Cải cách của Việt Nam: 2 bước tiến, 1 bước lùi

23/07/2014 07:10

Kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm dù đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước khi tăng trưởng đạt 5,18%, cao hơn mức 4,9% của năm trước, nhưng điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất khó khăn.

Cải cách của Việt Nam: 2 bước tiến, 1 bước lùi

Kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm dù đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước khi tăng trưởng đạt 5,18%, cao hơn mức 4,9% của năm trước, nhưng điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất khó khăn.

Khu vực sản xuất tiếp tục hoạt động rất tốt, mà trong đó nguồn nhân lực có kỹ năng và chăm chỉ đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Vậy khả năng quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam như thế nào? Tiến trình cải cách của Việt Nam vì sao chậm? Triển vọng ký kết TPP trong năm nay ra sao? NCĐT đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á của ngân hàng HSBC, bà Trinh Nguyễn.

* Theo bà, Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng 7% và vượt qua được bẫy thu nhập trung bình trong tương lai gần?

- Dựa trên viễn cảnh tăng trưởng hiện tại, GDP bình quân theo đầu người sẽ chỉ tăng gấp đôi, lên 4.000 USD vào năm 2020. Trong khi khu vực sản xuất và xuất khẩu đang hoạt động tốt nhờ vào cơ cấu dân số thuận lợi thì Việt Nam cần có một thị trường vốn hiệu quả để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp.

Điều này có nghĩa là Việt Nam cần phải đẩy mạnh tốc độ cải cách, đặc biệt ở lĩnh vực đầu tư công và khu vực ngân hàng. Nếu Chính phủ không quyết liệt hướng tới các khoản đầu tư để cải thiện năng suất sẽ rất khó để Việt Nam vượt qua được cái bẫy này.

* Cho đến giờ bà thấy kinh tế Việt Nam có những điểm sáng nào?

- Khu vực sản xuất tiếp tục hoạt động rất tốt, mà trong đó nguồn nhân lực có kỹ năng và chăm chỉ đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong các ngành sản xuất có thâm dụng lao động. Tuy vậy, các cuộc cải cách vẫn đang trì trệ và cần phải thúc đẩy để loại bỏ các nút thắt cổ chai mang tính quyết định cho nền kinh tế Việt Nam, ví dụ như logistics, điện lực và hạ tầng giao thông.

Khu vực nông nghiệp cũng đang có lợi thế cạnh tranh, nhưng Việt Nam vẫn còn cạnh tranh theo hướng sản lượng hơn là về giá trị. Vì vậy, Chính phủ cần tham gia để tái cấu trúc hệ thống chuỗi cung ứng và hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ sản xuất những vụ mùa có giá trị cao hơn.

* FDI đăng ký trong nửa đầu năm giảm tới 35,5% so với cùng kỳ năm trước, bà có nghĩ Việt Nam còn đủ sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng lãnh hải gần đầy?

- Rất khó để khẳng định FDI đăng ký thấp sẽ kéo theo FDI giải ngân thấp hơn, nhưng giữa chúng có mối quan hệ tương quan. FDI ngành sản xuất rất quan trọng cho Việt Nam khi nó cung cấp nhu cầu đầu tư và việc làm mà quốc gia đang cần để tăng trưởng.

Tuy vậy trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ cần nghĩ đến làm cách nào để tối ưu hóa những lợi ích của FDI, bao gồm cả việc kết nối nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều lo lắng là Việt Nam hiện chưa thể tối đa hóa lợi ích mà FDI mang lại trong ngắn hạn và khi FDI đang sụt giảm thì cầu trong nước phục hồi chưa đủ mạnh để bù đắp lại.

* Trong báo cáo gần đây về Việt Nam, bà có nhận định “các cải cách đang triển khai với cách tiếp cận hai bước tiến và một bước lùi”. Bà có thể giải thích cụ thể hơn về nhận định này và tác động của nó?

- Chính phủ nhận thức được đầu tư công thiếu hiệu quả, các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng đang là những điểm hạn chế ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Nhưng việc cải cách một cách nhanh chóng cũng có thể ảnh hưởng đến chính trị.

Theo đó, trong ngắn hạn, Nhà nước sẽ có nhiều thứ để mất, từ doanh thu, sự ổn định chính trị đến quyền sở hữu trong khi không có nhiều lợi ích thu được. Vì vậy, dưới quan điểm của Chính phủ, các cải cách của Việt Nam được thực hiện với cách tiếp cận hai bước tiến và một bước lùi.

Một ví dụ điển hình là cải cách khu vực ngân hàng. Nợ xấu tích lũy là một trong những lý do chính khiến hệ thống ngân hàng không hoạt động như người cho vay chính đối với nền kinh tế.

Vấn đề nằm ở chỗ là quyền hạn có phần hạn chế của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu và ngân hàng thương mại cổ phần.

Dù đã thành công trong việc nhận dạng các ngân hàng yếu và mạnh, thúc đẩy việc hợp nhất các ngân hàng yếu, mua nợ xấu, bình ổn tiền đồng cũng như cải thiện dự trữ ngoại hối, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có tính độc lập đủ mạnh để thực hiện các cải cách nhằm giảm rủi ro trong hệ thống tài chính.

* Bà có nghĩ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong năm nay? Và tác động của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa châu Âu - Việt Nam là như thế nào?

- TPP nhiều khả năng sẽ không được ký kết trong năm nay do bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Cuộc đàm phán kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 7 ở Canada.

Tôi tin rằng TPP sẽ là điều tích cực cho Việt Nam trong dài hạn nhưng có quá nhiều vấn đề đang được thảo luận. Một trong những vấn đề quan trọng cho các công ty trong nước là yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

Mỹ muốn thực hiện nghiêm túc quy tắc từ sợi trở đi, và nguyên liệu đầu vào phải đến từ các quốc gia trong Hiệp định TPP. Điều này sẽ là thác thức lớn khi hiện tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc.

Hiệp định thương mại tự do với châu Âu nhiều khả năng sẽ kết thúc sớm hơn. Nhìn chung FTA với châu Âu và TPP sẽ xóa bỏ hơn nữa các rào cản thương mại từ thị trường bên ngoài, cải thiện nhu cầu, mở cửa hơn nữa việc tiếp cận thị trường và cho phép các lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu.

* Cuối cùng, lĩnh vực nào bà dự đoán sẽ là ngôi sao trong năm nay?

- Theo tôi, sản xuất và xuất khẩu sẽ là những ngôi sao của Việt Nam. Dù kinh tế toàn cầu đi xuống trong nửa đầu năm nhưng xuất khẩu vẫn tăng 14,9% cho đến hiện nay. Chỉ số PMI ngành sản xuất, theo khảo sát của HSBC, cũng phản ánh xu hướng này.

Với nhu cầu bên ngoài đang phục hồi, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng. Và tôi tin khu vực sản xuất sẽ tiếp tục hoạt động ấn tượng trong năm nay.

>Doanh nghiệp châu Âu “đón đầu” TPP tại Việt Nam
>Đàm phán TPP: Bất đồng kéo dài bế tắc
>
Obama muốn TPP kết thúc trước tháng 11/2014
>"Vận động viên" Việt Nam trên đường đến TPP
>
Kinh tế Việt Nam: Cách chơi nào là của chúng ta?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách của Việt Nam: 2 bước tiến, 1 bước lùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO