Cần một xã hội đề cao sáng tạo

HỒNG BÍCH| 26/02/2014 07:09

Còn trong tháng Giêng, thời sự xã hội đã xôn xao bàn chuyện dùng người và ứng xử với người tài.

Cần một xã hội đề cao sáng tạo

Còn trong tháng Giêng, thời sự xã hội đã xôn xao bàn chuyện dùng người và ứng xử với người tài.

Đọc E-paper

Đúng lúc này có hai sự kiện nóng. Chuyện thứ nhất là cơn bão của game Flappy Bird và tác giả trẻ tuổi Nguyễn Hà Đông kiếm bạc triệu đô la khi viết game cho thế giới giải trí.

Chuyện thứ hai xung quanh bản dự thảo nghị định tinh giản 100 ngàn biên chế trong bộ máy hành chính, tức là thải loại 100 ngàn con người ngồi nhầm chỗ "tốt", hay là 100 ngàn "chiếc ghế” thừa trước nay bị đẻ ra để thêm bát thêm đũa, thêm cửa chạy chọt!

Cũng vào lúc này, một cậu bé lớp 3 "vật vã” với bài văn tả một buổi biểu diễn văn nghệ "Mừng Đảng - Đón Xuân" ở trường tiểu học. Cậu bé bế tắc vì hôm trước đã không được xem buổi biểu diễn đó. Cô giáo thì ra nghiêm lệnh, buổi biểu diễn như thế nào, các em phải miêu tả đúng như vậy!

Đứa trẻ lớp 3 được giáo dục răm rắp nghe lời cô, nó không chấp nhận sự gợi ý của phụ huynh viết về những tiết mục múa hát theo sự tưởng tượng, nó cũng không chịu hồi tưởng buổi biểu diễn văn nghệ của lớp 2. Trong trường hợp này, cô giáo đúng hay phụ huynh đúng?

Có thể là cô giáo đúng, bởi cô chỉ được giao nhiệm vụ dạy văn cho những đứa trẻ bình thường, nhận biết sự kiện đã diễn ra trước mắt, và một chút cảm xúc cần tái hiện.

Có thể là phụ huynh đúng, bởi trong thâm tâm phụ huynh nào cũng nhìn thấy con mình là một thiên tài, hoặc ít ra cũng cần khơi gợi khả năng văn chương, khuyến khích cho trí tưởng tượng và họ rất bực mình vì sự rập khuôn, học vẹt kiến thức trong nhà trường. Có thể trong một triệu phụ huynh có chút ảo tưởng về đứa con thần đồng vẫn có một người đúng, và xã hội có thêm một nhân tài sáng tạo.

Dù ai đúng, thì kết thúc lại, cậu bé lớp 3 vẫn muốn răm rắp nghe lời cô giáo. Cậu bé là một học sinh bình thường muốn đạt được điểm cao, có thể với xuất phát giáo dục tiểu học như vậy, cậu không thành thiên tài sáng tạo, nhưng cuộc sống ổn định vì nỗ lực đáp ứng các điều kiện của guồng máy giáo dục trọng thi cử, trong đó học thuộc kiến thức, học vẹt được chấp nhận như phương án tối ưu!

Một nền giáo dục như vậy, với những khuyến khích mang tính công thức, không tính đến năng lực sáng tạo, khơi gợi sáng tạo, tất yếu gặt hái một trạng thái xã hội không có nhiều môi trường cho sáng tạo. Ngày nay người ta cứ hỏi tại sao bộ máy hành chính chậm đổi mới, không xác định nổi mục tiêu phục vụ hay là giữ quyền lực.

Ngoài việc giữ lợi ích nhóm của ngành mình, địa phương mình, một bộ máy không muốn đổi mới cũng vì nó bao tiêu sản phẩm của nền giáo dục không khuyến khích sáng tạo.

Một nền hành chính với những trì trệ truyền thống, chậm đổi mới là để dung dưỡng, bao che sản phẩm giáo dục ít tài năng nhưng biết tuân thủ quy luật đặt ra của hệ thống chính trị! Với con số 100 ngàn công chức yếu kém bị thải loại, nền hành chính cũng đã đặt ra bài toán cho ngành giáo dục làm lại đáp số về tính sáng tạo.

Sự phát triển của công nghệ thế giới vẫn tràn vào Việt Nam, và xuất hiện những thanh niên thành công như Nguyễn Hà Đông có thể sẽ tác động đến suy nghĩ của những người làm giáo dục. Có người cho rằng trò chơi này quá đơn giản và Nguyễn Hà Đông chẳng qua là ăn may!

Nhưng cũng có người thừa nhận ở Nguyễn Hà Đông sự đột phá sáng tạo, Đông đã nhìn thấy cái triết lý đơn giản nhất của một hành động và đưa nó vào một trò chơi mà người ta dùng để lấp khoảng thời gian rỗi rãi ngắn ngủi trong đời sống hiện đại.

Ví dụ như ngồi ở phòng chờ trong sân bay, đi xe buýt, chờ đón con tan học hay giờ ra chơi của sinh viên, học sinh... Một loại trò chơi cuốn hút nhưng người chơi cũng dễ thoát ra, không bị ám ảnh gây nghiện như nhiều game khác.

Bởi vì người tham gia chơi game không bị áp lực bởi bất cứ lý tưởng, sự giáo dục và ảnh hưởng văn hóa nào hết, nên người viết game nếu không đi đúng mạch cuộc sống, Flappy Bird không thể thành công trên quy mô toàn thế giới! Người ta thấy thành công của Nguyễn Hà Đông là từ nền tảng của sáng tạo. Không ai gọi anh là thiên tài.

Trọng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ là việc cần làm. Nhưng nếu có chính sách giúp xã hội lấy tính sáng tạo làm xương sống phát triển thì còn cần thiết hơn nhiều trong thực trạng xã hội nước ta hiện nay. Một nền hành chính yếu kém, một nền sản xuất lắp ráp gia công trông chờ nền giáo dục có sản phẩm đại trà đề cao sáng tạo, chứ không dựa vào thiên tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần một xã hội đề cao sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO