Cán bộ ăn lương mà không làm, phải thay ngay

14/06/2014 07:49

Ngày 13/6, phát biểu thảo luận sửa đổi Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị “những người ăn lương mà không làm gì, phải thay ngay”.

Cán bộ ăn lương mà không làm, phải thay ngay

Ngày 13/6, phát biểu thảo luận sửa đổi Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị “những người ăn lương mà không làm gì, phải thay ngay”.

ĐB Đỗ Văn Đương nói, lấy phiếu không phải chỉ răn đe, cảnh tỉnh, quan trọng hơn là phải thôi thúc, tạo cho người ta phấn khích, cống hiến. Cán bộ mình trọng danh dự, phải để họ cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Nhưng lấy thế này, có khi người không làm gì cả phiếu lại cao.

“Người có đạo đức một cách trừu tượng, để mà phiếu cao, chúng ta không cần. Có đức mà không có tài là vô dụng. Ăn lương của dân, anh không làm thì phải thay thôi. Người xả thân làm thì có thể có sai, nhưng đó là người mà xã tắc cần đến” – ĐB Đương nói.

Cũng theo ĐB Đương, lấy phiếu là thăm dò, làm cơ sở đánh giá, sử dụng cán bộ. Vì thế không sợ trùng với bỏ phiếu. Nên ghi trên phiếu 2 mức rõ ràng là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Sau khi lấy phiếu rồi mới định lượng, một là tín nhiệm cao, hai là tín nhiệm thấp, không thể có cái thứ ba vừa cao vừa thấp!

“Lấy phiếu 3 mức như hiện nay thì không sát thực tế, cử tri người ta chê, người ta bảo tôi là sao các ông đại biểu mà các ông dốt thế” – ĐB Đương cho hay.

Nói về hệ quả lấy phiếu, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, người có trên 50% tín nhiệm thấp, nên có thời gian để cho họ sửa chữa, khắc phục. Bởi lấy phiếu chỉ để là bước thăm dò. “Nhưng nếu 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cho họ từ chức ngay (nếu họ tự nguyện) hoặc bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó” – Ông Thuyền kiến nghị.

Khi vào cuộc mới thấy bộ lộ ai làm việc, ai có năng lực, ai vì xã tắc. Anh phải làm việc thì xã hội mới chuyển động nhanh, chứ không phải ngồi đấy một dạ hai vâng, vì cái ghế đó mà người ta để anh lại, còn con người ấy thì người ta lại rất coi thường...” – ĐB Đỗ Văn Đương
Lấy một lần chẳng có ý nghĩa gì

Các ĐB cho rằng, sửa nghị quyết chỉ có ý nghĩa thực sự, nếu sửa những thứ cần sửa, dân đang “chê”. ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, 500 đại biểu đã biểu quyết thì Nghị quyết 35 đương nhiên có giá trị thi hành. Nhưng tự nhiên chúng ta lại dừng.

“Tất nhiên tôi đã đọc thư của Chủ tịch Quốc hội gửi tất cả các đại biểu nhưng lá thư không nói rõ ràng là các đại biểu có đồng ý hay không. Chúng tôi chưa thể hiện ý kiến mà đã sửa. Tôi cho rằng cách làm như vậy là không đúng. Lần sau cần rút kinh nghiệm” – ĐB Thuyền góp ý.

Theo ĐB Thuyền, nhiều đồng chí có cơ hội rất tốt, ví dụ như Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông – vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và một số bộ trưởng khác, vừa qua họ rất tích cực. Nếu lần này bỏ phiếu thì tôi chắc phiếu của họ rất cao. Như vậy là cơ hội của họ mất vì chúng ta dừng lấy phiếu. Việc dừng, lẽ ra chúng ta phải cân nhắc.

“Tôi thấy rất buồn khi chỉ có 1 lá thư của Chủ tịch Quốc hội lại đem đi sửa nghị quyết. Cái người ta khen thì mình sửa. Cái người ta chê thì mình để lại. Cử tri và nhân dân rất khen, rất ca ngợi, đây là một bước tiến mới của Quốc hội trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ. Còn 3 mức cử tri rất chê, sao lại có 3 mức. Cử tri nói ĐB sao mà dốt thế. Đương nhiên phiếu nhiều là tín nhiệm cao, phiếu ít là tín nhiệm thấp. Tại sao lại phải ghi thành 3 mức? – ĐB Thuyền phân tích.

Cũng theo ông Thuyền, lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/1 nhiệm kỳ là ít, nên lấy 2 lần vào cuối năm thứ 2 và năm thứ 4. Như vậy có cơ sở để có tiếp tục tín nhiệm trong nhiệm kỳ tới hay không. Nếu chỉ lấy phiếu 1 lần không có ý nghĩa gì cả.

Ba mức tín nhiệm - quá an toàn

ĐB Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh, lấy 3 mức phiếu là không hợp lý. Ông kể câu chuyện: Có 2 vợ chồng nghe thấy Quốc hội lấy phiếu hay quá thì cũng quyết định làm thế. Hai vợ chồng đề ra 3 mức: Chung thủy cao, chung thủy và chung thủy thấp. Một năm sau, người chồng vẫn quan hệ lăng nhăng, bà vợ bảo không được, phải sửa điều này. Một là ông chung thủy với vợ con, hai là sắt son với bồ bịch. Ông chỉ được chọn 1 hay 2 thôi. Ông chọn cả hai là không có được. Cuối cùng người đàn ông không nghe và vẫn giữ 3 mức. Người vợ bảo “thế giây thần kinh tiếp thu của ông đứt rồi à”.

“Chỉ nên lấy 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm thôi. Anh nào nhiều phiếu tín nhiệm cao, ít phiếu là tín nhiệm thấp. Anh nào có số phiếu trung bình thì là tín nhiệm trung bình. Đừng làm phức tạp ra, dân không đồng tình, người ta bảo với tôi là đại biểu các anh dốt quá” – ĐB Thuyền nói.

Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cử tri 'chê' nhiều vì 3 mức “an toàn quá”. Thực tế lấy phiếu ở Quốc hội vừa qua không ai có mức phiếu thấp dưới 50%, cấp tỉnh chỉ có hai đồng chí có số phiếu tín thấp dưới 50%, chiếm khoảng 2 phần nghìn và cấp huyện cũng như vậy. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị sửa từ ba mức xuống hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

“Cử tri hơn 30 địa phương cũng đề nghị nên lấy hai mức, có như vậy người được lấy phiếu mới thể hiện có trách nhiệm cao hơn” – ĐB Vinh kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cán bộ ăn lương mà không làm, phải thay ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO