Cái lý của nghịch lý

NHÓM PHÓNG VIÊN| 04/07/2012 09:16

Cùng với 30.000 tỷ đồng của Nhà nước đã giải ngân, hàng loạt gói giải pháp hỗ trợ lãi suất đã được nhiều ngân hàng (NH) đồng loạt tung ra. Nhưng tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay NH và phải phá sản hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra.

Cái lý của nghịch lý

Cùng với 30.000 tỷ đồng của Nhà nước đã giải ngân, hàng loạt gói giải pháp hỗ trợ lãi suất đã được nhiều ngân hàng (NH) đồng loạt tung ra. Nhưng tình trạng doanh nghiệp (DN) không tiếp cận được vốn vay NH và phải phá sản hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra. NH có vướng mắc nhưng rủi ro đến mức có tiền mà không thể cho vay được thì là một nghịch lý có tính hệ thống.

>>Vốn treo, doanh nghiệp chịu đói

Đọc E-paper

Không giải ngân bừa

Theo ông Lê Vũ Kỳ, Phó tổng giám đốc NH ACB, đến nay cho vay quả thực khó khăn đối với NH, tăng trưởng không nhiều vì khách hàng đủ tiêu chuẩn vay rất khó tìm.

Thường những năm trước, các NHTM chỉ cần phát triển tín dụng ở khách hàng hiện hữu như khách hàng cũ vay tăng lên thêm là tăng trưởng tín dụng tương đối rồi, nhưng năm nay, phần tăng lên của khách hàng hiện hữu để mở rộng sản xuất, kinh doanh rất ít, đôi khi nhiều khách hàng còn co lại.

Trong khi đó, khách hàng mới rất hiếm, nếu NH không cẩn trọng trong cho vay thì có thể lấy khách hàng xấu đang nợ nần ở NH bạn tìm cách xoay vốn NH khác.

Ngoài ra, theo ông Kỳ chính sách giảm lãi suất cho vay cũng phải đến đợt mới giảm chứ không thể giảm cào bằng với tất cả khách hàng, nhất là khi khách hàng vay trung, dài hạn nhưng điều chỉnh lãi suất 3-6 tháng/lần.

Nói về chuyện NH chỉ triển khai gói tín dụng như một cách đánh bóng tên tuổi, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH Đông Á, khẳng định: “Phát biểu như vậy là không chuẩn xác”.

Theo ông Bình, NH sẵn sàng tìm kiếm người vay, nhưng phải tìm kiếm khách hàng có hoạt động phù hợp để đảm bảo khi NH đưa vốn ra thì DN đó họ tiếp cận và phát triển được.

“Chúng tôi nhận thấy hiện nay có nhiều DN sản xuất hàng hóa không tiêu thụ được, nếu thêm vốn để sản xuất chẳng khác nào ứ đọng thêm hàng tồn kho, lãi suất lại tăng hằng tháng, không khéo lãi mẹ đẻ lãi con giết DN càng nhanh hơn.

Vì vậy, trong cuộc họp vừa qua với UBND TP.HCM, chúng tôi chính thức làm việc với Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM, sẵn sàng cung cấp 1.000 tỷ đồng, thậm chí với lãi suất thấp hơn lãi suất Thống đốc NHNN quy định là 13% cho các đối tượng để tìm kiếm khách hàng.

Chúng tôi có thể cho vay 12%/năm, hoặc 11,5% cho thành viên của Hội. Đây là cơ hội mà các DN tiếp cận vốn NH cực kỳ dễ”, ông Bình nói thêm.

Vốn vào tay ai?


Cách đây không lâu, Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đưa ra thống kê, mới chỉ có 77 DN đăng ký vay vốn ưu đãi lãi suất với số tiền hơn 2.200 tỷ đồng từ gói vay 30.000 tỷ đồng trên địa bàn thành phố trong tháng 6 này. Khả năng DN hấp thụ được 30.000 tỷ đồng vốn vay như mục tiêu của thành phố đề ra là rất khó.

Tuy nhiên, khi hỏi về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định, tính đến ngày 30/6, số tiền 30.000 tỷ đồng đã được giải ngân hoàn toàn. Bằng chứng là tăng trưởng tín dụng tháng 6 tăng lên 1,96%, trong khi tháng 5 gần như không tăng trưởng.

Như vậy, có thể thấy, vốn được bơm ra nền kinh tế đều được hấp thụ hết, vấn đề đặt ra ở đây chỉ là ai kêu ca, ai hưởng lợi mà thôi.

Không đi sâu vào gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ, chỉ nói đến những gói tín dụng của các NHTM thì thấy rào cản là có thật.

Chẳng hạn, gói sản phẩm NH Eximbank đưa ra, bên cạnh mức lãi suất 7%/năm, khách hàng phải cam kết bù đắp cho chênh lệch của tỷ giá trong kỳ (từ nay đến cuối năm) tối đa là 3%, và nếu tỷ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3% đó.

Còn gói còn lại là cho vay đối với 4 nhóm ưu tiên, lãi suất khoảng 13%. NH Đông Á triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, trong đó chỉ có 100 tỷ đồng vay ưu đãi tín chất dành cho các DN trong Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM.

Số tín dụng còn lại Đông Á triển khai với lãi suất tối đa 13%/năm, điều kiện khá ngặt nghèo, như: phương án kinh doanh hiệu quả, 3 năm liền kiểm toán có lãi, lần đầu vay vốn kinh doanh, không có nợ xấu tại các NH khác, có tài sản đảm bảo...

Vậy nên hiện nay mới có chuyện các NHTM thừa vốn tìm cách “săn” khách hàng tốt của nhau thông qua việc mua lại danh sách khách hàng tiềm năng trên Trung tâm Thông tin tín dụng bằng nhiều ưu đãi lãi suất và phí.

Trong khi đó, nhiều DN khát vốn sẵn sàng vay lãi suất cao lại bị các NHTM quay lưng.

Là khách hàng lâu năm của Eximbank, ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đức Hoàng (TP.HCM), cho biết, công ty của ông dù nhỏ nhưng do có uy tín và lịch sử tín dụng tốt, nên từ trước đến nay đều được các NHTM mời chào vay vốn lãi suất rẻ.

“Hiện tại tôi vay USD ở Eximbank lãi suất 6%/năm. Những ngày qua, NH ACB liên tục mời chào tôi vay USD lãi suất chỉ 5,5-6%/năm và được hưởng thêm nhiều quyền lợi khác”, ông Chiến nói.

Cũng theo ông Chiến, các NHTM hiện nay chỉ ưu tiên cho vay thế chấp tài sản đầu tiên là sổ tiết kiệm VND, vàng, tiếp theo là nhà mặt tiền quận 1, quận 3, sau đó mới đến máy móc, nhà xưởng. Hiện nay các NHTM hầu như không cho thế chấp hàng tồn kho.

Do vậy, để vay được vốn, các DN cần nắm được những yêu cầu cơ bản này của NH. Nếu cứ đem hàng tồn kho, thậm chí thế chấp nhà xưởng hiện có sẽ rất nhiêu khê. Đôi khi không phải do NH mà do chính sách.

Thí dụ, NH chỉ cho vay khi DN có báo cáo tài chính 2-3 năm có lãi, nếu báo cáo lỗ NH cho vay sẽ phạm luật. “Tôi có nhà xưởng đất thuê của Nhà nước 50 năm, trị giá mấy chục tỷ đồng, nhưng tái định giá NH chỉ cho vay 2 tỷ đồng. Để có thể vay đủ vốn, tôi buộc phải lấy tài sản, nhà cửa của mình để thế chấp”, ông Chiến chia sẻ.

Nhận xét về động thái của các NH, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, thẳng thắn cho rằng, NH cũng là DN nên họ cũng có cái lý về lãi suất, về các điều kiện cho vay...

“Không phải họ không cần DN, bằng chứng là gần đây các NH thường xuyên gửi cho DN các chương trình của họ để mời DN tham gia. May Sài Gòn 3 hiện làm việc với NH HSBC và Vietcombank. Theo đó, mỗi NH cho Công ty hạn mức vay 20 triệu USD thông qua hình thức trả phí mở L/C”.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, để có được hạn mức này, May Sài Gòn 3 phải làm việc với HSBC từ cách đây gần 5 năm, phía NH này sẽ xem xét uy tín và các đối tác kinh doanh của May Sài Gòn 3. Song, đầu tiên, họ chỉ cho hạn mức 5 triệu USD, sau một khoảng thời gian mới tăng lên 10 triệu và hiện nay là 20 triệu USD.

TS. Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM: Hạ lãi suất điều hành

- Sáu tháng đầu năm 2012 tăng trưởng kinh tế chỉ 4,3%, đồng thời số lượng DN phá sản, hàng tồn kho vẫn tiếp tục gia tăng nên vấn đề hiện nay là phải kích cầu trong tiêu dùng và kích cầu trong đầu tư.

Đặc biệt, các DN bên cạnh việc khó khăn về hàng tồn kho, còn đang khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất vừa phải để triển khai dự án có tỷ suất lợi nhuận ở mức vừa phải. Hạ lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ làm tăng nhu cầu vay vốn và tăng mức tín dụng của các NHTM lên.

Nền kinh tế muốn tăng trưởng thì vốn đầu tư xã hội phải tăng lên, trong đó bên cạnh vốn ngân sách của nhà nước thì cần tăng nguồn vốn vay của DN qua việc giảm lãi suất.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Giảm lãi suất chưa tạo hiệu ứng

- Trong bối cảnh hiện nay, nợ xấu như hòn đá to, ngăn cản dòng chảy của tín dụng ra nền kinh tế, vì vậy, việc giảm lãi suất chưa thực sự tạo hiệu ứng tích cực. Việc đầu tiên phải làm là giải quyết nợ xấu của NH.

Thành lập công ty mua bán nợ quốc gia là một mô hình khả thi để làm việc này. Tuy nhiên, phải cần đến 1-2 năm thì nợ xấu mới giảm bớt.

Như vậy, lãi suất cho vay có giảm nhưng đến được với đại bộ phận DN thì phải cần thêm thời gian.

Ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Ngân hàng công khai ưu đãi lãi suất

- Lãnh đạo thành phố sẽ “xắn tay áo” tìm vốn cho DN, khởi đầu là lập ngay đường dây nóng ba bên giữa lãnh đạo UBND thành phố và NH, DN nào gặp khó khăn vướng mắc không hợp lý, vi phạm các quy định mới về hỗ trợ DN của Chính phủ có thể chính thức nhờ đến UBND thành phố góp sức tháo gỡ với NH.

UBND thành phố cũng yêu cầu các NH quốc doanh thanh tra, giám sát các khoản vay, không để cấp dưới sai sót, làm khó DN, linh hoạt xem xét nới bớt điều kiện vay “cứng” quá mức, như yêu cầu 3 năm làm ăn có lãi rất khó đáp ứng. Đồng thời yêu cầu các NH công khai các ưu đãi lãi suất kinh doanh, sản xuất tại các phòng giao dịch.

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: Tỷ lệ doanh nghiệp vay được quá thấp

- Thời điểm hiện nay có những NH đang thực sự thừa vốn, cho nên, việc hài hòa giữa lợi nhuận cao nhất với việc tiếp cận được khách hàng là một yêu cầu của thực tế, đòi hỏi các NHTM phải làm.

Tôi được biết, tỷ lệ DN tiếp cận được các gói hỗ trợ này của NH với những điều kiện cho vay thuận lợi hơn, với lãi suất thấp hơn, chẳng hạn 12-13% đã có, nhưng còn rất ít.

PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Hệ thống hỏng

- NH hỗ trợ lãi suất, DN vẫn không tiếp cận được, tăng trưởng tín dụng âm là bằng chứng hiển nhiên. NH đồng ý hạ lãi suất nhưng lại hành động dựa trên nguyên tắc thị trường.

Ở đây, NH có lỗi nhưng DN rủi ro đến mức có tiền mà không thể cho vay được, đó là do cả một hệ thống hỏng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cái lý của nghịch lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO