Cần tránh những rủi ro do nền tảng kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc

PGS-TS. PHẠM THẾ ANH(*)| 27/10/2018 03:36

Nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn yếu do tăng trưởng chưa vững chắc, chưa phát huy hết nội lực, nhiều vấn đề liên quan đến tài chính công, tài khóa công và rủi ro về lạm phát vẫn khó giải quyết.

Cần tránh những rủi ro do nền tảng kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc

Có nhiều yếu tố khiến nền tảng kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Đầu tiên phải kể đến thâm hụt ngân sách và nợ công. Hiện, trần nợ công mà Quốc hội cho phép là 65%, nợ chính phủ là 55%, nhưng không giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách nên nợ công luôn ở mức sát trần.

Đến nay, cấu trúc ngân sách nhà nước chưa được cải thiện, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo và nhu cầu chi vẫn vượt khả năng thu. Tính tới ngày 15/9/2018, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 898.300 tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán năm, trong khi tổng chi ngân sách nhà nước vào khoảng 936.600 tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán năm.

Kế đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chậm lại, dù sự chậm lại trong một vài quý gần đây chưa đủ để kết luận về sự sụt giảm của dòng vốn FDI vào Việt Nam hay sự dịch chuyển ra khỏi Việt Nam. Nhưng 9 tháng đầu năm nay lượng vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung giảm tương đối mạnh so với cùng kỳ 2017. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, vốn đăng ký mới chỉ đạt 14,1 tỷ USD, giảm 3% và vốn đăng ký bổ sung đạt 5,5 tỷ USD, giảm 18%.

Trong khi đó, đã xuất hiện dấu hiệu biến thiên liên tục của dòng vốn gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán. Đến nay, việc rút vốn gián tiếp không ồ ạt như ở nhiều nước khác, nhưng cần được chú ý trong xu hướng tăng lãi suất ở Mỹ sẽ tiếp tục, lần tăng tiếp theo có thể vào tháng 12 tới và sang năm 2019, có thể có thêm hai lần tăng lãi suất.

Tỷ giá là một trong nhiều yếu tố đang bị ràng buộc bởi nền tảng kinh tế vĩ mô yếu. Dù vậy, nước ta không thể điều chỉnh tỷ giá bởi việc điều chỉnh sẽ vướng vào các mục tiêu khác. Chẳng hạn, nếu nới lỏng tỷ giá lên 23.000 hoặc 24.000 VND/USD, nợ công sẽ lập tức tăng lên khi tính ra đồng Việt Nam, vì khoảng 50% nợ công là nợ nước ngoài. Một khi đồng tiền Việt Nam mất giá, giá trị nợ nước ngoài tính theo đồng nội tệ sẽ tăng, vi phạm trần nợ công và Chính phủ chắc chắn không muốn điều này xảy ra.

Thêm nữa, lạm phát tăng về bản chất cũng xuất phát từ tài khóa, do chịu tác động của một loạt mặt hàng Nhà nước quản lý, như giáo dục, y tế... Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, bình quân 9 tháng năm 2018, CPI biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9/2018.

Đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7, lần lượt là 4,67% và 4,46% so cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,35% so với tháng trước. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục là nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 9 tháng qua, nhóm dịch vụ y tế tăng 18,26%, trong khi nhóm dịch vụ giáo dục tăng 7,02%.

Nền tảng kinh tế vĩ mô yếu còn đến từ việc nhiều bộ, ngành "chơi mẹo" khi dỡ bỏ X điều kiện kinh doanh thì bổ sung thêm X+1 điều kiện kinh doanh, nhưng chỉ báo cáo phần điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ. Cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng đã đẩy chi phí vận chuyển tăng lên mức cao hơn ở nhiều loại mặt hàng.

Nhiều ngân hàng đang muốn nới lỏng điều kiện tăng trưởng tín dụng để có tăng trưởng tín dụng cao hơn trong bối cảnh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong quý III đã ra Chỉ thị 04 với định hướng kiểm soát chặt tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay BOT và tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Động thái siết tín dụng này khiến cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% của năm 2018 là khó khả thi khi 9 tháng mới chỉ tăng 9,52%.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,52% so với tháng 1/2017, thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước, năm 2016 là 10,46% và 2017 là 11,02%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng thương mại đạt 9,15%, cũng thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước.

Nền tảng kinh tế vĩ mô yếu đang làm thu hẹp không gian chính sách. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong điều hành tỷ giá, không nới lỏng để theo đuổi mức tăng trưởng kinh tế cao hơn. Cạnh đó, cần dành trọng tâm cho kiểm soát lạm phát, bởi áp lực lạm phát đang đến không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước trên thế giới.

(*) Tác giả hiện là Đại học Kinh tế Quốc dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tránh những rủi ro do nền tảng kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO