7 quan điểm chiến lược trong tái cơ cấu đầu tư công

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH| 02/12/2015 06:59

Đây là 7 quan điểm chiến lược cần được tiếp cận khi cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu ngân sách Nhà nước và nợ công

7 quan điểm chiến lược trong tái cơ cấu đầu tư công

Nước ta thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế suốt giai đoạn 2011 - 2015, với ba trọng tâm: đầu tư công, các tập đoàn tổng công ty nhà nước và các ngân hàng thương mại, theo Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI.  

Đọc E-paper

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (tháng 1/2011) ban đầu vẫn đặt mục tiêu "phát triển kinh tế nhanh, bền vững". Tuy nhiên, diễn biến nền kinh tế giai đoạn 2007 - 2010 cho thấy nền kinh tế bất ổn, đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, nên đến tháng 10/2011, đã chuyển sang tập trung vào mục tiêu phục hồi kinh tế với trọng tâm là ổn định đi đôi với tái cơ cấu nền kinh tế.

Như vậy, mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững đã được thay bằng mục tiêu tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh ưu tiên ổn định và tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ trong năm 2012 mà cả giai đoạn 2011 - 2015. Một số bộ phận được lựa chọn cũng như tái cơ cấu tổng thể gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Về cơ bản, tái cơ cấu kinh tế không trực tiếp là công cụ phục hồi kinh tế mà là quá trình được thực hiện trong bối cảnh phục hồi và ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Nhưng suy giảm và bất ổn kinh tế vĩ mô nói chung bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào tăng vốn đầu tư, lao động năng suất thấp, cũng như do yếu kém, hiệu quả thấp trong đầu tư công, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại nói riêng. Do đó, triển vọng và thực tế phục hồi nền kinh tế không thể tách rời kết quả tái cơ cấu kinh tế.

Việc nghiên cứu sự thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế và tái cơ cấu đầu tư công bị hạn chế do tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2013-2020, tuy đã có đề án phê duyệt tháng 2/2013, song thiếu nội dung cụ thể nên thực hiện và tác động trên thực tế chưa rõ ràng.

Chủ trương tái cơ cấu đầu tư công nhằm giải quyết những vấn đề kém hiệu quả trong đầu tư công và thiếu nguồn lực cho đầu tư công, hơn là xuất phát từ chủ trương đổi mới vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Hơn nữa, Quyết định số 339/2013/QĐ-TTg vẫn nhấn mạnh chỉ tiêu bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 - 35% GDP và duy trì tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 35 - 40% tổng đầu tư xã hội, có nghĩa là Nhà nước vẫn muốn duy trì tỷ trọng đầu tư công rất cao, vai trò của đầu tư công rất lớn trong nền kinh tế.

Thực tế cho thấy rõ vấn đề hơn, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến năm 2012, song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013 - 2014 và tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước đã giảm mạnh xuống dưới 20% từ năm 2014 và có thể cả trong năm 2015 do phải ưu tiên chi thường xuyên và chi trả nợ.

Đặc điểm nổi bật về cơ cấu đầu tư công theo ngành giai đoạn 2000-2013 là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trực tiếp và xuất hiện xu thế phân tán đầu tư công sang nhiều lĩnh vực khác.

Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi nào thật sự về vai trò của Nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng.

Nguyên nhân trực tiếp khiến cho tái cơ cấu đầu tư công thu được kết quả hạn chế, hơn nữa không có thay đổi căn bản, là do tái cơ cấu đầu tưu công không gắn với thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế khi mãi đến đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ, thông qua bài viết "Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững" mới đề cập đến sự thay đổi làm nền tảng cho tái cơ cấu đầu tư công nói riêng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nói chung. 

Rất tiếc, những nội dung đổi mới đó cũng chưa được triển khai trong thực tế, theo đó, sau 5 năm đổi mới thể chế kinh tế hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và ước muốn "Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển" vẫn còn là mong ước.

7 quan điểm chiến lược cần được tiếp cận khi cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu ngân sách Nhà nước và nợ công

- Chỉ dành cho những ngành, những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không muốn hay không thể đầu tư.

- Hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư công vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trực tiếp.

- Giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong các ngành sản xuất, kinh doanh trực tiếp.

- Liên hệ mật thiết với quá trình cải cách hành chính, xã hội hoá và thị trường hoá trong các lĩnh vực dịch vụ công.

- Xây dựng và thực hiện chiến lược hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Cơ cấu lại theo ngành đi trước, làm cơ sở để cơ cấu lại đầu tư công trong từng ngành, từng lĩnh vực.
- Dựa trên nguyên tắc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, nhất là vốn ngoài nhà nước, hỗn hợp các nguồn vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 quan điểm chiến lược trong tái cơ cấu đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO