Cải cách nền kinh tế - điều kiện tiên quyết để phát triển

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)| 24/02/2016 06:11

Việt Nam hướng mạnh mẽ hơn vào cải cách kinh tế vi mô và tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển, sau một thời gian chỉ tập trung điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Cải cách nền kinh tế - điều kiện tiên quyết để phát triển

Kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ chuyển giao. Quá trình chuyển giao không chỉ thực hiện giữa hai kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tương ứng cho giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, mà còn từ ổn định và phục hồi tăng trưởng sang tăng trưởng và hội nhập sâu rộng hơn.

Đọc E-paper

Việt Nam cũng hướng mạnh mẽ hơn vào cải cách kinh tế vi mô và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển, sau một thời gian chỉ tập trung điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Môi trường và điều kiện kinh tế hiện có nhiều nét tích cực hơn so với đầu năm 2011 - thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đi kèm với niềm tin được củng cố của các nhà đầu tư, cộng đồng DN và dân cư. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra những cơ hội cho các DN, đồng thời tạo thêm động lực cho các cải cách hướng mạnh vào kinh tế thị trường.

Nhưng nhìn cách khác, kinh tế nước ta trong năm 2015 chưa thực sự thoát khỏi suy giảm, động lực tăng trưởng chưa đủ. Lạm phát thấp, 0,6% trong năm qua, nhưng tổng cầu chưa tăng đáng kể, năng lực sản xuất chưa được cải thiện. Xuất khẩu tăng 7,9% vẫn thấp hơn mục tiêu (10%) và các năm 2011 - 2014, riêng dầu thô giảm 48,5% về kim ngạch và 1,3% về lượng. Ổn định tỷ giá góp phần giúp ổn định kinh tế vĩ mô song tăng trưởng xuất khẩu chịu ảnh hưởng mạnh do USD lên giá trong năm 2014 - 2015.

Quá trình cải cách và hội nhập kinh tế cũng đi kèm với không ít thách thức trong những năm tới. Những thách thức ấy có thể gồm: quyết tâm cải cách chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn, nhận thức chưa đầy đủ về cơ hội, thách thức và yêu cầu của thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như vai trò của Nhà nước, Chính phủ trong điều hành kinh tế và tổn phí điều chỉnh đối với một số nhóm dân cư, doanh nghiệp.

Ở một chừng mực nhất định, những cải cách trong giai đoạn 2011 - 2015 còn chậm và chưa sâu rộng như kỳ vọng. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để quá trình cải cách diễn ra tập trung và thực chất hơn trong giai đoạn sau 2015.

Tín dụng tăng đều hơn, ước đạt trên 18%, cao hơn mục tiêu đề ra đầu năm (13 - 15%), nhưng chưa giảm được lãi suất cho vay, do phải dành một phần thanh khoản cho trái phiếu chính phủ (TPCP).

Tình hình tài khóa căng thẳng hơn trong năm 2015. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) chậm, dẫn tới "loay hoay" tìm nguồn cho chi NSNN và đầu tư phát triển. Chỉ tới cuối tháng 12/2015 mới chắc chắn thu NSNN vượt dự toán.

Căng thẳng NSNN năm qua được xác định là do thiếu kiểm soát, không tiết kiệm các khoản chi, có phần "ỷ lại" vào các khoản vay nợ (từ Ngân hàng Nhà nước, từ phát hành TPCP) bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như giá dầu thô giảm mạnh.

Phát hành TPCP tăng mạnh vào quý IV, sau khi được Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn hồi tháng 11/2015. Kỳ hạn 3 năm chiếm 63,9% TPCP phát hành trong quý IV và 73,3% trong 2 tháng 11 - 12 (hơn 32,6% trong năm 2015). Đáng lo ngại là tình trạng phát hành TPCP được cho là "thành tích".

Nguồn lực từ cổ phần hóa không dùng để tái đầu tư, mà lại dùng để hỗ trợ cho chi NSNN. Khoản tiền 30 nghìn tỷ đồng từ thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước được đưa vào dự toán NSNN 2016, khả năng trả nợ chưa rõ, kể cả kế hoạch trả nợ.

Năm 2016, nước ta đặt chỉ tiêu GDP tăng trưởng 6,82%, lạm phát 4,37% trong bối cảnh vẫn có những bất định. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Hoa Kỳ phục hồi vững chắc nhất, song cũng đã ra tín hiệu ngừng nới lỏng tiền tệ. Xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, riêng vốn rút khỏi Trung Quốc từ 6/2014 - 11/2015 là 1 nghìn tỷ USD. Giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, kể cả với các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Bất định còn đến từ chính sách kinh tế của nước ta.

Trong bối cảnh ấy, phải tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách thực chất. Trong đó, giảm tính chi phối của chính sách tài khóa; hướng dần đến giảm thâm hụt NSNN còn 4% GDP, ngay cả trước Luật NSNN (sửa đổi) có hiệu lực; Bảo đảm kỷ luật chi (đã được nhấn mạnh trong thông điệp đầu năm của Bộ trưởng Tài chính) và kỷ luật phát hành TPCP.

Thu NSNN từ DN không nên coi là thành tích. Ổn định lạm phát là ưu tiên cao nhất của chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng là mục tiêu thứ cấp. Thứ hai, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với DN, nên cần tăng cường chất lượng thực thi Nghị quyết 19. Nâng cao nhận thức, tiến tới xây dựng văn hóa về "cạnh tranh bình đẳng" trước khi các cam kết trong TPP có hiệu lực.

Hiện, khung pháp luật về cạnh tranh là không đủ, mà phải có chế tài và cơ quan quản lý cạnh tranh đủ thẩm quyền và năng lực. Một điểm nữa cũng cần được lưu ý, đó là giảm chèn lấn của khu vực công đối với khu vực tư nhân, bởi nhận thức và khung pháp lý về "quyền tự do kinh doanh" mới chỉ là nền tảng bước đầu.

HẢI VÂN ghi

>Động lực phục hồi kinh tế

>"Phát triển xanh" bao hàm cả lợi ích kinh tế

>Sách trắng kinh tế Việt Nam 2016: Thủ tục hành chính vẫn là trở ngại lớn nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách nền kinh tế - điều kiện tiên quyết để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO