Bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám 1945

TS. NGÔ VƯƠNG ANH| 01/09/2015 00:54

Tinh thần dân tộc là yếu tố gắn kết quan trọng để đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng - một chính quyền mới, của dân, do dân và vì dân.

Bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám 1945

Sau hơn 80 năm sống dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, từ cuối tháng Tám 1945, Việt Nam lại giành được độc lập. Nhưng ngay lập tức tinh thần dân tộc lại bị thử thách trước những khó khăn chồng chất. Một lần nữa, tinh thần đó là yếu tố gắn kết quan trọng để đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng - một chính quyền mới, của dân, do dân và vì dân.

Đọc E-paper

Thứ nhất, nhiệm vụ sau khi giành được chính quyền là phải tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng.

Bảo vệ được chính quyền cách mạng mới có thể thực hiện được những mục tiêu cấp bách cũng như lâu dài là giữ vững nền độc lập, đem lại đời sống no ấm cho nhân dân.

Cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân diễn ra gay go quyết liệt vì đây cũng là mục tiêu đầu tiên của kẻ thù nhằm đến để đánh phá, tiêu diệt.

Các kẻ thù dù có mâu thuẫn với nhau về một vài quyền lợi song đều nhất trí trong việc tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân Việt Nam, xóa bỏ nền dân chủ cộng hòa ngay từ những ngày đầu mới thành lập.

Ở trong nước, các loại đảng phái chính trị nổi dậy phá hoại, chống Việt Minh và chính phủ cách mạng lâm thời trên tất cả các mặt. Nạn đói, nạn dốt, tài chính kiệt quệ cùng với nạn ngoại xâm đặt độc lập dân tộc trước nguy cơ còn - mất.

Đứng trước những tình thế nguy hiểm tưởng chừng không vượt qua được, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân được quy tụ, mọi lực lượng vật chất và tinh thần của dân tộc được huy động để đương đầu thắng lợi với các loại kẻ thù.

Trong những năm tháng vận mệnh dân tộc trong tình thế nguy nan, "Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết" đã trở thành khẩu hiệu tập hợp lực lượng quần chúng to lớn xung quanh chính phủ cách mạng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh để đấu tranh chống lại âm mưu chia rẽ, phá hoại.

Đó cũng là mẫu số chung trong tình cảm và hành động của mỗi người Việt Nam yêu nước khi đó.

Thứ hai, chính quyền mới đã trực tiếp mang lại những quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền mà từ xưa nhân dân Việt Nam chưa từng được hưởng: bãi bỏ thuế thân (ngày 7/9/1945), bắt buộc học chữ quốc ngữ không phải trả tiền (ngày 8/9/1945), quy định thể lệ tổng tuyển cử (ngày 17/10/1945), giảm tô 25% (ngày 20/11/1945), giảm 20% thuế điền (ngày 20/11/1945)...

Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (10/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những nhiệm vụ:

"Chúng ta phải thực hiện ngay:

1 - Làm cho dân có ăn

2 - Làm cho dân có mặc

3 - Làm cho dân có chỗ ở

4 - Làm cho dân được học hành" .

Những chính sách, đạo luật do Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc ban hành và đặc biệt là bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc được Quốc hội Khóa I thông qua ngày 9/11/1946 đã thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ mới của dân, do dân, vì dân.

Chính phủ cách mạng đã thu hút được sự ủng hộ của toàn dân, được toàn dân bảo vệ vì nó hợp với lòng dân. Chính phủ cách mạng là hạt nhân, là mục tiêu ủng hộ của khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi và mạnh mẽ. Khối đại đoàn kết toàn dân được xây dựng rộng rãi đã phát huy sức mạnh to lớn.

Kể cả những người không cộng sản, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, những người đã từng làm việc dưới chế độ cũ, những người thuộc giới quan lại, hoàng tộc, cả những người tưởng như đã nằm dưới đáy của xã hội, tất cả đều hướng về cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc, và bằng cách này hay cách khác, đóng góp phần mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng.

Bằng những hành động cụ thể, mỗi người dân đã chung tay góp sức trong những phong trào yêu nước: Tuần lễ vàng, Hũ gạo cứu đói, Xóa nạn mù chữ, Quỹ Độc lập, Mùa Đông binh sĩ... cùng với Chính phủ vượt qua những khó khăn.

Theo chiều ngược lại, sự vững chắc của chính quyền cách mạng lại là điều kiện bảo đảm, là công cụ thúc đẩy cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

Thứ ba, trong một buổi tối đặc biệt ngày 2/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm Quốc khánh lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hội Liên hiệp Việt kiều và Hội Hữu nghị Pháp - Việt tổ chức, Người xúc động nói: "Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước cộng hòa của mình".

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để cải cách toàn diện nền kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Trong bối cảnh đó, bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường để bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước từ những năm tháng hào hùng trước và sau Cách mạng Tháng Tám vẫn mang nhiều giá trị.

Đó chính là bài học về phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để kịp thời đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế trên cơ sở đổi mới từng bước về chính trị; vừa tranh thủ và phát huy sức mạnh nội lực, vừa tranh thủ, tận dụng những cơ hội của thế giới, của thời đại để xây dựng một nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh.

>Độc lập và dân chủ - cội nguồn thành quả cách mạng

>Họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại TP.HCM

>Tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

>Vai trò lãnh đạo của Đảng – Nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám 1945
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO