Biến nguồn lực vàng thành vốn đầu tư

HUỲNH BỬU SƠN/DNSGCT| 14/10/2012 00:09

Một ước tính sơ bộ cho biết lượng vàng nhập khẩu ròng của nước ta trong 20 năm (từ 1990-2011) vào khoảng 500 tấn, tương đương 28 tỉ USD theo thời giá hiện nay. Cộng với số lượng vàng được tích lũy dưới nhiều hình thức (vàng nữ trang, vàng miếng...) từ bao đời nay trong mọi tầng lớp nhân dân, chắc chắn tổng giá trị tính bằng USD của khối dự trữ vàng trong dân hiện nay không dưới 40 tỉ USD.

Biến nguồn lực vàng thành vốn đầu tư

Một ước tính sơ bộ cho biết lượng vàng nhập khẩu ròng của nước ta trong 20 năm (từ 1990-2011) vào khoảng 500 tấn, tương đương 28 tỉ USD theo thời giá hiện nay. Cộng với số lượng vàng được tích lũy dưới nhiều hình thức (vàng nữ trang, vàng miếng...) từ bao đời nay trong mọi tầng lớp nhân dân, chắc chắn tổng giá trị tính bằng USD của khối dự trữ vàng trong dân hiện nay không dưới 40 tỉ USD.

Đọc E-paper

Vì sao người dân có thói quen tích trữ vàng?

Từ góc nhìn kinh tế vĩ mô, mọi người đều hiểu rằng khi một nền kinh tế đang cần vốn để phát triển, khi đồng vốn đang khan hiếm và việc tiếp cận đồng vốn là khó khăn và đòi hỏi chi phí cao, tình trạng người dân trữ vàng lên đến nhiều chục tỉ USD và để cho chúng bất động trong tủ sắt, dưới gầm giường hoặc dưới nền nhà quả là một hành động lãng phí, không có lợi gì cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và sự thịnh vượng của cộng đồng dân tộc.

Tích trữ vàng (gold hoarding) là một tập quán lâu đời của người dân trong những nền kinh tế nông nghiệp và các nhà kinh tế nhận định rằng đó chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho những nền kinh tế này tiến rất chậm trên con đường công nghiệp hóa.

Nói một cách khác, có vàng nhiều không hề mang lại sự giàu có. Thực tế minh chứng rằng, dự trữ vàng trong dân càng nhiều, nguồn vốn đầu tư của quốc gia càng thiếu hụt. Người dân ở các nước công nghiệp Bắc Mỹ và Tây Âu không hề có thói quen tích trữ vàng, tuy rằng các nước này từ bỏ kim bản vị sau cùng.

Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại. Trong một cộng đồng còn thiếu một hệ thống an sinh xã hội, y tế và lao động rộng rãi, chính thói quen tích trữ vàng của người dân Việt, giàu cũng như nghèo, đã cho họ có được một khoản dự phòng an toàn giúp họ sống còn, bình tĩnh vượt qua nhiều cơn bão khủng hoảng kinh tế.

Chen nhau mua vàng tại một tiệm vàng ở Hà Nội thời điểm sốt vàng (8-2011)

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, tại buổi hội thảo chủ đề “Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân” ngày 4/10/2012 đã nói vui rằng trong suốt cuộc đời chuyên gia kinh tế của ông, lời khuyên khôn ngoan nhất mà ông tâm đắc là từ bà mẹ của ông mới học xong lớp 4 rằng phải nhớ tích góp cho được 100 lượng vàng phòng xa, như vậy sẽ không bao giờ bị thiếu hụt.

Trong những hoàn cảnh đặc biệt, đôi khi những tính toán lợi ích riêng tư cũng có mặt tích cực chung của chúng. Nền kinh tế Việt Nam vốn được xem là một nền kinh tế bền bỉ, có sức chịu đựng cao, vượt qua được các cơn sóng khủng hoảng lạm phát và suy thoái, một phần không nhỏ là do nguồn dự trữ vàng người dân còn giữ được.

Dự trữ vàng và ngoại tệ trong dân hiện nay, nếu tính gộp lại, chắc chắn cao hơn dự trữ ngoại tệ và ngoại hối quốc gia. Do vậy, mặc dù thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn thuộc loại trung bình thấp, tỷ lệ vàng dự trữ trong dân so với GDP lại cao hơn nhiều so với những nước công nghiệp phát triển. Điều đó chắc chắn là một nhược điểm, nhưng mặt khác cũng có thể xem đó là một tiềm lực, nếu có thể khai phóng được sau này.

Như đã chứng kiến, trong nhiều năm, chúng ta đã sử dụng nguồn ngoại tệ quý giá cho nhập khẩu vàng, thay vì dành dụm để sử dụng vào mục tiêu đầu tư có hiệu quả cho phát triển kinh tế. Chính việc nhập khẩu và sản xuất vàng miếng bán trên thị trường nội địa liên tục trong suốt 20 năm qua đã cung cấp cho tầng lớp khá giả ở thành thị và cả nông thôn phương tiện dự trữ vàng.

Mặt tích cực chúng ta đã đề cập, còn mặt tiêu cực mà nó gây ra là nới rộng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đồng thời khuyến khích hoạt động đầu cơ vàng.

Hiển nhiên một khối lượng vàng lớn bất động trong dân không hề là động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, nhưng chắc chắn nó làm phát sinh nhu cầu kinh doanh vàng miếng và các hoạt động đầu cơ vàng trong nền kinh tế, đặc biệt khi giá vàng liên tục biến động cùng với những dự báo tăng giá vàng trong tương lai, trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn vướng chân trong vũng lầy suy thoái.

Huy động vàng như thế nào cho hợp lý?

Vấn đề huy động nguồn lực vàng trong dân luôn luôn mang tính thời sự, được sự quan tâm không những của những nhà lãnh đạo kinh tế, các doanh nghiệp, các ngân hàng mà còn của toàn thể người dân.

Nhưng còn có một vấn đề cơ bản hơn, mấu chốt hơn, nan giải hơn, đó là ai sẽ đứng ra huy động và huy động vàng để làm gì, một vấn đề có liên quan đến chiến lược sung dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.

Thật ra, không phải đến bây giờ việc huy động nguồn vàng trong dân mới được đặt ra. Qua nhiều cách làm khác nhau, trong thời gian 1990-2011, số liệu chính thức được công bố cho thấy rằng lượng vàng mà các ngân hàng thương mại Việt Nam huy động được của dân lên đến 100 tấn vàng tương đương 5,5 tỉ USD. Nhưng việc huy động nguồn vàng đó đã đóng góp gì cho nền kinh tế quốc dân?

Thực tế, chính việc huy động vàng này cùng những hệ lụy kinh doanh phức tạp đầy rủi ro của nó chẳng những không mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể nào mà còn gây ra những thất thoát nghiêm trọng, đặt ra cho cả hệ thống ngân hàng hiện nay những hậu quả khó khăn, nan giải đang làm đau đầu những nhà lãnh đạo tiền tệ, những cổ đông lớn và những người điều hành ngân hàng thương mại.

Như vậy, nếu cứ tiếp tục tổ chức huy động vàng theo cách thức huy động tiền tệ - nhận vàng trả vàng, các ngân hàng hoặc tổ chức khác được phép huy động vàng buộc phải thực hiện những biện pháp bảo hiểm rủi ro rất tốn kém mà kết quả mang lại chỉ là một mức lợi nhuận kinh doanh không đáng kể.

Cuối cùng, việc huy động vàng sẽ chỉ là một nỗ lực đầu voi đuôi chuột, không mang ý nghĩa và cũng không có tác dụng biến nguồn lực vàng thành nguồn vốn đầu tư cho phát triển, mà còn có thể làm tăng thêm cơn khát vàng nội địa. Kinh nghiệm cho thấy, tạo thói quen tích trữ vàng và mê tín vàng rất dễ, đảo ngược tập quán đó là một tiến trình lâu dài khó khăn.

Đảo ngược tập quán trữ vàng đòi hỏi mỗi người cùng thay đổi nhận thức về vàng. Vàng là một kim loại quý hiếm và chỉ có thế. Vàng đã kết thúc vai trò tiền tệ của nó từ nửa thế kỷ nay và sẽ không bao giờ có thể trở lại vai trò này dù cho tiền giấy có bị cáo buộc là thường xuyên mất giá.

Chú lùn vàng quá bé nhỏ để có thể gánh trên đôi vai mỏng manh của nó chàng khổng lồ kinh tế thế giới. Quy mô của nền kinh tế thế giới đã trở nên quá lớn khiến ngay cả tiền giấy cũng không thể làm tròn chức năng thanh toán và tín dụng nếu không được sự hỗ trợ của hai đứa con Phù Đổng của nó là bút tệ và tiền điện tử.

Sự tăng giá của vàng không phản ánh thực sự vị trí quan trọng của vàng trong nền tài chính tiền tệ thế giới, nó chỉ phản ánh một sự thực là các hoạt động đầu cơ vàng đang được các nhà phù thủy vàng quốc tế thổi phồng. Những ai nghĩ rằng vàng tăng giá suốt một năm qua xin hãy nhìn lại số liệu thị trường của năm 2011.

Vào ngày 23/8/2011, giá vàng tại Hà Nội là 48,45 triệu đồng/lượng ta. Vào ngày 5/10/2012 tức là sau gần 14 tháng, trong điều mà chúng ta gọi là cơn sốt vàng hiện nay, giá vàng tại Hà Nội là 48,3 triệu đồng/lượng ta, không hề tăng.

Đầu cơ vàng trên thực tế không béo bở như tưởng tượng. Kinh nghiệm cho thấy, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, giá vàng luôn ở mức thấp vì lúc đó mọi người đều muốn bán vàng ra để lấy tiền đầu tư vào những tài sản sinh lợi nhiều hơn.

Nên xem vàng là nguồn cung nội địa

Xếp hàng mua vàng tại SJC TP.HCM

Như vậy, huy động nguồn vàng và biến chúng thành nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế không phải là khuyến khích người dân gửi vàng vào ngân hàng và được phép rút vàng ra khi đáo hạn. Đó chỉ là giải pháp nửa vời mang nhiều rủi ro.

Tiến trình đưa khối lượng vàng bất động trong dân vào dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế chỉ thực sự thành công khi nào người dân tự nguyện bán vàng lấy tiền gửi ngân hàng, mua trái phiếu kho bạc, mua cổ phiếu doanh nghiệp, hoặc làm vốn sản xuất kinh doanh.

Tập quán trữ vàng chỉ có thể thực sự đảo chiều khi chúng ta tạo được một môi trường đầu tư tốt, nơi đó các nguồn vốn mang ra sử dụng đạt hiệu quả cao, người gửi tiền tín nhiệm hệ thống ngân hàng nơi đồng tiền tiết kiệm được bảo vệ giá trị, an toàn và sinh lợi, nhà đầu tư tin tưởng và lạc quan vào tương lai phát triển kinh tế đất nước.

Nhưng trước mắt, các nhà quản lý cũng cần thay đổi quan điểm về vàng. Nếu thừa nhận bản chất hàng hóa của vàng, phương thức quản lý phải đổi mới cho phù hợp.

Do đặc điểm lịch sử và vì nhiều nguyên nhân khác nhau, người dân nước ta đã sở hữu một khối lượng vàng miếng khá lớn, nếu không nói là quá lớn. Hãy xem đó chính là nguồn cung vàng từ nội địa, một nguồn cung trên thực tế có thể đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu mua bán vàng trong nước.

Cần khuyến khích đưa nguồn cung này ra thị trường vàng nội địa bằng cách cho phép rộng rãi doanh nghiệp tư doanh kinh doanh vàng miếng. Biện pháp này trước hết sẽ làm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu vàng, tiết kiệm được ngoại tệ.

Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này chủ yếu nhằm đảm bảo chất lượng vàng để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, đồng thời ngăn chặn buôn lậu và đầu cơ.

Mặt khác, kể từ nay, việc sản xuất mới vàng miếng cần được kiểm soát chặt chẽ theo kế hoạch nhằm giảm dần phương tiện tích trữ vàng trong dân. Việc thực thi chiến lược sung dụng tài nguyên hiệu quả sẽ khuyến khích được người dân bán vàng để gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng chứ không phải làm điều ngược lại là rút tiền tiết kiệm để mua vàng.

Khi nền kinh tế nước ta lấy lại đà tăng trưởng của nó cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, khi giá nhà đất lại tăng vọt cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và sự ăn nên làm ra của các doanh nghiệp trong nước, chúng ta sẽ không tìm thấy vị trí của vàng trong danh mục đầu tư của bất cứ nhà đầu tư nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biến nguồn lực vàng thành vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO