4 vấn đề để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

HUỲNH VĂN MINH - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM| 13/10/2016 06:19

Ngày Doanh nhân đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM cùng với việc vinh danh Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2005, từ đó lan tỏa ra cả nước, trở thành ngày hội của doanh giới.

4 vấn đề để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Mười lăm năm sau ngày thống nhất đất nước, hai từ "doanh nghiệp" và "doanh nhân" mới trở nên "chính danh" khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), mở đường cho doanh nghiệp (DN) tư nhân ra đời và cùng với đó là sự hồi sinh, phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.  

Đọc E-paper

Nhưng để có một ngày tôn vinh doanh nhân thì phải đợi thêm 15 năm nữa, khi Báo Doanh Nhân Sài Gòn - Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất lấy ngày 13/10 - ngày mà năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương, "hoan nghênh giới công thương đã đoàn kết lại thành Công Thương Cứu quốc Đoàn, đem vốn làm ích nước lợi dân và để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng" - hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chấp thuận với quyết định ngày 19/9/2004 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành.

Ngày Doanh nhân đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM cùng với việc vinh danh Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2005, từ đó lan tỏa ra cả nước, trở thành ngày hội của doanh giới và là sự ghi nhận của xã hội đối với những "chiến sĩ xung kích" trên mặt trận kinh tế.

Đất nước ta trải qua nhiều cơ chế kinh tế nhưng không thành công, chỉ đến lúc chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới - mà lực lượng chủ yếu là DN và doanh nhân - mới phát triển được như ngày nay. Với đường lối ấy của Đảng, chắc chắn nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại trong tương lai gần.

Là một nhà DN và cán bộ quản lý, tôi tâm đắc nhất Nghị quyết Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết Tam nông) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, Nghị quyết 09 Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân của Bộ Chính trị Khóa XI, gần đây nhất là Nghị quyết 35 Về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ.

Phải khẳng định Nghị quyết Tam nông làm "thỏa mãn dân cày", Nghị quyết 09 xác định doanh nhân là đội quân chủ lực, là người lính thời bình trong xây dựng nền kinh tế thị trường. Đây là nghị quyết lịch sử làm thay đổi căn bản về chất của giới thương nhân để trở thành một đội ngũ.

Vậy nhưng gần 10 năm có Nghị quyết Tam nông, nông dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh "lên bờ xuống ruộng" do chưa có đột phá trong khâu quy hoạch, quản lý việc sử dụng, tích tụ đất đai nông nghiệp, chưa có đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, chưa có đột phá về thị trường và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, chưa hoàn thiện các phương thức lưu thông, nhất là đối với lưu thông lúa gạo.

Đặc biệt cả nước đến nay mới chỉ có hơn 1% DN nông nghiệp. Nghị quyết 09 chỉ rõ "Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi DN, doanh nhân; hỗ trợ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, DN có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á".

Thế nhưng đến nay cả nước mới có nửa triệu DN, tức chỉ đạt khoảng 2% DN trên số dân, trong đó có chưa đầy 2% là DN lớn và 2% là DN vừa. Điều đáng quan tâm nhất là nhiều DN phải giải thể, chất lượng hoạt động đa phần chưa cao, nhiều thương hiệu có tiếng, có uy tín lớn trên thị trường teo tóp dần hoặc bị DN nước ngoài thâu tóm.

>>TP. Hồ Chí Minh tôn vinh doanh giới

Trước tình hình ấy, Nghị quyết 35 ra đời mang lại rất nhiều hy vọng khi Chính phủ khẳng định "phát triển nền kinh tế theo chiều sâu dựa trên tri thức, khoa học và công nghệ cao, trong đó DN, nhất là DN tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”.

Theo tôi, nhiều nội dung trong Nghị quyết Tam nông và Nghị quyết 09 chưa thành hiện thực chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện. Nghị quyết 35 ra đời trong khi Chính phủ đang quyết tâm chuyển từ chính phủ chỉ đạo - điều hành sang chính phủ hành động - kiến tạo - phục vụ nên đòi hỏi cả bộ máy công quyền phải chuyển động mạnh mẽ.

Có thể nói tất cả những gì tồn đọng làm kìm hãm sự phát triển, trong đó có phát triển lực lượng DN trong nhiều năm qua mà cộng đồng doanh giới kiên trì kiến nghị đã được Chính phủ đưa vào Nghị quyết 35. Nhưng doanh nhân vẫn còn chưa yên tâm khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự đồng hành cùng DN, thậm chí "trên trải thảm, dưới rải đinh".

Hỗ trợ và phát triển DN chính là thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để DN phát triển, theo như Nghị quyết 35, đến năm 2020 phải đạt 1 triệu DN, đội ngũ doanh nhân kiến nghị Nhà nước 4 vấn đề lớn.

Thứ nhất là trước khi ban hành những chủ trương, chính sách kinh tế thì nên tham khảo ý kiến của các đối tượng chịu tác động, nhất là DN; các chủ trương, chính sách ấy phải thật thông thoáng, an toàn, ổn định lâu dài, phải có tính cạnh tranh với các nước, trước mắt là với các nước ASEAN-5.

Thứ hai là chăm lo phát triển đội ngũ doanh nhân sao cho đến năm 2020 có được lực lượng CEO phục vụ cho 1 triệu DN.

Thứ ba là đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, mà cải cách thủ tục hành chính suy cho cùng là "cải cách con người", tức phải xây dựng lực lượng công chức lấy dân và DN làm đối tượng phục vụ.

Thứ tư là tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết 35.

Trong Nghị quyết 35, Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện cụ thể từng phần việc, nhưng theo tôi, khi thực hiện, mỗi phần việc phải có một "tư lệnh" toàn quyền và chịu trách nhiệm cụ thể để tránh tình trạng thành tích thì của cá nhân còn sai phạm thuộc tập thể - một "căn bệnh" dù không nan y nhưng bao nhiêu năm qua chưa chữa được.

>>Tái cơ cấu nền kinh tế và tìm động lực mới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 vấn đề để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO