Bảo vệ dòng Mê Kông cho thế hệ sau

LÊ MINH TRÍ/DNSGCT| 23/11/2015 06:37

Những năm gần đây, thường xuyên có nhiều cảnh báo về tác động của những đập thủy điện trên sông Mê Kông, làm thay đổi dòng chảy ở thượng du, ảnh hưởng đến vùng đồng bằng ở hạ du.

Bảo vệ dòng Mê Kông cho thế hệ sau

Sông Mê Kông xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng – Trung Quốc, ở độ cao trên 5.000 mét, chảy qua các tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây là nguồn lợi vô cùng to lớn của các nước ven sông, nhưng những năm gần đây đã thường xuyên có nhiều cảnh báo về tác động của những đập thủy điện trên con sông này, làm thay đổi dòng chảy ở thượng du, ảnh hưởng đến vùng đồng bằng ở hạ du.

Đọc E-paper

Điều đáng nói là tất cả các đập đã và đang được xây dựng hoàn toàn không tuân thủ báo cáo tham vấn với Ủy hội Mê Kông - một tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc, còn dân cư trong vùng thì chẳng có thông tin gì về các đập này.

Bất chấp những cảnh báo

Ngoài 6 đập đã được xây dựng phía thượng nguồn Mê Kông thuộc Trung Quốc, 10 đập dự kiến xây tiếp tại Lào và Campuchia sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với khu vực, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của chúng ta nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông.

Theo PanNature - một tổ chức của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, sau khi Lào khởi công xây dựng đập thủy điện Xayaburi năm 2012, mới đây nước này lại tuyên bố sẽ xây tiếp đập Don Sahong vào cuối năm nay và đang chuẩn bị cho dự án Pak Beng - dự án thủy điện thứ 3 của Lào trên dòng Mê Kông.

Quy trình ra quyết định về các đập dòng chính theo thủ tục quy định bao gồm thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước của Ủy hội sông Mê Kông đã không được tuân thủ. Quyết định đơn phương của Lào về việc xây dựng đập cho thấy tinh thần hợp tác theo Hiệp định Mê Kông đang bị lu mờ bởi lợi ích của quốc gia.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ - báo động trong một cuộc hội thảo gần đây rằng các con đập này sẽ đánh ngay vào hai trụ cột kinh tế lớn nhất vùng ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản. Việt Nam sẽ mất đi vai trò là nước hàng đầu trong xuất khẩu lương thực và thực phẩm trên thị trường quốc tế.

Theo ông Tuấn, người nghèo, cả ở nông thôn và thành thị, sẽ bị tổn thương nặng nhất và hiện tượng di cư sẽ diễn ra trên diện rộng. Thiệt hại do thủy điện sẽ tác động dây chuyền theo hiệu ứng domino với nhiều rủi ro chưa thể dự báo trước được, và vận hành thủy điện sẽ làm cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khó thực hiện và nảy sinh nhiều hệ lụy mới.

Ngoài ra, việc xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông sẽ làm suy giảm gần như vĩnh viễn và không khôi phục được phần lớn hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL.

>>Nông nghiệp có thể phải trả giá đắt!

Sông Mê Kông xếp thứ 6 trong số 10 con sông lớn trên thế giới về lượng phù sa, trong khi ĐBSCL có gần 20 triệu người sinh sống với 4 triệu hécta đất tự nhiên, lại hình thành chủ yếu nhờ sự bồi tụ phù sa từ dòng chảy sông Mê Kông.

Đập Don Sahong công suất 260MW mà chính phủ Lào sắp xây dựng trên dòng Mê Kông có thể gây ra tác động nghiêm trọng đối với nguồn cá di cư. Riêng sản lượng cá con sẽ bị giảm đáng kể có thể đe dọa ngành xuất khẩu cá da trơn có giá trị nhiều tỷ USD, bởi vì loài cá này phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư.

Các khảo sát khoa học cho thấy hơn 100 loài cá sông Mê Kông di cư qua vị trí xây đập Don Sahong có nguy cơ cạn kiệt và ai sẽ đền bù thiệt hại cũng như chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này?

Phản ứng trước sự im lặng của chính quyền, hàng trăm người dân Thái Lan từng kiên trì đứng trước tòa nhà Quốc hội để phản đối hoạt động của đập Pat Mun ở đông bắc và họ đã thành công. Nhưng cố gắng đó chỉ là tạm thời. Người dân Thái Lan đang kiện lên tòa hành chính Thái Lan đối với đập Xayaburi của Lào mà phần lớn sản lượng điện từ đây sẽ bán cho Thái Lan.

Nhưng có vẻ như những cố gắng ngăn chặn xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Kông sẽ không mang lại hiệu quả vì chính phủ các nước bận tâm đến những kế hoạch phát triển hơn là đời sống của người dân và các thế hệ con cháu của họ.

Khi cộng đồng dân cư lên tiếng

Đứng trước tình trạng khai thác sông Mê Kông, vì lợi ích của các chính phủ, đến mức kiệt quệ tài nguyên, đe dọa môi trường sống, vào trung tuần tháng 11 vừa qua tại An Giang, Trung tâm con người và thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và một số đơn vị tổ chức diễn đàn nhân dân khu vực Mê Kông để ghi nhận ý kiến, từ đó gửi thông điệp tới các nước về việc xây đập thủy điện trên sông Mê Kông.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đại diện cho người dân 3 nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam cho rằng sau khi một số đập đã xây dựng tại thượng nguồn thì ở hạ nguồn đã có những biến đổi ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của họ.

Thông tin từ diễn đàn này cho thấy tình hình đã trên mức báo động, nếu không muốn nói là đang giết chết dần môi trường sinh thái trên dòng Mê Kông.

Đối với người dân Campuchia, 60% nguồn thực phẩm, trong đó có thủy sản, chủ yếu được cung cấp từ sông Mê Kông. Thế nhưng từ khi có một số đập được xây dựng, đã có sự thay đổi như nguồn cá tự nhiên và lượng nước giảm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất nông nghiệp và sạt lở bờ sông.

Từ năm 2013, sự thay đổi rõ ở dòng Tonglesap, mực nước, chất lượng nước giảm, ô nhiễm môi trường nặng hơn.

>>Bảo vệ môi trường giúp tăng trưởng kinh tế

Sau khi nhiều đập ở Trung Quốc được xây dựng thì dòng chảy không bình thường như trước, vào mùa khô mực nước thấp, bất lợi cho sản xuất, lượng cá khan hiếm.

Nay nếu xây thêm đập, nhiều loài cá, nguồn cá sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế người dân.

Thái Lan là nơi cộng đồng dân cư đã đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của việc xây đập làm lượng cá giảm, nhiều loài cá biến mất, người dân ở đây làm nghề nông không đủ lo cho con ăn học.

Đại diện cộng đồng người dân Thái Lan cho rằng trên thượng lưu tuy mới xây dựng một số đập mà đã cho thấy tác động nặng nề đến sinh kế, nay nếu xây thêm đập sẽ gây thêm nhiều hệ lụy nặng nề. Người dân Thái Lan không muốn xây đập, cần dừng lại ngay, đặc biệt là đập Don Sahong ở Lào.

Tại ĐBSCL, hằng năm thường vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5/5) nước đã chuyển màu phù sa, còn năm nay tới tháng 7 Âm lịch mới có. Nông dân nơi đây ghi nhận trong thực tế lượng cá đã giảm trên 80%, hàng chục loài cá đã biến mất.

Mặt khác, do lượng nước thượng nguồn đổ về ít làm giảm lượng phù sa nên đất mũi đã không còn bồi lấn ra biển như xưa mà còn gây sạt lở, mất đất rừng ven biển.

Hiện nay vào tháng 10 đã xuất hiện xâm nhập mặn ở một số nơi. Nguồn cá nước ngọt, nước lợ và cả đánh bắt ngoài biển đều sụt giảm nhiều. Người dân ĐBSCL nay thật sự lo lắng về việc xây thêm đập sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tương lai.

Tại diễn đàn đã có hơn 150 lượt ý kiến của người dân vùng hạ lưu Mê Kông bày tỏ quan ngại, lo lắng về những tác hại từ xây đập mà cộng đồng phải đối mặt, tác động của nó sẽ làm nặng nề thêm tác hại của biến đổi khí hậu.

Rõ ràng đã đến lúc chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói của người dân và tôn trọng quyền quyết định về tương lai của dòng sông, cũng như tương lai cư dân trong khu vực.

Một Tuyên bố chung về tác hại của các đập thủy điện trên sông Mê Kông đã được đại diện cộng đồng người dân địa phương và mười tổ chức quốc tế ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia thông qua tại hội thảo “Thủy điện Mê Kông: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” vừa diễn ra tại tỉnh An Giang.

Dưới tiêu đề “Tiếng nói của người dân”, tuyên bố nêu rõ: “Các đập được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông và các dòng sông khác trong khu vực đã gây ra những thay đổi tới hệ sinh thái, đe dọa cuộc sống, sinh kế và kinh tế tại lưu vực sông Mê Kông. Những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những người bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi đó.

Các đập thủy điện cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những đập thủy điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun-Hinboun, Xayaburi và một số đập khác trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc”.

Do đó, Tuyên bố chung yêu cầu “tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính phủ các nước thuộc lưu vực Mê Kông và đại diện các cộng đồng thông qua các diễn đàn nhân dân: các chính phủ cần tham gia diễn đàn công khai để lắng nghe và hiểu thêm về các tác động của các đập thủy điện tới người dân. Diễn đàn này sẽ sớm được tổ chức và có sự tham gia của đại diện các cộng đồng người dân sinh sống ở vùng hạ lưu sông Mê Kông”.

Các đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mê Kông

Trung Quốc xúc tiến xây dựng chuỗi đập trên phần thượng lưu Mê Kông (còn gọi là Lan Thương) mà không cần tham khảo ý kiến các nước láng giềng ở hạ lưu hoặc chia sẻ thông tin về dòng chảy.

5 con đập lớn đã được xây dựng, 8 đập khác đang được hoàn thành và một số đập khác đang được lên kế hoạch ở Tây Tạng và Thanh Hải.

Tính đến nay, các đập đã hoàn thành trên sông Lan Thương bao gồm Đại Chiếu Sơn (Dachaoshan, 2003), Mãn Loan (Manwan, 2007), Cảnh Hồng (Jinghong, 2009), Tiểu Loan (Xiaowan, 2010) và Nọa Trát Độ (Nuozhadu, 2012).

Các đập của Trung Quốc đã làm thay đổi một cách đáng kể chu kỳ lũ lụt – hạn hán tự nhiên của hạ lưu sông Mê Kông, làm giảm lượng nước, trầm tích và các chất dinh dưỡng chảy vào lưu vực sông và các vùng duyên hải. Các tác động ảnh hưởng đến mực nước và sản lượng thủy sản đã được ghi nhận dọc theo biên giới Lào – Thái Lan. Các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu hết các tác động tích lũy của những con đập này. 

>>Việt Nam - thị trường tiêu thụ hàng tồn kho của Trung Quốc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ dòng Mê Kông cho thế hệ sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO