"Bước hẫng" TPP: Những điều được & mất

LÊ QUỐC ANH, Đại học Kinh tế Quốc dân (HẢI VÂN ghi)| 24/05/2017 06:30

Dù 11 thành viên muốn giữ lại, tạo ra TPP không có Mỹ, nhưng trên thực tế, hầu hết đều trông chờ vào thị trường Mỹ.

Dù 11 thành viên muốn giữ lại, tạo ra TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) không có Mỹ, nhưng trên thực tế, hầu hết đều trông chờ vào thị trường Mỹ. 

Đọc E-paper

Hơn nữa, mức thuế mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa đề xuất khá bất lợi cho Việt Nam, khi là nước bị thiệt hại lớn thứ 2 trong thương mại với Mỹ, chỉ sau Mexico. Do đó, nước ta nên xem TPP "đã chết" để có ngay những bước đi thích hợp, giảm tổn thất xuống mức thấp nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Sắc lệnh hành pháp ngày 23/1/2017 của Tổng thống Donald Trump chính thức rút khỏi TPP là cú sốc cho các quốc gia vừa ký hiệp định này. Bởi Chương 30: Điều khoản thi hành của TPP quy định: Hiệp định có hiệu lực khi được ít nhất 6/12 nước phê chuẩn sau 2 năm, tức trước ngày 4/2/2018, và các nước này phải đóng góp trên 85% GDP của khối, nghĩa là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật Bản.

Kỳ vọng "nước phát triển thấp nhất sẽ thu lợi nhiều nhất" là Việt Nam đã vơi khi TPP "chết lâm sàng", cùng với đó là việc mất đi nhiều cơ hội lớn. Trước hết là cơ hội khuếch trương các thành tựu xuất khẩu, đồng thời là điểm nhấn để thu hút vốn đầu tư FDI theo hướng đón đầu hưởng lợi từ TPP.

Cơ hội cải thiện đầu ra cho nông sản, hàng dệt may tránh 2 đối thủ Trung Quốc và Bangladesh, sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường với tư cách là nước thành viên đặc quyền, có thị trường rộng về các sản phẩm thâm dụng lao động, ít cạnh tranh cũng đã qua. Cơ hội khai thác sâu hơn các lợi thế đang có, dần dần loại bỏ tình trạng nhập siêu dai dẳng, từng bước thoát cái bóng kinh tế Trung Quốc, thậm chí thay nước này giữ vai trò "công xưởng của TPP" cũng không còn nữa.

Bên cạnh việc phải gánh chịu các tác động của "bước hẫng" TPP, doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu những mất mát trực tiếp, nhất là trong chiến lược phát triển dài hạn.

Điển hình, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 với tỷ lệ không nhỏ là các doanh nghiệp phụ trợ cho các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản... cùng giải quyết căn bản vấn đề quy tắc xuất xứ, đã khó thành hiện thực.

Tham vọng thế chân doanh nghiệp Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng đứt gãy vì nước này không tham gia TPP bị thách thức nghiêm trọng. Các doanh nghiệp hăng hái đầu tư đón đầu TPP, nhất là trong lĩnh vực dệt may, sẽ càng thêm khó khăn. Năm 2016, khi TPP còn tràn đầy hy vọng, nhiều doanh nghiệp dệt may đã rơi vào tình trạng "khát hợp đồng", nay sẽ nan giải hơn để khai thác hết năng lực sản xuất.

>>Bloomberg: 7 tác động của TPP với Việt Nam

"Bước hẫng" TPP còn làm cho việc xác định và triển khai xây dựng các doanh nghiệp lớn có khả năng thành thương hiệu quốc gia thêm phần khó khăn. Việc chuyển hướng thị trường sang các khu vực khác sẽ làm phát sinh thêm chi phí, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư công nghệ, đến thu nhập của doanh nghiệp và đời sống người lao động.

Nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực từ "bước hẫng" TPP. Do đó có rất nhiều việc Chính phủ cần làm để thực hiện vai trò kiến tạo cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực từ "bước hẫng" TPP và đương nhiên không thể thiếu các phương án giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam để đón đầu TPP.

Cũng theo hướng kiến tạo, Chính phủ cần đánh giá lại xuất nhập khẩu tới 11 thị trường trong TPP, dự báo các biến đổi do "bước hẫng" TPP gây ra, để tổ chức lại và định hướng phát triển cho từng loại hình doanh nghiệp có liên quan, từ sản xuất, thương mại, logistics, đến xuất khẩu, nhằm chấm dứt các đồn đoán thiếu căn cứ, gây hoang mang, lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp.

Kế đến, Chính phủ cần điều chỉnh xuất nhập khẩu vào các thị trường đã ký TPP theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), như vào Nhật Bản qua FTA ASEAN - Nhật Bản (2008), FTA Việt Nam - Nhật Bản (2013), hay vào thị trường Úc và New Zealand qua FTA ASEAN - Úc và New Zealand (2009), hoặc vào thị trường Chile qua FTA Việt Nam - Chile (2011), vào thị trường Singapore, Malaysia và Brunei qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)...

Cạnh đó là thực hiện các ưu đãi về tín dụng, giãn thuế cho doanh nghiệp nội địa đã đầu tư theo hướng giải quyết quy tắc xuất xứ, bởi đó là giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu chủ đạo, hình thành các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

Chính phủ cũng cần đưa dần các kế hoạch, đầu tư dang dở của quá trình hội nhập TPP vào các FTA đang và sẽ đàm phán, cũng như tập trung sức để phát triển nhanh các tập đoàn kinh tế tư nhân trở thành các đầu tàu kinh tế. Đồng thời có những định hướng, hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng áp dụng các chuẩn mực cao của TPP vào sản xuất, kinh doanh.

"Bước hẫng" này làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp nước ta, rõ nhất là sự trông chờ quá nhiều vào các cơ hội từ bên ngoài. Song đó cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam trong kinh doanh với những chuẩn mực cao.

>>6 kiến thức cần biết về TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bước hẫng" TPP: Những điều được & mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO