Bài học xây dựng nền kinh tế từ Israel

GS. SHLOMO MAITAL - HẢI VÂN ghi| 26/11/2014 03:48

Israel luôn đề cao tinh thần khởi nghiệp và một doanh nhân có thể lập nhiều doanh nghiệp (DN). Nhà nước Israel hỗ trợ cho tất cả những ý tưởng tốt, người ngoài 70 tuổi vẫn có thể lập nghiệp.

Bài học xây dựng nền kinh tế từ Israel

Israel luôn đề cao tinh thần khởi nghiệp và một doanh nhân có thể lập nhiều doanh nghiệp (DN). Nhà nước Israel hỗ trợ cho tất cả những ý tưởng tốt, người ngoài 70 tuổi vẫn có thể lập nghiệp.

Đọc E-paper

Kinh nghiệm của Israel là, đầu tiên nhà nước mở ra quỹ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, bởi các quỹ đầu tư rủi ro chỉ đầu tư vào các công ty đã hoạt động một thời gian. Sau khi DN vận hành được một thời gian, có thể tăng vốn bằng cách kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư khác.

Cách làm này giúp rủi ro từ các quỹ đầu tư giảm xuống còn 50% và Israel đã làm rất tốt việc này. Nếu Việt Nam không thể tạo được một quỹ đầu tư rủi ro 40 triệu USD từ ngân sách nhà nước, thì hãy kết hợp với tư nhân để làm.

Israel hỗ trợ khởi nghiệp nhiều công ty, nhưng không có những công ty thành công trên toàn cầu. Bởi vì những công ty tiềm năng này thường được mua lại và rất nhiều tài năng đã rời khỏi Israel. Suốt 15 năm qua, Israel không có một công ty nào trở thành công ty toàn cầu.

Các quỹ đầu tư rất sốt ruột trong việc phát triển các công ty, họ muốn bán nó và thu được lợi nhuận. Đó là hai vấn đề lớn của Israel. Việt Nam có thể tránh những sai lầm này.

Một điều nữa, ở Israel, các quỹ đầu tư rủi ro chủ yếu đầu tư vào các công ty công nghệ cao, công nghệ thông tin và khai thác nó giống như khai thác một "mỏ bạc". Đó là các mô hình của các quỹ đầu tư rủi ro tiến tới và họ trông đợi vào kết quả lợi nhuận chỉ khoảng 5 năm. Hiện, Israel đã khai thác gần hết "mỏ bạc" của mình, cần chuyển sang làm cái khác, nhưng các quỹ đầu tư thay đổi rất chậm.

GS. Shlomo Maital là Giám đốc Học thuật - Học viện Phát triển năng lực lãnh đạo và Điều hành Israel. 20 năm qua, ông là giáo sư thỉnh giảng Chương trình thạc sĩ khoa học quản trị công nghệ thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Ông từng là Giám đốc Cơ quan Hoạch định kinh tế Quốc gia Israel.

Thế giới nghe nhiều về nền kinh tế sáng tạo và khởi nghiệp của Israel, nhưng mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh của một đất nước với việc phát triển một nền kinh tế trên cơ sở sáng tạo và khởi nghiệp cũng bộc lộ những vấn đề. Israel đang có 2 nền kinh tế: kinh tế sáng tạo công nghệ cao và công nghệ công nghiệp truyền thống.

Đó là "hai hành tinh" khác nhau và cũng là hai vấn đề lớn của Israel. Chính phủ Việt Nam cần có một nền công nghiệp mới, sáng tạo và công nghệ cao song cũng cần giúp nền công nghệ truyền thống phát triển.

Trong thế giới cạnh tranh ngày nay, không có công nghệ thấp, chỉ có quản trị tốt và quản trị không tốt. Việt Nam không chỉ là một quốc gia, mà còn là một thương hiệu. Việt Nam hãy sử dụng công nghệ cao cho tất cả các lĩnh vực, kể cả sản xuất quần áo, giày dép và thực phẩm. Việt Nam cũng có thể xây dựng nền ẩm thực thành công nghiệp ẩm thực hùng mạnh.

Nửa thế kỷ trước, hình ảnh của Nhật Bản gắn liền với những sản phẩm rẻ tiền và nhanh hỏng. Nhưng ngay sau đó, "Made in Japan" có nghĩa là công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao và mang lại giá trị lớn. Vì thế, hãy tự tin xây dựng thương hiệu Made in Vietnam, hãy tạo ra nền ẩm thực Made in Vietnam!

Một điều quan trọng nữa, nhiều quốc gia, kể cả Israel, đã bỏ qua DN nhỏ nhưng họ là tài nguyên tuyệt vời giúp kinh tế phát triển thịnh vượng. Các DN nhỏ thường thiếu công nghệ, thiếu tầm nhìn và thiếu vốn. Nhà nước có thể là đòn bẩy cho người dân khởi nghiệp, hỗ trợ để họ xây dựng thành công ty, mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Đất nước Israel được hình thành năm 1948, cũng vận hành các công ty điện, nước, luyện thép... theo mô hình DN nhà nước. Sau 30 năm, Israel chuyển mạnh sang tư nhân hóa các DN này. Tư nhân vay tiền của các ngân hàng để mua lại các công ty của nhà nước. Hiện, tất cả các lĩnh vực của Israel đều đã được tư nhân hóa, chỉ còn một số dịch vụ công là do nhà nước cung cấp.

Nhưng trong chuyển đổi mô hình kinh tế, Việt Nam đừng đưa DN nhà nước vào tay các tỷ phú, vì nếu làm như vậy, Việt Nam sẽ rất khó quay trở lại lý tưởng một nền kinh tế vì người dân. Việt Nam hãy tổ chức nền kinh tế thịnh vượng của tất cả mọi người, hãy trả đồng lương hợp lý cho người lao động, hãy xem xét thật cẩn thận về kế hoạch phát triển nền giáo dục cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học xây dựng nền kinh tế từ Israel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO