Cần giảm nhanh số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước

THANH HUYỀN| 01/06/2018 06:00

Ngân sách năm 2018 dự chi thường xuyên lên tới 434.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2017.

Cần giảm nhanh số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Ngân sách năm 2018 dự tính chi khoảng 1,52 triệu tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi thường xuyên là 434.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu bội chi ngân sách năm 2017 dự tính 3,5% GDP, trong mục tiêu Quốc hội cho phép, năm 2018 con số này sẽ tăng thêm 0,2%, lên mức 3,7% GDP. Đây là số liệu được trích từ báo cáo tình hình dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước ba năm 2018 - 2020.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, nước ta cần giảm nhanh bộ phận hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chỉ như vậy mới chặn được đà tăng chi ngân sách.

* Ông nhận định thế nào về tình hình thu chi ngân sách trong báo cáo kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm nay?

- Thu, chi ngân sách thường chậm trong những tháng đầu năm và tăng mạnh vào cuối năm, cùng thời điểm quyết toán, tính toán thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Chi ngân sách bốn tháng đầu năm tăng chủ yếu cho đầu tư phát triển. Điểm mừng là chi thường xuyên đã không tăng trong thời gian này.

Luật Ngân sách nhà nước được áp dụng từ năm 2017 nên việc thu chi ngân sách tốt hơn những năm trước đó. Năm 2017, lần đầu tiên nước ta giảm được bội chi ngân sách, số tuyệt đối là 4.000 tỷ đồng và số tương đối là dưới 3,48% GDP.

Nhưng vẫn còn nhiều lo lắng về tài chính, về ngân sách quốc gia, bởi chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi, khoảng 64% (cách đây 10 năm khoảng 50 - 55% trong tổng chi). Như vậy, chi thường xuyên vẫn quá cao dù Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã đưa ra vấn đề đổi mới, sắp xếp, tinh giản bộ máy nhà nước, thông qua đó, giảm mạnh số người làm việc không hiệu quả, hưởng lương từ ngân sách.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

* Trong báo cáo năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã công bố số dư hơn 57.000 biên chế. Theo ông thì con số này có quá cao?

- Dân số tăng thì dịch vụ công phải tăng. Tuy nhiên, khi quan sát ở một vài khu vực, vẫn có tình trạng dân số không đông nhưng bộ máy cấp xã, phường vẫn đông. Với những trường hợp này, cần phải tinh gọn, thậm chí phải hợp nhất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp nhất một số sở, ban có chức năng tương tự. Chẳng hạn, Bộ Tài chính cần hợp nhất cục thuế và các chi cục thuế.

* Ông nhận định thế nào về dự toán ngân sách trong kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018?

- Tôi không đồng thuận về mục tiêu bội chi tăng tới 3,7% GDP. Theo tôi phải giảm còn 3,5% GDP. Trong tổng chi ngân sách dự toán năm 2018, dự toán chi 1.500.000  tỷ đồng. Như vậy, nếu tiết kiệm 1% theo dự toán này đã tiết kiệm được 15.000 tỷ đồng.

* Liên quan đến thu chi ngân sách, ông có kiến nghị nào không?

- Quan ngại nhất là một số nguồn thu đang có xu hướng giảm. Ví như nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu lợi tức cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, nước ta ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do nên nguồn thu thuế từ hàng hóa nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục giảm.

Thu ngân sách vẫn khó khăn, nhiều bộ luật được sửa đổi, ban hành để kiểm soát chi tiêu của Nhà nước. Kế hoạch tài chính 5 năm cũng đang được thực hiện theo xu hướng giảm dần bội chi ngân sách. Cũng vì điều này mà thời gian qua, Quốc hội đã dành nhiều phiên họp để xem xét tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị và quản lý nhà nước sao cho tinh gọn và hiệu quả. Không thể không giảm mạnh chi thường xuyên, trong đó giảm nhanh hơn bộ phận hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Chỉ khi chi thường xuyên giảm mới giảm được chi ngân sách.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần giảm nhanh số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO