Cải thiện bộ mặt đô thị: Không chỉ đòi lại vỉa hè

11/02/2018 03:10

Một đô thị đáng sống không thể có tình trạng người dân mất dần chỗ vui chơi, giải trí mang tính cộng đồng.

Cải thiện bộ mặt đô thị: Không chỉ đòi lại vỉa hè

Quảng trường Gwanghwamun là nơi mà bất kỳ du khách nào đến thăm thủ đô Seoul, Hàn Quốc cũng muốn nán lại. Ở đây không chỉ lưu giữ những giá trị lịch sử của người Hàn mà từ trên cao, du khách còn được nhìn ngắm con suối nhân tạo Cheonggyecheon - công trình được mệnh danh nhà máy điều hòa nhiệt độ cho thành phố hơn 20 triệu dân này.

Việc triển khai ý tưởng khơi lại dòng Cheonggyecheon vào năm 2003 đã khiến thị trưởng Seoul lúc đó - ông Lee Myung-bak (người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc) bị không ít chỉ trích, nhưng ngày nay, Cheonggyecheon và khu công viên dọc 2 bên là điểm đến của người dân Seoul và cả du khách, đặc biệt vào mùa hè.

Để mở cửa gần 6km suối Cheonggyecheon vào năm 2005, chính quyền đã "khai tử" một đường cao tốc trên cao tại trung tâm Seoul - công trình phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hình thành từ những năm1970. Suối Cheonggyecheon được xem là nỗ lực cải tạo môi trường và mỹ quan đô thị của thành phố Seoul vốn chi chít nhà cao tầng.

Link bài viết

Không chỉ khu vực suối Cheonggyecheon, tại thủ đô Seoul, dọc theo sông Hàn, hệ thống công viên, cây xanh, nơi vui chơi giải trí, nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp, có máy sưởi cũng góp phần tạo cảnh quan và sân chơi cho người dân thành phố.

Ngẫm người mà nghĩ đến ta. Xứ họ đất chật người đông, đi trước ta hàng mấy chục năm, bê tông hóa rồi cũng quay lại để tìm chút mảng xanh, phục dựng con suối từng bị san lấp và tạo không gian sống thân thiện với môi trường. Đây là kinh nghiệm để các nhà lập quy hoạch, các cơ quan quản lý của Việt Nam nghiên cứu khi chỉnh trang đô thị.

Cũng là điều đáng suy ngẫm khi mới đây đã có không ít phản ánh của người dân TP.HCM về việc không chỉ bị "đánh cắp" vỉa hè mà không gian công cộng tại các công viên trên địa bàn cũng bị thu hẹp.

Chẳng hạn mặt bằng Công viên 23 tháng 9 đang chịu sự quản lý và khai thác của nhiều đơn vị, như Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, Trung tâm Phát triển quỹ đất. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý, khai thác đất công viên với nhiều mục đích, từ cho thuê bãi đỗ xe, sân khấu biểu diễn cho đến dịch vụ nhà hàng, quán bar làm mất chức năng chính của công viên.

Sắp tới, Công viên 23 tháng 9 sẽ có nhà ga trung tâm của tuyến Metro số 1 nên lượng người lui tới thường xuyên đông đúc. Theo Sở Giao thông - Vận tải, hiện UBND TP.HCM đã chấp thuận giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm quy hoạch 1/500 cho Công viên 23 tháng 9. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Sở Giao thông - Vận tải sẽ lập dự án đầu tư (dự án thành phần) và dừng tất cả hoạt động có thu phí ở một số khu trên mặt bằng công viên để bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất từ giữa năm 2018.

Thiết nghĩ, việc quản lý, sử dụng đất công viên cần phải được chấn chỉnh, làm nhanh và làm quyết liệt, bởi nếu để mạnh ai nấy khai thác như hiện nay sẽ không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn cản trở việc xây dựng TP.HCM thành đô thị hiện đại, có chất lượng sống tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải thiện bộ mặt đô thị: Không chỉ đòi lại vỉa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO