Bài học về mô hình phát triển kinh tế

PHAN ĐÌNH MẠNH| 15/05/2017 06:43

Điểm qua vài lĩnh vực của những nền kinh tế được xem là thành công nhất xung quanh Việt Nam để xem có thể rút ra bài học gì cho nước ta.

Bài học về mô hình phát triển kinh tế

Khi nói đến các mô hình phát triển kinh tế, Việt Nam thường được so sánh với nhóm nước tạm gọi là "Big 3" của Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) và hiếm khi có sự liên hệ đến các nền kinh tế thành công hơn ở Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản. Điểm qua vài lĩnh vực của những nền kinh tế được xem là thành công nhất xung quanh Việt Nam để xem có thể rút ra bài học gì cho nước ta.

Đọc E-paper

Giáo dục

Năm 1992, GDP bình quân đầu người của Thái Lan gần bằng của Đài Loan vào năm 1978, nhưng tỷ lệ nhập học vào trung học chỉ dừng lại ở con số 37%, so với 76% tại Đài Loan năm 1978.

Tại Indonesia, vào năm 1992, tỷ lệ đăng ký nhập học của các cấp cao hơn tại Thái Lan nhưng vẫn thấp hơn tại Hàn Quốc 2 thập kỷ trước đó. Còn tại Malaysia, mặc dù chính phủ đã đầu tư lớn cho giáo dục, lên mức trên 5% GDP năm 1990, nhưng tỷ lệ nhập học bậc trung học chỉ đạt mức 56%, so với mức 100% tại Đài Loan vào giữa những năm 80.

>>Đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam: Rủi ro và cơ hội

Tác động rõ ràng của những con số thống kê giáo dục này có thể được nhận thấy qua số năm tham gia chương trình giáo dục của lực lượng lao động tại Indonesia và Thái Lan khi so sánh với Hàn Quốc với mức GDP bình quân đầu người ở 3 quốc gia này là như nhau.

Chẳng hạn, vào năm 1974, tại Hàn Quốc chỉ có 13,6% lao động nam và 29,6% lao động nữ có ít hơn 5 năm đến trường, trong khi đó tại Thái Lan, vào năm 1981, con số tương ứng là 83,3% đối với lao động nam và 89,5% đối với lao động nữ. Với nền tảng giáo dục phổ thông tốt hơn, lực lượng lao động tại các nền kinh tế Đông Á có khả năng, kiến thức tốt hơn để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, khả năng hấp thu và học hỏi công nghệ.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)

Năm 2000, tỷ lệ hoạt động R&D/GDP tại Hàn Quốc và Nhật Bản là 2,3% và 3%, trong khi tại Malaysia, Thái Lan và Indonesia lần lượt là 0,7%, 0,2% và 0,1%. Đến năm 2010, chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia có sự thay đổi lần lượt là 3,7%, 3,2% và 0,8%.

Những công ty của Hàn Quốc đã tập trung vào phát triển công nghệ và hoạt động R&D từ những năm đầu thập niên 80. Chính phủ nước này hỗ trợ hoạt động R&D của khu vực tư nhân bằng cách cung cấp các khoản ưu đãi thuế, thúc đẩy phá giá đồng nội tệ và giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm công nghệ. Thực tế, tại Hàn Quốc, những hoạt động R&D đã được chính phủ trực tiếp thực hiện từ giữa những năm 60. Tuy nhiên, từ những năm đầu thập niên 80, hoạt động này dần chuyển sang khu vực tư nhân.

Vai trò của FDI và nguồn tài nguyên trong nước

Sự đối lập rõ ràng giữa những nước đông dân nhưng nghèo tài nguyên Đông Á và hầu hết Đông Nam Á thể hiện ở việc những quốc gia Đông Nam Á có thể bắt đầu phát triển nền kinh tế bằng cách khai thác nguồn tài nguyên dồi dào sẵn có như đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Malaysia, Indonesia và Thái Lan có nguồn tài nguyên dồi dào nên vai trò của chính phủ tương đối yếu hơn các nền kinh tế nghèo tài nguyên Đông Á. Những lĩnh vực kinh tế hàng đầu tại các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ít dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và không cần tới sự hỗ trợ từ chính phủ trong việc cải thiện năng suất sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Các ngành công nghiệp của 3 quốc gia Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN +3) dựa nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các con rồng Đông Á lại dựa nhiều vào doanh nghiệp nội địa và xem các doanh nghiệp FDI như nguồn lực bổ sung cho việc thiếu hụt khả năng công nghệ của các doanh nghiệp nội địa.

Ngày nay, có thể thấy một loạt thương hiệu quốc tế trong lĩnh vực sản xuất từ Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản với khả năng cạnh tranh vượt trội, nhưng hiếm thấy các doanh nghiệp từ các quốc gia ASEAN. Ngay cả sản phẩm ô tô nhập khẩu vào Việt Nam cũng được sản xuất ở Thái Lan và Indonesia với tỷ lệ nội địa hóa cao, nhưng phần quan trọng của chuỗi như thiết kế và thương hiệu vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Đề xuất cho Việt Nam

Có nhiều nhân tố tạo nên sự khác biệt giữa các nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, có thể thấy giáo dục đã giúp tiếp thu công nghệ cũng như tích lũy kỹ năng nghề nghiệp cho sản xuất, trong khi những điều chỉnh có chủ ý trong chính sách FDI có thể thúc đẩy việc phát triển những doanh nghiệp và khả năng công nghệ nội địa.

Trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại, tự do thương mại và FDI có thể thúc đẩy kinh tế phát triển trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi nguồn lực cơ bản để thu hút FDI như chi phí lao động và nguồn tài nguyên không còn là lợi thế cạnh tranh do sự phát triển của phương thức sản xuất tự động hóa và công nghệ cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ những thị trường giá rẻ khác, Việt Nam phải chuyển sang lĩnh vực sản xuất với hàm lượng công nghệ cao hơn.

>>FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?

Điều này không có nghĩa Việt Nam không còn là mảnh đất lành đối với FDI, FDI vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp và công nghệ của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam nên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất với nền tảng công nghệ và các hoạt động R&D. FDI và các hoạt động khác như giáo dục nên được chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ và sản xuất như là những điều kiện để doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi từ chính phủ, như tham gia các hội chợ thương mại, được miễn giảm thuế, liên doanh, liên kết chiến lược với đối tác nước ngoài.

Những lĩnh vực khác có liên quan đến tiêu dùng trực tiếp hoặc những sản phẩm hàm lượng công nghệ thấp sẽ được phát triển tự do và ít được ưu đãi hơn nhưng với tiêu chuẩn chất lượng cao hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học về mô hình phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO