Cần siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước

PGS-TS. VÕ ĐẠI LƯỢC - TGĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương| 09/11/2016 06:47

Muốn sử dụng ngân sách hiệu quả phải bắt đầu từ chủ trương, tức là phải xây dựng chủ trương thu chi ngân sách hợp lý, phù hợp và có căn cứ khoa học.

Cần siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước

Ngày 4/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 về Các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017. 

Đọc E-paper

Qua nghị quyết này, có thể nhìn lại kỷ luật tài chính của nước ta đã có nhiều hạn chế. Trong khi chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu các nhóm lợi ích, thì tất cả những quy định về kỷ luật tài chính đều có thể bị vô hiệu hoặc thực hiện nửa vời. Kỷ luật tài chính trên văn bản là chặt nhưng trong điều kiện của nước ta, để làm được việc, ngay cả những người không tham nhũng vẫn phải biến báo cho phù hợp với quy định của Bộ Tài chính.

Ví dụ, quy định đánh máy một trang A4 giá 2.000 đồng là không phù hợp thực tế. Mức giá này chỉ đúng với người ăn lương nhà nước ngồi đánh máy, còn thuê ngoài thì một trang phải là 4.000 đồng. Từ việc định giá không đúng, các văn bản đã không xử lý được tận gốc những vấn đề tài chính ngân sách. Đấy là những quy định có tính chất thường ngày, còn với các công trình lớn thì là "đại chuyện".

Định hướng tài chính, ngân sách cho giai đoạn 2016 - 2020 được xác định trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7%, thu ngân sách nhà nước định hướng tăng 1,65 lần so với giai đoạn trước. Bội chi toàn giai đoạn là 3,9% GDP, với mức bội chi này, nợ công sẽ sát ngưỡng 65% GDP. Giai đoạn này, Chính phủ đề nghị chi đầu tư phát triển khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, từ 2017 đến 2020, ngân sách phải dành hơn 800.000 tỷ đồng để trả nợ.

(Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng)

Tình hình ngân sách vẫn rất khó khăn. Thâm hụt ngân sách hiện nay đã vượt quá mức 5%, có số liệu nói 6 - 7%. Dù đã tận thu rất cao, phát hành trái phiếu chính phủ rất nhiều nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu chi. Các quyết định chi dường như không có cơ chế kiểm soát, giám sát.

Cơ chế xin cho, chạy chọt gắn với hoạt động của nhóm lợi ích, gắn với ăn chia vẫn tồn tại. Cơ chế quản trị các công trình xây dựng công rất lỏng lẻo, sơ hở từ khâu đấu thầu, xây dựng, do vậy giá thành rất cao.

Đề án giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn bền vững dày 85 trang do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính trình Bộ Chính trị mới đây chưa giải quyết được những vấn đề của ngân sách hiện nay. Bản đề án này cũng nêu ra 7 giải pháp nhưng chưa có giải pháp nào có tính đột phá.

Trong khi đó, nợ công của Việt Nam hiện nay đã đạt tới 62% GDP theo chuẩn của Việt Nam, còn nếu theo chuẩn quốc tế thì đã vượt xa ngưỡng này. Theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, một nước khi mà nợ công vượt quá 50% GDP thì tốc độ tăng trưởng sẽ giảm. Trong khi đó, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra con số mỗi một thập kỷ tốc độ tăng trưởng GDP lại thấp đi 1%.

GDP trong 10 năm từ 2000 - 2010 của Việt Nam luôn trong khoảng từ 7 - 7,5% nhưng từ 2011 đến nay đã giảm tốc, chỉ tăng trưởng quanh mức dưới 7% và dao động quanh 6%. Do vậy có thể dự báo nợ công không giảm nếu áp dụng những giải pháp trong Đề án Bộ Tài chính đưa ra.

Chi thường xuyên đang tăng rất nhanh. Theo Bộ Tài chính, năm 2016, cơ cấu ngân sách chi đầu tư phát triển 20%, chi thường xuyên trên 64%. Năm 2017 chi thường xuyên chiếm khoảng 63,9% (chưa bao gồm chi cải cách tiền lương). Giảm chi thường xuyên là mục đích rất quan trọng của Nghị quyết 266. Muốn vậy, phải áp dụng một chương trình giảm biên chế quyết liệt, có thể cắt giảm 30% biên chế "sáng cắp ô đi, chiều cắp về".

Tất cả các quyết định đầu tư công phải có dự án trình và phải có hội đồng thẩm định khách quan, công khai, minh bạch, không thể chỉ do một vài người quyết định. Các dự án đầu tư công phải được đấu thầu quốc tế, theo chuẩn quốc tế, cho nên phải sửa lại Luật Đấu thầu, hạn chế đến mức tối thiểu các dự án chỉ định thầu. Các dự án của nước ta có thể làm tốt khi thực hiện đấu thầu quốc gia.

Muốn sử dụng ngân sách hiệu quả phải bắt đầu từ chủ trương, tức là phải xây dựng chủ trương thu chi ngân sách hợp lý, phù hợp và có căn cứ khoa học. Chủ trương là quan trọng nhất, vì nếu sai, chi sẽ hỏng hoàn toàn. Quan trọng không kém là ngân sách phải được công khai, minh bạch. Nước ta có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quản lý tài chính, kỷ luật ngân sách của Singapore để điều chỉnh một số điểm cho phù hợp và để ngăn chặn tiêu cực.

Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề chi tiêu ngân sách nhà nước trong những năm tới, nhấn mạnh triệt để tiết kiệm. Quan điểm là chi tiêu phải nằm trong khả năng của nền kinh tế, vay phải trong khả năng trả nợ. Phấn đấu tăng thu để tăng chi, còn nếu thu không đạt phải giảm chi tương ứng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính.

(Phó thủ tướng Vương Đình Huệ)

HẢI VÂN ghi

>Phía sau quyết định tăng ngân sách quốc phòng của Nhật

>Thu chi ngân sách: Vẫn còn lãnh đạo đi “chạy”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO