3 cách phòng tránh rủi ro cháy nổ cho tiểu thương

TRẦN DUY KHIÊM (Gemadept Logistics)| 29/02/2016 06:23

Ngày nay, với sự phổ biến của công nghệ, tiểu thương đã được thông tin đầy đủ mọi lúc mọi nơi cũng như ý thức hơn về vấn đề rủi ro trong kinh doanh, điển hình là các vụ cháy chợ truyền thống xảy ra trong thời gian gần đây.

3 cách phòng tránh rủi ro cháy nổ cho tiểu thương

Ngày nay, với sự phổ biến của công nghệ, tiểu thương đã được thông tin đầy đủ mọi lúc mọi nơi cũng như ý thức hơn về vấn đề rủi ro trong kinh doanh, điển hình là các vụ cháy chợ truyền thống xảy ra trong thời gian gần đây. 

Đọc E-paper

Trên cả nước hiện có khoảng 8.000 - 9.000 chợ truyền thống. Dù kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích) đang tăng trưởng rất nhanh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, chợ vẫn là chốn mua bán quen thuộc của 60 - 70% dân số, là kế sinh nhai của rất nhiều gia đình tiểu thương.

Và hình như cứ sau mỗi bận cháy chợ lại sẽ có những nhắc nhở về kiểm tra lại hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện đóm, rồi... đâu lại vào đấy, những thói quen cũ vẫn được duy trì: tận dụng tối đa không gian để chất xếp hàng hóa mà không tuân thủ các quy tắc an toàn; hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũ kỹ và ít được quan tâm bảo trì; thường xuyên thắp nhang cầu Thần tài, ông Địa cho "mua may, bán đắt"...

Để bớt đi những nỗi lo rình rập trong cuộc sống còn quá nhiều lo toan, các tiểu thương nên quan tâm một số cách sau để giảm thiểu rủi ro:

1. Mua bảo hiểm cháy nổ

Có nhiều rào cản trong việc khuyến khích tiểu thương mua bảo hiểm: ngại xui rủi, chợ không đủ tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, không có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh thiệt hại... Tuy nhiên, khó khăn có thể vượt qua nếu có sự đối thoại, chia sẻ và hiểu nhau hơn.

Cần thiết có những đơn vị đứng ra làm cầu nối (như Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao hoặc các ngân hàng, công ty bảo hiểm) giữa tiểu thương, ban quản lý chợ và các đơn vị bảo hiểm để tiểu thương hiểu đầy đủ và rõ ràng về lợi ích của việc mua bảo hiểm.

2. Tránh để tiền mặt tại chợ qua đêm

Thực tế, lượng tiền lưu thông của một sạp hàng có thể từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng mỗi ngày. Với thói quen sử dụng tiền mặt, việc bảo quản tiền là một vấn đề tương đối lớn: đem theo tiền đi về mỗi ngày thì sợ bị cướp, để tiền trong két sắt ở sạp hàng nếu lỡ chợ bị cháy cũng rất phiền, muốn gửi ngân hàng thì ngại thủ tục rườm rà và ngân hàng chỉ làm việc đến 16h30.

Trong khi đó, với công nghệ hiện đại ngày nay, nhiều ngân hàng đã có máy gửi tiền tự động giúp người dùng có thể gửi tiền ngay vào tài khoản, đỡ phải đem theo bên mình.

3. Thử sử dụng máy tính tiền mPOS

MasterCard và Sacombank đã triển khai giải pháp máy mPOS cho các tiểu thương, điển hình ở chợ Bến Thành. Đây là giải pháp rất tiện lợi, thiết bị đọc thẻ được gắn ngay trên điện thoại thông minh của tiểu thương, giúp chấp nhận thanh toán bằng thẻ dễ dàng, thuận tiện, không phải dùng tiền mặt.

Dùng thẻ thanh toán đang là xu hướng được ưa chuộng, nhất là ở các chợ thường có khách nước ngoài tham quan. Với giải pháp mPOS được triển khai rộng rãi, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp tiểu thương nâng cao hình ảnh, bắt kịp xu hướng hiện đại.

Hy vọng các ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ quan tâm hơn đến đối tượng khách hàng là các tiểu thương để có sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu đặc thù của họ, cũng như có cách chăm sóc họ hợp lý.

>Mô hình nào cho chợ truyền thống?

>Chợ truyền thống sẽ thành trung tâm thương mại?

>Chợ phiên Phú Mỹ Hưng - chợ truyền thống cho cư dân đô thị

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 cách phòng tránh rủi ro cháy nổ cho tiểu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO