Cần đẩy nhanh cải thiện môi trường kinh doanh

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương| 08/12/2017 09:35

Hai năm qua, có nỗ lực của Chính phủ, có chuyển động của các bộ, ngành, các tỉnh - thành nên môi trường kinh doanh được cải thiện, vượt 23 bậc trên bảng xếp hạng Doing Business.

Cần đẩy nhanh cải thiện môi trường kinh doanh

Hai năm qua, có nỗ lực của Chính phủ, có chuyển động của các bộ, ngành, các tỉnh - thành nên môi trường kinh doanh được cải thiện, vượt 23 bậc trên bảng xếp hạng Doing Business (Khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới). Năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện cả về điểm số lẫn thứ hạng.  

Đọc E-paper

Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 0,1 điểm và 5 bậc, từ vị trí 60/138 nước lên vị trí 55/137 nước. Việt Nam đứng thứ tư trong khối ASEAN về môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với Singapore, Thái Lan, Malaysia và mục tiêu ASEAN 4. Như vậy, dư địa cải cách còn khá lớn.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, theo tôi, Chính phủ cần có thêm một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, về định hướng, nước ta vẫn tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu để cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Thứ hai, cạnh tranh công bằng là động lực thúc đẩy và làm tăng hiệu quả của nền kinh tế.

Chính phủ đã có hàng loạt giải pháp, nhưng một trong những giải pháp quan trọng là phát triển thị trường, nhân tố sản xuất để cho thị trường giữ vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII xác định, Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Do đó, cần đặt mục tiêu năm 2018 tăng 14 - 18 bậc trên bảng xếp hạng Doing Business, tập trung vào một số chỉ số, như khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu tài sản, bảo hiểm xã hội, phá sản, xử lý tranh chấp hợp đồng và giao chỉ tiêu này cho các đơn vị có liên quan.

Cải thiện thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh không thể không đụng đến lĩnh vực tư pháp. Hai năm qua, bên hành pháp rất tích cực nhưng bên tư pháp chưa có chuyển động đáng kể trong cải thiện thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện nay, hai chỉ số là phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng đang rất kém trong bảng xếp hạng Doing Business, nên phải phối hợp và tạo áp lực mạnh hơn để thay đổi hai chỉ số này.

Thêm nữa, theo tôi, Thủ tướng và các Phó thủ tướng cần gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với các bộ, ngành để năm 2018 bãi bỏ được 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh. Như vậy, với những bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh cụ thể phải thực hiện trước quý II. Với các bộ chưa rà soát, yêu cầu hoàn thành rà soát trước tháng 3/2018.

Tính đến nay, Bộ Công Thương mới cắt giảm được hơn 400 điều kiện kinh doanh trong khi con số phải cắt giảm là 675. Việc cắt giảm 34% số điều kiện kinh doanh hiện có của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn nằm trong kế hoạch. Các bộ, ngành khác đang rà soát và chưa công bố kết quả.

Đối với xuất nhập khẩu, việc đầu tiên cần làm là yêu cầu Tổng cục Hải quan cung cấp danh mục kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay các bộ, ngành chỉ biết đến các nhóm hàng hóa, không biết danh mục hàng hóa cụ thể, trong khi danh mục này là yếu tố quan trọng để xác định mức thuế, xác định thông quan hay phải kiểm tra. Tới đây, cổng thông tin một cửa quốc gia phải tiếp tục kết nối ít nhất 30 thủ tục thay vì dừng lại ở con số 39/130 thủ tục và chỉ có 11 bộ tham gia như hiện nay.

Với hàng loạt chi phí đã được liệt kê, năm 2018 cần đề ra những giải pháp cụ thể hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cạnh đó, nên có áp lực chỉ tiêu cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước.

Cuối cùng, năm 2018, phải sửa đổi pháp lý để tạo ra nhiều cầu hơn về thị trường đất nông nghiệp, về quyền sử dụng đất nông nghiệp, từ đó thiết lập hệ thống giao dịch sao cho thuận lợi, ít tốn kém, không nên có quá nhiều can thiệp hành chính như hiện nay. Có như vậy mới góp phần tạo bước tiến trong việc nâng cao hiệu quả nguồn lực và thay đổi động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

THANH HUYỀN ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần đẩy nhanh cải thiện môi trường kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO