Bờ biển thuộc về ai?

BÍCH HỒNG| 07/04/2018 05:04

Câu hỏi này bật ra khi làn sóng những dự án xây dựng khu nghỉ mát, bất động sản du lịch đang xáo trộn hoàn toàn bờ biển Quảng Nam.

Bờ biển thuộc về ai?

Những làng chài truyền thống đã dần biến mất. Những nhà thờ do các bậc tiền hiền khai phá đất đai lập làng dựng lên, những miếu thờ Cá Ông đặc trưng cũng dần bị di dời, giải tỏa. Tất cả người dân hoặc vui vẻ ra đi, hoặc buồn bã tiếc nhớ truyền thống cũng phải ra đi để còn sớm ổn định cuộc sống cho đám con cháu cũng đang nóng lòng chia đất tái định cư, sẵn sàng cho một cuộc sống chật hẹp, tù túng kiểu đô thị ngay giữa làng quê cũ.

Những khu đất hoang sơ giờ bỗng xuất hiện đoàn "cò đất" kéo đến theo dự án, đất quê mà giá lên đến tiền tỷ thì cuộc sống không còn bình yên. Ở làng chài quê tôi, không ai không biết chuyện gia đình chỉ vì tranh chấp miếng đất mà anh em không nhìn mặt nhau.

Đến ngày giỗ cha giỗ mẹ, mỗi nhà làm một mâm cơm cúng rồi đội đến nhà thờ tộc họ, van vái cha mẹ, hương tàn, mạnh nhà nào nhà nấy đội mâm cơm cúng về, chưa kể còn mỉa mai, xỏ xiên nhau nghe đến đau lòng.

Những ngôi làng cứ tan tác như vậy, tưởng như không có sức mạnh nào cản nổi quá trình rạn vỡ văn hóa, truyền thống, tình cảm. Tưởng như miếng cơm, manh áo, ngôi nhà đã làm cho những nông dân, ngư dân quanh năm chỉ biết chăm chăm lo cho sự sống còn của gia đình mình. Thế nhưng thời gian gần đây, những tiếng nói đã cất lên "giữ đất". Tinh thần giữ đất ở đây không phải là cho cá nhân nào, cộng đồng làng xã nhỏ bé nào.

Mới năm ngoái, Đà Nẵng đã chứng kiến tinh thần bảo vệ môi trường Sơn Trà, giữ lại khu bảo tồn thiên nhiên trước sự xây dựng tràn lan của các dự án du lịch. Mặc dù công cuộc gìn giữ Sơn Trà theo hướng bảo vệ môi trường chưa ngã ngũ vì đất đai nơi này bị mua đứt và thuộc sở hữu tư nhân, nhưng các dự án đang xây dựng đã phải dừng lại.

Bây giờ người dân lại lên tiếng đề nghị chính quyền địa phương bảo vệ thắng cảnh thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa ở khu vực Nam Ô, Đà Nẵng, nơi có làng chài với nước mắm Nam Ô nổi tiếng. Không ai nói "không" với sự phát triển, nhưng người dân giờ đây đã có ý thức, có sự hiểu biết đủ để tham gia bàn về phát triển bền vững dựa trên sự bảo vệ truyền thống lịch sử, văn hóa.

Thành phố Đà Nẵng đứng trước những hậu quả của một giai đoạn phát triển nóng vội đổi đất lấy hạ tầng, nay đã lộ ra những bất cập. Thành Điện Hải bị xâm lấn, bị bao vây bởi những tòa cao ốc. Những nhà hàng lớn mọc lên ở hai bên bờ sông Hàn trông rất phản cảm.

Có lẽ cũng không cần hỏi đất đai thuộc về ai, mà nên suy nghĩ theo hướng "tương lai thuộc về ai?". Nếu một thành phố, một vùng nông thôn đem hết những tiềm năng về đất đai, lịch sử, văn hóa làm tan tác cả nhân tâm để đổi lấy những hạ tầng hiện đại nhằm thu hút đầu tư cho phát triển nóng, thì tương lai có thuộc về nơi đó hay không, ai nấy đều rõ câu trả lời. Một lớp hậu sinh lớn lên liệu có thành robot vô cảm chỉ lo kiếm tiền mà không có nền tảng gì về lịch sử, về những bậc tiền hiền đã khai phá đất đai, bồi đắp văn hóa? Đà Nẵng đã nhận ra và đang tìm cách để sửa chữa một phần sự nóng vội sai lầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bờ biển thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO