Cải cách thể chế kinh tế: Điều quan trọng số 1

NGUYỄN HOÀNG thực hiện| 28/10/2015 06:49

Các đàm phán về FTA đều nhấn mạnh tự do hóa thương mại, nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan muốn nói thêm về môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng.

Cải cách thể chế kinh tế: Điều quan trọng số 1

Các đàm phán về FTA đều nhấn mạnh tự do hóa thương mại, nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan muốn nói thêm về môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng. 

Đọc E-paper

* Sau một loạt FTA được ký và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận, bà nhận xét thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam?

- Năm 2015 lẽ ra phải là năm tăng tốc tối đa để chuẩn bị cho hội nhập, mà chuẩn bị cho hội nhập thì điều quan trọng số 1 đối với Nhà nước là phải quan tâm đến cải cách thể chế.

Từ năm ngoái đến nay, Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt là Nghị quyết 19 năm 2014 và năm 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo tinh thần của Nghị quyết 19, cải thiện môi trường kinh doanh mang hai hàm nghĩa: cải thiện thể chế ở Việt Nam và cải thiện bộ máy nhà nước của Việt Nam, để tăng khả năng phục vụ xã hội của Nhà nước, tăng tinh thần kiến tạo phát triển, chứ không phải là Nhà nước kiểm soát thị trường theo các cách khác nhau.

Thế nhưng, tinh thần của Nghị quyết 19 không được thực hiện. Kết quả thực hiện Nghị quyết 19, hai tuần trước điểm lại, chỉ có 3 trong số hơn 20 bộ thực hiện và 3 trong số 63 tỉnh - thành thực hiện.

Như vậy, đa phần các cơ quan nhà nước vẫn vô cảm trước nhu cầu bức bách cần cải thiện môi trường kinh doanh, mà đây là hành động vô cùng cần thiết cho việc chuẩn bị hội nhập của nước ta.

* Hội nhập sâu rộng, người ta nói nhiều hơn về cơ hội. Bà nói gì về điều này?

- Năm nay, chúng ta vui mừng vì hoàn thành FTA với Hàn Quốc, với Liên minh châu Âu, gần đây nhất là TPP, và cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập. Nhưng niềm vui này sẽ còn có ý nghĩa gì khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam không cải thiện được để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN)?

Không làm được như vậy, phải chăng chúng ta không những nhường hết cơ hội của các FTA này cho đối tác, mà còn phải trả giá bằng việc mở cửa thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Người Việt Nam, DN Việt Nam không cải thiện được môi trường làm việc để nâng cao năng lực cạnh tranh, rốt cuộc, sẽ bị sức ép cạnh tranh làm cho khó hơn và cơ hội sẽ rơi vào tay người nước ngoài, kể cả nhóm đầu tư nước ngoài, cũng như những DN nước ngoài có cơ sở sản xuất ở Việt Nam.

Việt Nam sẽ mở cửa cho 57 quốc gia, như vậy, 57 quốc gia đó sẽ có quyền đổ hàng hóa vào nước ta. Khi thuế nhập khẩu vào Việt Nam bằng 0%, khi các hàng rào phi thuế khác dỡ bỏ, liệu nước ta có khả năng tăng xuất khẩu sang 57 thị trường đó không?

Không được đâu! Những con số người ta đưa ra đã "tô hồng" lợi ích Việt Nam có được trong tăng trưởng xuất khẩu qua TPP. Nếu muốn tăng xuất khẩu qua TPP, nghĩa là nước ta giảm xuất khẩu vào các khu vực khác, giảm xuất khẩu sang châu Âu và các nước ngoài TPP. Như vậy, nước ta sẽ được hưởng lợi gì? Tôi nghĩ, điều này cần được xem xét và suy nghĩ kỹ.

* Theo bà, giải pháp thấu đáo cho vấn đề hội nhập tới đây là gì?

- Gần đây, Nhà nước tổ chức những hội thảo với nội dung chỉ một chiều là yêu cầu DN cố gắng cải thiện năng lực cạnh tranh, không nói đến chuyện Nhà nước sẽ làm gì để giúp DN cải thiện năng lực cạnh tranh. Thực ra, không phải là giúp, mà đó là việc Nhà nước phải làm để tạo ra môi trường cạnh tranh cho DN Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.

Nhưng để làm được điều đó, nước ta phải cải cách thể chế kinh tế và làm cho các chính sách phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của đất nước. Cạnh đó, cần xác định lại vai trò của Nhà nước, bởi nếu Nhà nước vẫn can thiệp quá nhiều thì kinh tế khó phát triển một cách lành mạnh.

* Cảm ơn bà!

>Làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh?

>TS. Nguyễn Đình Cung: Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi dần

>TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách hơn nữa

>Thực thi FTA: Cần đẩy mạnh cải cách kinh tế trong nước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách thể chế kinh tế: Điều quan trọng số 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO