3 lợi ích khi tư nhân tham gia mua bán nợ

HOÀNG ANH thực hiện| 09/06/2016 06:55

Vai trò của doanh nghiệp tư nhân "chưa được nói rõ” trong Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo.

3 lợi ích khi tư nhân tham gia mua bán nợ

Vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ xấu luôn được Chính phủ quan tâm. Ngoài hai công ty nhà nước tham gia lĩnh vực này, nguồn lực từ khu vực tư nhân cũng khá lớn. Song, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực nhận định, vai trò của doanh nghiệp tư nhân "chưa được nói rõ” trong Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo. 

Đọc E-paper

* Hạn chế này, theo ông có đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp tư nhân vẫn được kinh doanh dịch vụ mua bán nợ?

- Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào thị trường mua bán nợ ở 3 góc độ khác nhau. Thứ nhất, xin phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ, với điều kiện đảm bảo các quy định về vốn, kinh nghiệm, quản trị điều hành và một số yêu cầu khác. Thứ hai, góp tiền vào mua bán một số các khoản nợ nhất định, tất nhiên là ủy thác qua một bên thứ ba. Thứ ba, xác định giá trị của các khoản nợ cũng như tư vấn các thủ tục mua bán có liên quan.

* Tham gia kinh doanh dịch vụ mua bán nợ sẽ có những rào cản nào mà doanh nghiệp tư nhân gặp phải, thưa ông?

- Mua bán nợ là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Ví dụ, điều kiện về vốn, để thành lập sàn giao dịch mua bán nợ, doanh nghiệp phải có khoảng 1.000 tỷ đồng. Không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có đủ lượng vốn lớn như vậy. Cho nên, phương án tham gia góp vốn cổ phần có thể khả thi hơn.

Hay nói đúng hơn, doanh nghiệp tư nhân phải có sự gắn kết, liên kết với bên thứ ba, có thể là một công ty mua bán nợ, một công ty luật, hoặc một tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

* Theo ông, nền kinh tế sẽ được gì nếu cho phép doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dịch vụ mua bán nợ?

- Mua bán nợ có sự tham gia của tư nhân sẽ mang lại 3 lợi ích. Một là tạo kênh huy động vốn trong bối cảnh nguồn vốn tham gia mua bán nợ còn ít. Hai là Nhà nước có thể tận dụng kiến thức, kinh nghiệm của doanh nghiệp tư nhân liên quan đến tư vấn, mua bán nợ, định giá nợ cũng như xử lý các thủ tục liên quan đến tài sản đảm bảo và pháp lý có liên quan. Ba là tạo tính liên kết giữa các doanh nghiệp.

* Có ý kiến cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một trong những giải pháp khả thi để xử lý nợ xấu. Ông nói gì về điều này?

- Để tạo ra một kết quả đột phá là điều không dễ, vì tiềm lực, kinh nghiệm của khu vực tư nhân trong nước có hạn cả về vốn, công nghệ và quản trị. Nếu Nhà nước cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia mua bán nợ thì phải đồng thời gắn kết với doanh nghiệp trong nước, như vậy mới khai thác tối đa hiệu quả về thế mạnh của các bên.

Việc mua bán nợ, đặc biệt là nợ xấu, đòi hỏi kiến thức địa phương, doanh nghiệp địa phương, văn hóa kinh doanh địa phương cũng như tài sản đảm bảo, đó là những vấn đề rất phức tạp ở Việt Nam.

* Theo nghiên cứu của ông, những quốc gia nào đã thành công trong việc cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia mua bán nợ mà Việt Nam có thể tham khảo?

- Đã có nhiều nước cho phép doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài nước tham gia mua bán nợ. Tại châu Á, Malaysia và Hàn Quốc được đánh giá là thành công về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Malaysia đã mất hơn 7 năm, từ năm 1998 đến năm 2005. Còn Hàn Quốc mất nhiều thời gian hơn, do xử lý nợ xấu gắn với quá trình tái cơ cấu khu vực tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp. Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua lại các khoản nợ xấu từ các tổ chức tài chính có vấn đề và bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

* Cám ơn ông!

Việt Nam hiện có 2 công ty nhà nước chuyên về xử lý nợ xấu là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trong đó, VAMC chủ yếu mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, còn DATC mua nợ xấu chủ yếu theo đối tượng vay (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân).

Tính đến tháng 4/2016, VAMC đã mua được 24.556 khoản nợ, có tổng dư nợ gốc là 244.082 tỷ đồng và giá mua là 208.636 tỷ đồng. Với DATC, đến cuối năm 2015 đã hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho 58 doanh nghiệp với tổng giá trị nợ và tài sản tồn đọng được xử lý là hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với 2014.

>VAMC làm gì với nợ xấu đã mua?

>Nhà đầu tư nước ngoài "xếp hàng" chờ mua nợ xấu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 lợi ích khi tư nhân tham gia mua bán nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO