Cần sắp xếp lại ngân sách nhà nước

PGS-TS. VŨ SỸ CƯỜNG| 26/09/2018 03:00

Thu ngân sách nhà nước của Việt Nam có xu hướng giảm trong quá trình cải cách nền kinh tế.

Cần sắp xếp lại ngân sách nhà nước

Năm 2006, thu ngân sách đạt 28,7%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước châu Á hoặc các nước có thu nhập thấp. Thu và chi vẫn luôn có khoảng cách nhất định. Chi ngân sách của Việt Nam vẫn cao hơn mức trung bình của các nước thu nhập thấp, cho thấy nước ta vẫn chưa thu hẹp được bội chi và thâm hụt ngân sách.

Định hướng là bảo vệ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, Việt Nam là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP năm 2020. Điều đáng lo ngại, nghĩa vụ trả nợ công đang tăng nhanh. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185.800 tỷ đồng năm 2013 lên 296.200 tỷ đồng năm 2015. Nếu tính cả nợ bảo lãnh chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn nhiều, năm 2015 ước khoảng 418.400 tỷ đồng.

Nước ta đang giảm nguồn thu để đáp ứng cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên, giảm thu đang gặp hai cản trở. Thứ nhất, giảm thu do thiếu nguồn thu. Việc duy trì nguồn thu thuế từ đất đai sẽ không bền vững trong 10 - 20 năm nữa. Thứ hai, thu từ xuất nhập khẩu nhưng ngành hải quan đang "kêu khó” hoàn thành kế hoạch.

Nhằm tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính đề xuất tăng thu thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế bất động sản và thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng vấp phải sự phản đối. Tăng thu ngân sách từ nguồn nào? câu hỏi đến nay chưa có câu trả lời. Trong khi đó, do không tăng được nguồn thu nên khoảng cách giữa thu và chi luôn tăng cao và nợ công tiếp tục tăng.

Thách thức đối với chi ngân sách là rất lớn. Trong lập dự toán, nếu chi không hết thì chuyển nguồn sang năm sau. Nhưng chi chuyển nguồn cực lớn, có năm bằng 1/4 - 1/5 dự toán. Chi đầu tư hai năm 2016 - 2017 và 2017 - 2018 rất thấp, dẫn tới lãng phí khi huy động của hệ thống ngân hàng mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng đều có kế hoạch nhưng không giải ngân được. Như vậy, Nhà nước đi vay với lãi suất 5 - 6% để gửi tài khoản không kỳ hạn của ngân hàng với lãi suất chỉ 0,2%. Cải cách tài chính tới đây cần xem xét kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch dự toán chi đầu tư đang rất hạn chế.

Thêm nữa, phải làm thế nào giữ được quy mô chi khi nhu cầu ngày càng tăng. Từ trước tới nay, xây dựng hệ thống giao thông chủ yếu bằng vốn vay, trong đó có vốn ODA. Nước ta đang tìm nguồn vốn mới bằng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), PPP (đối tác công tư) nhằm thay thế ODA đang giảm dần và sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thiếu trầm trọng nguồn chi cho duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông, hiện vốn chỉ đáp ứng được 40% và thiếu 60%. Trong 10 năm nữa, Việt Nam không đủ chi phí duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông khi rất nhiều con đường đã xây từ 5 - 10 năm trước sẽ rơi vào tình trạng hư hỏng.

Vài năm trở lại đây, chi ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên, tăng rất nhanh. Điều chỉnh cơ cấu chi tiêu đang được thực hiện, nhưng không dễ vì liên quan tới quá nhiều lĩnh vực, quá nhiều người. Gần đây, thay đổi chi đầu tư hằng năm, loại trừ yếu tố giá, đang giảm, cho thấy nước ta đang cải cách nền kinh tế bằng cắt giảm đầu tư công.

Thế nhưng, cắt giảm đầu tư công không quan trọng bằng cải thiện hiệu quả đầu tư công. Việc cắt giảm đầu tư công dẫn tới xu thế thay đổi GDP. Nhìn GDP có vẻ tăng, nhưng tính cả chu kỳ 2012 đến nay thì vẫn là xu hướng giảm, dù xu hướng giảm này chậm hơn xu hướng giảm đầu tư công.

Nếu việc huy động vốn được thay bằng PPP, nhưng phải nhìn nhận PPP thực chất là đầu tư công, thay vì đóng thuế, nước ta sử dụng dịch vụ. Do đó, nếu không cẩn trọng, nền kinh tế có thể còn phải gánh chịu nhiều hơn cả nợ gốc và bội chi chỉ trả lãi. Nếu chỉ trả lãi, chỉ hơn 3%, nhưng nếu tính cả nợ gốc, con số này là 5 - 6%.

Hệ thống ngân sách của Việt Nam là lồng ghép, trong khi các nước duy trì hệ thống ngân sách độc lập. Ngân sách lồng ghép dẫn tới việc lập dự toán kế hoạch ngân sách rất hình thức và phải báo cáo rất nhiều cấp để phê duyệt, thời gian kéo dài. Ví dụ, tại các xã, dù có hội đồng nhân dân xã nhưng công tác phê duyệt, thẩm tra dự toán ngân sách cấp xã chỉ là hình thức, ít có ý nghĩa. Chưa hết, việc phân cấp cũng chưa cho thấy hiệu quả như mong muốn.

Việc một mặt khuyến khích địa phương thu ngân sách nhưng mặt khác lại phải đảm bảo công bằng đã khiến TP.HCM kêu nhiều vì bị giảm tỷ lệ phân chia. Đến nay, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách chi tiêu vùng. Điều này khiến kế hoạch xử lý rác thải ở Long An (do TP.HCM đầu tư) đã không đạt được thỏa thuận, bởi chưa có cơ chế vùng để quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi các bên.

Ngân sách nhà nước là tài sản chung, cần công khai, minh bạch trong quản lý. Luật Ngân sách quy định rất rõ ngân sách của địa phương phải công khai, minh bạch, nhưng năm ngoái chỉ 12 tỉnh thực hiện. Một khi các tỉnh công khai ngân sách ở mức kém, những nỗ lực cải cách đứng trước nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần sắp xếp lại ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO