Bài toán y tế: Tuyến dưới, tuyến trên

NGUYỄN NAM| 07/04/2012 04:42

Việc chăm sóc sức khỏe người dân nói riêng lâu nay đã phải chịu bao nhiêu lời than phiền khiến cho hoạt động của ngành y tế được mô tả là bức tranh với nhiều gam màu xám: nào là tình trạng quá tải ở tuyến trên, trang bị thiếu thốn và nhân lực yếu kém ở tuyến dưới, đó là chưa kể vấn đề y đức của thầy thuốc…

Bài toán y tế: Tuyến dưới, tuyến trên

Việc chăm sóc sức khỏe người dân nói riêng lâu nay đã phải chịu bao nhiêu lời than phiền khiến cho hoạt động của ngành y tế được mô tả là bức tranh với nhiều gam màu xám: nào là tình trạng quá tải ở tuyến trên, trang bị thiếu thốn và nhân lực yếu kém ở tuyến dưới, đó là chưa kể vấn đề y đức của thầy thuốc…

Tuần qua, khi trả lời chất vấn trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị KimTiến làm đậm nét thêm tình hình này khi tuyên bố: “Quy chế chuyển viện (tuyến dưới lên tuyến trên) phải ngặt nghèo”.

Theo người đứng đầu ngành y tế, nguyên nhân sâu xa khiến phần lớn bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên là vì tin rằng ở đó có bác sĩ giỏi, trang thiết bị tốt... trong khi họ hoàn toàn có thể điều trị tốt ở tuyến dưới.

Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân có những cơ sở y tế, bác sĩ gây mất lòng tin cho nhân dân do cơ sở vật chất, tay nghề kém, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhận định của bà Bộ trưởng là hoàn toàn chính xác, chấp nhận nhìn thẳng vào vấn đề, nhưng đồng thời cũng tỏ ra chưa thỏa đáng nếu không cho người dân chọn lựa một phương án điều trị do sự yếu kém của ngành y tế.

Phát biểu của bà Kim Tiến gây ra một phản ứng khá gay gắt không chỉ trong giới chuyên môn mà trong cả người dân lâu nay đánh giá không cao việc quản lý của ngành y. Những ý kiến chia sẻ trên các phương tiện truyền thông mấy ngày gần đây cho thấy rõ điều này.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, nói rằng: “Phải hiểu tình trạng chuyển viện hay bệnh nhân vượt tuyến quá nhiều là hậu quả của cả một quá trình đầu tư cho hệ thống y tế lâu nay. Muốn có sự thay đổi và chuyển biến, không thể ngày một ngày hai mà làm được. Bây giờ chúng ta thắt chặt chuyển viện, tức thắt chặt quyền lợi của người bệnh. Liệu có nên làm và có làm được điều đó không?”.

Câu trả lời là không nếu chúng ta lắng nghe ý kiến của bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ông cho biết tại bệnh viện do ông quản lý có đến 70% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên nên luôn trong tình trạng quá tải, nhưng rõ ràng đây không phải là trách nhiệm của riêng bệnh viện.

Theo bác sĩ Minh, để bệnh viện tuyến dưới là địa chỉ tin cậy của người dân, phải có giải pháp chuyển giao kỹ thuật công nghệ, cân đối hai chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới. Khi bác sĩ, chuyên gia có tay nghề của tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới thì buộc phải cầm tay chỉ việc trong thời gian đầu.

Về lâu dài, bệnh viện tuyến dưới cần có đủ bác sĩ chuyên khoa được đào tạo cơ bản để tiếp thu chính xác kiến thức và vận hành hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật.

Thực tế cho thấy, không ít bệnh viện tuyến dưới dù được đầu tư máy thở trong các đợt dịch cúm trước đây, thế nhưng từ đó đến nay máy chỉ trùm mền vì thiếu người sử dụng.

Hay như ở bệnh viện quận 2 của TP.HCM, khảo sát mới nhất của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố cho thấy ở đây người ta vẫn còn sử dụng máy chụp CT một lát cắt, thế hệ máy gần như không còn được sử dụng hiện nay vì quá lỗi thời.

Đến những cơ sở y tế như vậy để khám chữa bệnh, liệu mấy ai có thể an tâm chữa trị?

Ai cũng biết việc phân tuyến điều trị và phân cấp kỹ thuật chuyên môn theo tuyến là đúng đắn, phải làm. Nhưng để hệ thống này vận hành hiệu quả, cần có cơ chế liên thông chứ không thể ra lệnh tuyến dưới không được chuyển bệnh khi không đủ khả năng chữa bệnh hay bắt tuyến trên phải từ chối nhận bệnh nhân.

Y đức, y đạo ở đây là không thể bắt người bệnh đến chữa trị ở nơi mà họ cảm thấy không an tâm.

Theo tiến sĩ Đặng Quang Tâm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Nhà nước nên đầu tư bệnh viện chuyên sâu cho từng vùng, không đầu tư dàn trải nhiều bệnh viện nhưng không đủ bác sĩ.

Thực tế thời gian qua chúng ta đầu tư xây dựng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, hầu như tỉnh nào cũng có bệnh viện cả. Riêng về bệnh viện cấp vùng cũng có xây dựng nhưng đúng là đang thiếu các bệnh viện chuyên khoa sâu.

Một thực tế không ai phủ nhận được là trình độ chuyên môn và đầu tư trang thiết bị của bệnh viện tuyến dưới có một khoảng cách nhất định so với tuyến trên, vậy tại sao lại đi “ngăn sông cấm chợ” không cho người dân chọn nơi có những điều kiện tốt nhất để chữa bệnh?

Khi bệnh viện tuyến dưới có đủ điều kiện trang bị và nhân lực giải quyết có hiệu quả các ca điều trị trong phạm vi trách nhiệm của mình thì có lẽ bệnh nhân chẳng muốn vượt tuyến làm gì để vừa tốn kém vừa không cần thiết nữa.

Phó giám đốc một bệnh viện tuyến trên bày tỏ suy nghĩ rất thực tế khi cho rằng Bộ Y tế cứ ra công văn cấm đi rồi sẽ biết hậu quả như thế nào. Bệnh nhân đến là thầy thuốc phải tiếp nhận và chữa bệnh, làm sao đuổi họ đi được.

Ở những bệnh viện tuyến dưới hiện nay khi bệnh nhân có nhu cầu chuyển viện, ngay cả bệnh nhẹ thì bác sĩ cũng khó lòng từ chối vì sợ lỡ chẳng may bệnh nhân có mệnh hệ gì thì người nhà sẽ đổ hết mọi trách nhiệm cho mình.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế tuyên bố “quy chế chuyển viện phải ngặt nghèo”, trên các diễn đàn công khai xuất hiện nhiều ý kiến chưa đồng tình, cụ thể như người dân không tin vào khả năng chữa trị ở tuyến dưới, bởi ở những nơi này đã xảy ra không ít trường hợp bệnh nhân tử vong chỉ vì sai sót không đáng có của bác sĩ.

Nói chung họ đã mất niềm tin quá lớn vào các bệnh viện tuyến dưới, nhất là khi ở đây có nhiều bác sĩ xuất thân từ hệ chuyên tu.

Và khi người dân cảm thấy bất an cho tính mạng mình thì họ phải tìm đến nơi có đủ điều kiện và có chuyên môn cao để khám chữa bệnh, đây là điều đương nhiên và chúng ta không nên đi ngược với quy luật của cuộc sống.

Để khắc phục căn cơ hơn thì ngành y tế phải có cái nhìn tổng quan về hai mặt cơ sở vật chất và chất lượng chuyên môn của bác sĩ.

Chú trọng nâng cấp các bệnh viện tuyến dưới để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân khi khám chữa bệnh là việc ngành y tế cần đầu tư công sức và tiền bạc hơn là dùng biện pháp hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên.

Đây là vấn đề lớn mà ngành y tế cần tập trung chứ không nên giải quyết theo quán tính đùn đẩy cái khó về phía người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài toán y tế: Tuyến dưới, tuyến trên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO