Cần một bộ lọc thông minh

TRÌNH TIÊU thực hiện| 15/10/2013 02:16

Lựa chọn phải nhà đầu tư "rởm", nguyên nhân chính là do các địa phương thiếu một bộ máy sàng lọc nhà đầu tư và các dự án", GS.TSKH Nguyễn Mại,nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định.

Cần một bộ lọc thông minh

"Lựa chọn phải nhà đầu tư "rởm", nguyên nhân chính là do các địa phương thiếu một bộ máy sàng lọc nhà đầu tư và các dự án", GS.TSKH Nguyễn Mại,nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định.

Đọc E_paper

* Tính đến tháng 5/2013, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 518 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vắng chủ, tổng vốn đăng ký gần 1 tỷ USD. Ông nhận định thế nào về chuyện này?

- Chúng ta thiếu giải pháp xử lý các tình huống như vậy.

Để xảy ra tình trạng doanh nghiệp FDI vắng chủ hiện nay hay chuyển giá trước đây, một phần lỗi ở cơ quan quản lý.

Nếu thường xuyên giám sát, xử lý ngay khi phát hiện 5 - 7 doanh nghiệp vi phạm thì đã không có chuyện "tích tiểu thành đại" như bây giờ.

* Nhiều dự án tỷ đô được địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư bị thu hồi cũng bắt nguồn từ việc thiếu một "bộ lọc" nhà đầu tư?

- Đúng vậy. Chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng có quyền lựa chọn nước đến đầu tư.

Từ năm 2006, việc phân cấp cho địa phương đã giúp việc cấp giấy phép linh hoạt hơn, nhưng quyền lựa chọn nhà đầu tư thì địa phương chưa làm được. Nếu địa phương cẩn trọng hơn trong việc sàng lọc nhà đầu tư, lựa chọn dự án thì đã không xảy ra tình trạng này.

Thực tế, các nhà đầu tư chân chính luôn tuân thủ pháp luật, còn những nhà đầu tư không chân chính sẽ tìm kẻ hở để lách luật. Vì vậy, chúng ta phải có đối sách.

Các cơ quan nhà nước phải thường xuyên giám sát hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện những điều bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời, có chế tài buộc họ phải nộp thuế.

* Nhưng việc phân cấp đầu tư cũng là một trong những căn nguyên dẫn đến "bệnh thành tích"của các địa phương?

- Nguy hiểm là ở chỗ đó. Đất nước nào cũng phải nghĩ ra cách để thu hút các nhà đầu tư chân chính và hạn chế tối đa tiêu cực.

Cần có "một bộ lọc", đủ thông minh kiểm chứng các thông tin liên quan đến nhà đầu tư, tránh tình trạng sau khi xúc tiến đầu tư, nhận danh thiếp cất vào ngăn bàn mà không biết đối tác kinh doanh ra sao.

Với các nhà đầu tư mới, chưa có đủ uy tín, có thể yêu cầu họ đặt cọc. Điều này, Chính phủ Việt Nam đã cho phép.

* Trong tổng mức thu hút vốn 9 tháng đầu năm, hơn một nửa là các dự án lớn. Có vẻ như chúng ta dành quá nhiều sự tập trung vào các dự án tỷ đô mà bỏ qua các dự án nhỏ ?

- Tôi đã nói rất nhiều về điều này, không nên chê dự án nhỏ. Chúng ta vừa coi trọng doanh nghiệp lớn, vừa phải tiếp tục thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các dự án lớn đưa vào khu công nghiệp, khu kinh tế, còn các dự án nhỏ, những dự án lĩnh vực công nghiệp da giày, may mặc..., đưa về các tỉnh để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Một năm chúng ta phải tạo ra 1,3 triệu việc làm, chưa kể việc doanh nghiệp nhà nước cơ cấu lại sẽ dư dôi lao động. Vì vậy, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ tới đây cũng theo hướng này, ưu đãi nhiều lao động lên các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái... và không khuyến khích nhiều lao động làm việc ở Hà Nội.

* Như vậy, bản chất của vấn đề không nằm ở phía các đối tác ?

- Khảo sát Triển vọng kinh doanh ASEAN năm 2012 - 2013 của Hiệp hội Kinh doanh Singapore và Phòng Thương mại Mỹ cho thấy, 57% nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là địa chỉ để mở rộng đầu tư, nhưng chúng ta không nên chủ quan.

Chính sách đầu tư hiện nay của Việt Nam cởi mở hơn nhưng chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư thực. Thể chế, chính sách, thủ tục..., đều do con người tạo ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nhà lãnh đạo. Con người là mấu chốt của mọi vấn đề. Đây là thời kỳ hội nhập, họ có làm theo thế giới không?

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần một bộ lọc thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO