"BOT không có lợi ích nhóm"

NGUYỄN HOÀNG thực hiện| 16/06/2016 06:20

Từ nay đến cuối năm, mức giá, thủ tục hoàn vốn, sự minh bạch của các công trình giao thông bằng hình thức BOT sẽ có sự thay đổi".

"Từ nay đến cuối năm, mức giá, thủ tục hoàn vốn, sự minh bạch của các công trình giao thông bằng hình thức BOT sẽ có sự thay đổi", ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định.  

Đọc E-paper

* Gần đây dư luận đặt ra cho các công trình giao thông bằng phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là khá gay gắt, theo ông thì nên quan tâm đến những nội dung nào nhiều nhất?

- Có 5 vấn đề cần quan tâm, đó là chủ trương và quy mô, lựa chọn nhà đầu tư, phương án tài chính của công trình, quá trình đầu tư xây dựng và thu phí hoàn vốn, chống thất thoát. Thời gian qua, những vấn đề này có phần chưa được công khai, khiến người dân bức xúc.

* Đầu tư vào công trình giao thông, các nhà đầu tư chịu những ràng buộc nào về thời gian và mức thu phí, thưa ông?

- Nhà đầu tư chịu những ràng buộc nhất định. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng, phần thu phí chỉ mới dự kiến, có thể là 20 hoặc 30 năm, sau đó Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tính lại thời gian hoàn vốn, thời gian thu phí. Khi ấy, thời gian hoàn vốn và thời gian thu phí thường thấp hơn ban đầu do đã loại trừ trượt giá, định mức nhân công.

Thời gian điều chỉnh mức phí được tính theo từng năm, Bộ Giao thông - Vận tải đang tiến tới việc lắp bảng điện tử tại các trạm thu phí để thông báo cụ thể tới người dân, doanh nghiệp.

* Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề minh bạch trong đầu tư và thu phí của các công trình giao thông bằng hình thức BOT. Ông nói gì về điều này?

- Chúng tôi đã thấy rõ tác động của các vấn đề này đến người dân và doanh nghiệp. Kết quả rà soát mới đây cho thấy, hầu hết các trạm đều đảm bảo các tiêu chí thu phí theo quy định hiện hành, vướng mắc chủ yếu ở một số trạm đặc thù, thu qua hầm hay khoảng cách, mật độ giữa các trạm chưa hợp lý.

Trên thực tế, về phương thức thì suất đầu tư, xây dựng BOT tương tự các công trình do Nhà nước rót vốn, từ thiết kế, lập dự toán đều được các cơ quan thẩm định, phê duyệt, còn các nhà đầu tư chỉ thực hiện. Nhưng do các công trình BOT phải sử dụng vốn vay tín dụng với lãi suất cao, nên suất đầu tư thường cao hơn vốn so với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

Lợi nhuận đầu tư theo hình thức BOT không cao, chỉ từ 10 - 12% vốn sở hữu, nên việc các nhà đầu tư tham gia công trình BOT được xem là sự chia sẻ rất lớn với Nhà nước về phát triển hạ tầng. Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ vừa rồi đã đưa ra những khuyến cáo, nhưng tôi khẳng định, không có lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân trong đầu tư công trình giao thông bằng hình thức BOT.

* Các công trình giao thông dưới hình thức BOT sẽ được minh bạch bằng cách nào?

- Các nhà đầu tư tham gia vào công trình đều mong được hoàn vốn sớm nhất. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là kiểm soát chặt việc thu phí. Vì vậy, chúng tôi đã và đang áp dụng thu phí một dừng, đó là thông qua phần mềm để kiểm soát số lượng xe vào ra cũng như loại xe và số tiền thu được.

Bộ Giao thông - Vận tải đang từng bước triển khai thu phí không dừng, công nghệ này không có sự can thiệp của con người nên không gây thất thoát khi xe qua trạm. Mục tiêu là đến 2020 triển khai thu phí không dừng ở tất cả các công trình giao thông bằng hình thức BOT.

Bộ Giao thông - Vận tải đang giao Tổng cục Đường bộ xây dựng trung tâm kết nối dữ liệu các trạm thu phí BOT, dự kiến sẽ hoạt động cuối năm nay. Khi đó, chúng tôi sẽ công khai đầy đủ các thông tin tại các trạm thu phí, như quy mô, phương án tài chính, thời gian hoàn vốn và xây dựng các bộ dữ liệu để các cơ quan giám sát, thanh tra. Qua đó, mong nhận được những đánh giá khách quan của người dân, doanh nghiệp để triển khai tốt hơn các công trình giao thông bằng phương thức BOT.

* Cám ơn ông!

>TP.HCM: Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sắp khởi công

>Giải bài toán giao thông đô thị: Trước hết từ xe buýt

>10 công trình có chi phí xây dựng cao nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"BOT không có lợi ích nhóm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO