Bốn tín hiệu cho 5 năm tới

ALAN PHAN| 05/02/2014 07:43

Sau những ngày Đông dài, mọi người đều mong đợi và sẵn sàng cho mùa Xuân mới. Tết Giáp Ngọ có là một khởi đầu của hồi phục sau giai đoạn suy thoái đã kéo dài từ 2009?

Bốn tín hiệu cho 5 năm tới

Sau những ngày Đông dài, mọi người đều mong đợi và sẵn sàng cho mùa Xuân mới. Tết Giáp Ngọ có là một khởi đầu của hồi phục sau giai đoạn suy thoái đã kéo dài từ 2009?

Đọc E-paper

Theo kinh nghiệm của kinh tế thế giới, chu kỳ suy thoái thường kéo dài trung bình khoảng 5 năm. Do đó, nếu chúng ta là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và đã hội nhập, nhiều chuyên gia sẽ kết luận cuối 2014, chúng ta sẽ thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm.

Nhưng Việt Nam luôn là một ngoại lệ với nhiều nghịch lý. Nền kinh tế này thực ra là một hỗn hợp của những mảnh sáng, tối, không rõ ràng và chịu nhiều ảnh hưởng của các nhóm lợi ích nhỏ nhưng đầy quyền lực.

Thế nên, các dự đoán thường dựa trên nhiều giả thuyết và mặc định, tùy cảm quan cá nhân và theo đơn đặt hàng của vài nhóm lợi ích. Tuy nhiên, dù có cá tính khá đặc thù, chúng ta vẫn có thể đón bắt xu hướng chung về một hướng đi dựa trên các sự kiện và hành xử đã xảy ra trong những năm vừa qua.

Bốn sự kiện theo tôi có thể là móc ngoặc của một chu kỳ mới trong 5 năm sắp đến. Khó có thể nói một, hai sự kiện có thể là lực đẩy chính, vì nhiều tương quan không cân bằng lắm trong bối cảnh thay đổi thường trực của thế giới ngoài kia cũng như tác động của các phản ứng xã hội và chính trị trong nước. Mỗi người chúng ta đều có thể rút ra kết luận khác nhau từ bốn sự kiện gốc này và đều có thể thấy là đúng hay sai.

Sự phát triển của khu vực FDI (đầu tư nước ngoài)

Điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong hai năm vừa qua là sự quay lại của các nhà đầu tư FDI. Nhiều lý do khách quan: (a) gia tăng phí tổn sản xuất tại Trung Quốc; (b) thiếu kiên nhẫn với những thị trường mới mở ở ASEAN như Myanmar, Lào và Campuchia; (c) chính sách kích cầu tích cực để mong một cú hích mới chống suy thoái; (d) thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng; (e) suy thoái làm giảm giá bán các doanh nghiệp Việt trong nhiều phi vụ M&A; và (f) chính sách đón đầu TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) của Hàn Quốc, Đài Loan và ngay cả Trung Quốc.

Với sự đầu tư lớn vào các nhà máy lắp ráp điện tử, Tập đoàn Samsung đã chiếm hơn 20 tỷ USD về xuất khẩu, tương đương với hơn 14% của GDP nước nhà. Nhiều FDI nhỏ hơn đến từ các nước châu Á bắt đầu vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội và kết quả của các hoạt động hiện tại sẽ thể hiện trong tăng trưởng của khu vực FDI trong nhiều năm tới.

FDI sẽ mang lại các lợi ích thiết thực như tạo việc làm cho nhân công, nâng cao chất lượng quản lý của doanh nhân Việt Nam nhờ cạnh tranh, và có thể giúp nguồn cầu của chứng khoán và bất động sản phần nào.

Ở bình diện khác, sự gia tăng FDI sẽ làm suy yếu các doanh nghiệp (cả tư nhân và nhà nước) và tạo nên một lực chủ đạo mới nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền và các nhóm lợi ích hiện tại.

Con thiên nga đen TPP

Đây là một sự kiện khá bất ngờ cho các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam. Mục tiêu của Mỹ khi đề xướng TPP là để ngăn chặn phần nào sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc tại Đông Á. Mỹ gần như không có nhiều lợi ích về việc mở cửa thị trường của mình cho Việt Nam hay ngược lại, vì suốt 8 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam luôn hưởng lợi xuất siêu từ giao thương với Mỹ.

Nhưng phân tích kỹ hơn, lợi ích từ hàng rào thuế quan cho các ngành may mặc, giày dép, đồ gỗ... có thể bị trung hòa bởi những thiệt hại kinh tế cho Việt Nam vì sự cạnh tranh của nông sản ngoại nhập, cũng như việc siết chặt bản quyền trí tuệ trong ngành IT (công nghệ thông tin).

Một điểm tích cực khác của TPP là áp lực của các công đoàn Hoa Kỳ về việc lập hội hay đình công, cũng như đòi hỏi về sự cải tổ các doanh nghiệp nhà nước và nhu cầu về sự minh bạch của nhiều định chế .

Tuy nhiên, cái nhìn tổng thể cho thấy kinh tế Việt Nam có thể không vượt qua được những thách thức để thoát khỏi suy thoái hiện tại. Hệ quả sẽ là một nền kinh tế trì trệ kéo dài hàng thập kỷ, và theo thời gian, Việt Nam sẽ càng mất dần lợi thế cạnh tranh, nhất là cho những doanh nghiệp nội. Hai yếu tố tiêu cực chính có triển vọng làm trật đường rầy con tàu kinh tế Việt Nam.

Sự can thiệp thường xuyên của chính phủ

Hiến pháp mới của Việt Nam xác định thêm một lần nữa quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam “nắm quyền chủ đạo” kinh tế qua sự tồn tại và kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, mọi biện pháp hành chính, tài chính hay ngân sách trong tương lai đều sẽ gia tăng quyền lực của Chính phủ. Viễn cảnh một Việt Nam với nền kinh tế thị trường tự do, liên thông với kinh tế toàn cầu là một ảo tưởng.

Theo lịch sử kinh tế hiện đại, không một quốc gia nào cô lập trong một chính sách chỉ huy từ trung ương hay chính phủ có thể cất cánh và cạnh tranh hữu hiệu với sự năng động của các nền kinh tế thị trường khác.

Mọi động lực để sáng tạo, cải tổ hay tranh đua của lĩnh vực tư nhân lần hồi sẽ bị thui chột bởi những thành công phi lý toàn dựa trên quan hệ. Lãnh đạo bởi một nhóm lợi ích, dù từ khu vực nào, sẽ kéo dài suy thoái và trì trệ. Khi các doanh nghiệp nội địa yếu kém, các công ty FDI sẽ nắm quyền kiểm soát các vận hành của kinh tế Việt Nam.

Họ sẽ có những mục tiêu và lợi ích riêng và không để Chính phủ can thiệp sâu vào nội bộ của họ. Nếu Chính phủ dùng quyền lực để “force the issue” (làm theo ý mình) thì khối FDI sẽ bắt đầu rút khỏi Việt Nam, đẩy nền kinh tế lún sâu thêm vào suy thoái.

Nợ xấu và sự ổn định của hệ thống ngân hàng

Trong những thách thức cốt lõi lớn nhất, số nợ xấu từ các ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước là một bài toán gần như không có lời giải. Ở một khía cạnh, hành động cứng rắn quá sẽ gây sụp đổ một số ngân hàng nhỏ với hiệu ứng “domino” đe dọa; ở một thái cực khác, in thêm tiền để trả nợ cho người gởi tiền ngân hàng sẽ gây nạn lạm phát phi mã.

Ở giữa là những biện pháp nửa vời, không giải quyết vấn đề mà chỉ “giấu bụi dưới thảm”, đợi ngày sau hay thế hệ lãnh đạo sau lo tìm giải pháp theo tình hình lúc đó. Mà thời gian để che đậy càng ngày càng gần chốt đáo hạn. Mỹ có từ ngữ tài chính “day of reckoning” (ngày phải kết toán) để mô tả tình huống này.

Quyết định của Chính phủ về vấn đề này cũng sẽ cho thấy định hướng nào cho kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới.

Mùa Xuân luôn mang theo hy vọng mới và những giấc mơ đẹp cho tương lai. Nhưng những bộ quần áo Tết rồi cũng phải xếp lại, và các ngày nghỉ vui vẻ bao giờ cũng chóng qua. Khi quay lại với công việc thường nhật, chúng ta sẽ phải làm gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bốn tín hiệu cho 5 năm tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO