đưa gạo lật vào thay thế một phần ngô, cho trồng một số giống ngô biến đổi gen để tăng năng suất và sản lượng ngô trong nước.

Dự kiến, trong năm 2014, Cục Chăn nuôi sẽ triển khai những biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chăn nuôi Việt Nam: Làm gì để "đón" TPP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO