Cải cách kinh tế nhà nước, thay đổi quản trị quốc gia

NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương| 13/03/2012 00:08

Không thể có một giải pháp đơn lẻ trong môi trường mà mọi cái đều có tính hệ thống, kết nối. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, không phải là cấp tín dụng, ưu đãi thuế, mặt bằng sản xuất... mà phải cải cách lĩnh vực kinh tế nhà nước và thay đổi quản trị quốc gia.

Cải cách kinh tế nhà nước, thay đổi quản trị quốc gia

Không thể có một giải pháp đơn lẻ trong môi trường mà mọi cái đều có tính hệ thống, kết nối. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, không phải là cấp tín dụng, ưu đãi thuế, mặt bằng sản xuất... mà phải cải cách lĩnh vực kinh tế nhà nước và thay đổi quản trị quốc gia.

Năm 2000, Luật Doanh nghiệp (DN) chính thức có hiệu lực, thể hiện sự cải cách mang tính đột phá và thành công nhất. Luật DN mở ra phương pháp tư duy và khung pháp lý được nâng lên một tầm rất mới, thể hiện rõ quyền tự do kinh doanh. DN và người dân được làm những gì mà luật pháp không cấm, khác với trước đây chỉ được làm những gì mà cơ quan nhà nước cho phép.

Đồng thời, một tư tưởng mới được thể hiện: cơ quan nhà nước chỉ được làm nhưng gì luật pháp cho phép, với tiêu chuẩn tiền đăng, hậu kiểm. Như thế, quản lý nhà nước chủ yếu là hậu kiểm và tiền kiểm không phải là xin phép mà là đăng ký, đã làm thay đổi triết lý đời sống quản lý xã hội.

Thời điểm các năm 2000-2002, đã có rất nhiều luật chuyên ngành được sửa đổi, cùng với Luật DN, tạo ra một sự cải cách hành chính và phong trào bỏ giấy phép. Đó là thời kỳ cải cách rất mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan đến giấy phép kinh doanh, mà tác động của nó có thể đo lường, quan sát thấy.

Chẳng hạn, trước khi có Luật DN, người ta phải xếp hàng dài để xin giấy phép về vận tải, nhưng tình trạng này đã thay đổi hẳn sau khi Luật DN có hiệu lực. Tư tưởng cải cách hành chính của Luật DN thực sự trở thành nền tảng, kinh nghiệm tốt để thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính.

Nếu Luật DN tư nhân và Luật Công ty năm 1991 chính thức thừa nhận sự tồn tại của DN tư nhân, thì Luật DN 2000 đã tạo ra không gian mở cho DN tư nhân phát triển, trở thành nền tảng cho Luật DN 2005, áp dụng thống nhất cho cả DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài.

Sau khi có Luật DN, số lượng DN đăng ký tăng nhanh, đến hết năm 2009, số DN đăng ký kinh doanh đã đạt 460.000 DN, khu vực kinh tế tư nhân hình thành rõ nét, trở thành khu vực không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, đại bộ phận DN của Việt Nam là quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu ở thương mại, dịch vụ ở thị trường nội địa, chỉ một số ít có năng lực cạnh tranh, tập trung vào những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu như thủy hải sản, nông sản.

Xét về sử dụng đồng vốn, tạo việc làm, tăng năng xuất lao động..., khu vực DN tư nhân đều hiệu quả hơn khu vực DN nhà nước.

Nhưng DN tư nhân rất khó lớn, một mặt, do năng lực cạnh tranh yếu trong bối cảnh hội nhập, mặt khác, hạn chế từ bản thân những người chủ DN. Trong khi kiến thức, kỹ năng, trình độ quản lý... chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, thì suy nghĩ phải có việc làm để nuôi sống gia đình đã khiến họ không đủ lớn.

Một yếu tố nữa, DN Việt Nam chủ yếu xuất phát từ gia đình nên tư tưởng rất “đóng”, không muốn thu nhận người ngoài vào quản lý DN.

Một điều đáng nói nữa, năng lực cạnh tranh của cải tạo ra phải dựa trên kinh tế thực, khu vực sản xuất. Đầu tư vào kinh tế cần nhiều yếu tố: công nghệ, kỹ năng, nhân lực... để có thể tạo ra giá trị gia tăng.

Nhiều DN, khi phát triển hơn một chút lại xoay sang bất động sản, tài chính... đó là những thứ bong bóng, không tạo kinh tế thực. Đó là một hiện tượng, có gì đó chưa thật chuẩn về động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, tạo ra được giá trị gia tăng, góp phần nâng thịnh vượng của quốc gia lên.

Thời điểm hiện nay, nhiều DN đang đóng cửa và khó khăn của kinh doanh như là tất yếu, là giá phải trả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến hết năm 2011 đã có hơn 50.000 DN làm ăn thua lỗ, trong đó không ít DN giải thể, phá sản.

Thực tế, con số đó không nhiều hơn các nước trên thế giới, thậm chí còn thấp hơn, bởi sau mở cửa, cơ hội kinh doanh ở Việt Nam nhiều hơn các nước khác. Vì vậy, chúng ta nên có quan niệm khác về vấn đề phá sản, giải thể DN, bởi trong bất cứ lĩnh vực nào, cũng có thành công, thất bại và xác suất là 50-50.

Trường hợp không thành công, DN đóng cửa nhưng không thông báo, sẽ làm cho môi trường kinh doanh không minh bạch. Vì vậy, DN nên tuyên bố phá sản, những chủ nợ có liên quan sẽ phải chia sẻ chi phí, chủ DN chỉ phải chịu phần mình bỏ ra.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho DN phát triển, trước hết, chính sách phải tạo được sự tin tưởng, những người giỏi, trung thực thì thành công. Những người thành công sẽ tạo ra được những DN thực sự có khả năng cạnh tranh, đồng thời triệt tiêu được cơ chế xin - cho và mở rộng là dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu vẫn giữ xin - cho thì dù nói công bằng, bình đẳng tới một trăm lần, thì thực tế, DN nhà nước vẫn xin dễ hơn, nhiều hơn, điều kiện tiếp cận vốn và các vấn đề khác cũng dễ hơn.

Muốn như vậy, chúng ta phải thúc đẩy DN đầu tư kinh doanh, đầu tư trí tuệ để tạo ra lợi nhuận. Chúng ta phải hạn chế, tiến tới bỏ được những chỗ DN có thể tìm kiếm theo kiểu “địa tô”, buộc họ phải tìm kiếm và tưởng thưởng từ thành công được tạo ra lợi nhuận, từ sản xuất thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách kinh tế nhà nước, thay đổi quản trị quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO