Cải cách môi trường kinh doanh: Cần cơ chế đối thoại thường xuyên

HẢI VÂN thực hiện| 20/04/2017 06:34

Sau một năm thực thi "chính phủ kiến tạo", cải cách thủ tục hành chính còn quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp".

Cải cách môi trường kinh doanh: Cần cơ chế đối thoại thường xuyên

Sau một năm thực thi "chính phủ kiến tạo", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: "Cải cách thủ tục hành chính còn quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp".  

Đọc E-paper

* Bà đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh sau một năm thực thi "chính phủ kiến tạo"?


- Môi trường kinh doanh năm qua đã có những tiến bộ nhưng còn ở mức thấp so với kỳ vọng của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với thuế và hải quan, gắn với thông quan hàng hóa, nhưng thời gian kiểm tra hàng hóa nhập khẩu hiện nay vẫn kéo dài làm cho việc thông quan chậm trễ.

Nghị quyết 19-2017 NQ/CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia yêu cầu phải giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành xuống 15%, nhưng cải cách thủ tục hành chính của các bộ có liên quan vẫn chưa theo thông lệ quốc tế, chưa áp dụng hậu kiểm để từ đó rút ngắn thời gian và giảm bớt các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Thêm nữa, sự tham gia cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua của các bộ, ngành và địa phương rất khác nhau, có nơi thực hiện tích cực, có những nơi chỉ đối phó. Năm nay, các bộ, ngành đã có những động thái thực chất hơn về vấn đề này, nhưng nhiều địa phương chưa làm được như vậy.

* Về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực chuyên ngành, bà nhận xét thế nào?

- Một số bộ quản lý chuyên ngành đã bắt đầu thực hiện Nghị quyết 19-2017, song những cải cách còn quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehit trong sản phẩm dệt may chẳng hạn, đây chỉ là một trong những cải cách rất nhỏ so với những vấn đề liên quan tới bộ này.

Một ví dụ nữa, rất nhiều vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến khai báo hóa chất mà Bộ Công Thương đề ra, hay liên quan đến lĩnh vực in do Bộ Thông tin - Truyền thông đề ra đã được đề cập nhiều lần trong các văn bản, hội nghị, hội thảo nhưng đâu lại vào đó. Đấy là những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa nhưng đến nay các bộ chuyên ngành chưa coi đó là trọng tâm cần giải quyết, hoặc giải quyết theo hướng chuyển từ khó khăn này sang khó khăn khác cho doanh nghiệp.

* Còn vướng mắc nào nữa trong môi trường kinh doanh cần cải thiện không, thưa bà?

- Ngân hàng Thế giới đánh giá môi trường kinh doanh theo 10 chỉ số. Việt Nam có 2 chỉ số liên quan tới tư pháp, là giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp đang ở vị trí rất thấp. Việc kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lên tới 5 năm đang làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp là 2 lĩnh vực không chỉ liên quan đến tòa án mà còn liên quan đến thi hành án. Nếu sau khi có kết luận của tòa án mà thi hành án không thực hiện được hay kéo dài thời gian thực hiện liên quan đến giải quyết tranh chấp cũng như phá sản, sẽ tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, thậm chí mất cơ hội sản xuất, kinh doanh. Đấy là những điểm cần sớm được cải thiện.

* Với tiến độ cải cách hành chính hiện nay, bà nói gì về mục tiêu đạt được mức trung bình của ASEAN 4 vào năm 2017 mà Chính phủ đặt ra?

- Quản lý chuyên ngành chưa hiệu quả, thời gian thông quan quá dài đang là thách thức cho mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN 4 và các cam kết của các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký. Tôi nghĩ, cơ chế đối thoại thường xuyên sẽ là giải pháp hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 19-2017. Cách này sẽ giúp lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương nắm được vấn đề tốt hơn, trên cơ sở đó đưa ra những chính sách phù hợp, sát với tình hình của doanh nghiệp.

Việc Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết 19-2017 sẽ là cơ hội để yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực thi cải cách hành chính theo đúng bản chất của vấn đề thay vì đối phó. Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, sự giám sát của Văn phòng Chính phủ, những giải pháp hiệu quả sẽ được đưa ra để xử lý những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, giúp môi trường kinh doanh tốt hơn.

* Cám ơn bà!

>Cải cách tập đoàn gia đình trị - vấn đề nóng ở Hàn Quốc

>Làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách môi trường kinh doanh: Cần cơ chế đối thoại thường xuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO