Hợp chuẩn thủ tục hành chính về đầu tư: “Lối cũ ta về”?

LS. HUỲNH TRUNG HIẾU (Công ty luật Hasslaws)| 21/12/2013 00:48

Những khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư thường gặp phải khi triển khai dự án đầu tư là thời gian thực hiện kéo dài và không tiên liệu trước được...

Hợp chuẩn thủ tục hành chính về đầu tư: “Lối cũ ta về”?

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường để thực hiện dự án đầu tư.

Thực tế hiện nay, để triển khai một dự án đầu tư có sử dụng đất thì phải thực hiện khoảng 18 thủ tục hành chính khác nhau, tùy từng dự án cụ thể.

Những khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư thường gặp phải khi triển khai dự án đầu tư là thời gian thực hiện kéo dài và không tiên liệu trước được, thường phải đi lại nhiều cơ quan hoặc nhiều lần đến một cơ quan, tốn kém thời gian và công sức để chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ.

Một trong những khó khăn mà nhà đầu tư thường gặp khi triển khai dự án đầu tư là thời gian thực hiện kéo dài và không tiên liệu trước được

Báo cáo đánh giá thực trạng thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất của Cục kiểm soát thủ tục hành chính năm 2013 cho thấy, tính trung bình nhà đầu tư thường mất khoảng từ 580 đến 865 ngày để thực hiện thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp.

Điểm nổi bật của Dự thảo là đã gắn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính phù hợp với quyền lợi của nhà đầu tư, nhất là các nguyên tắc đảm bảo việc xây dựng bộ quy trình thủ tục phải được nhìn từ thực tế các hoạt động triển khai một dự án đầu tư từ góc độ nhà đầu tư, chứ không đơn thuần chỉ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước như trước đây.

Tuy nhiên trên thực tế một số quy định của Dự thảo lại chưa thể hiện được tinh thần đổi mới này.

Đơn cử, dự thảo quy định “khuyến khích việc tiếp nhận và giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư”, tức không bắt buộc (khoản 5, điều 2) nhưng quy định lại được ghi nhận thành “nguyên tắc” pháp lý (Điều 2. Nguyên tắc thực hiện).

Nguyên tắc khuyến khích sẽ dễ làm nảy sinh sự tùy tiện, biến tướng trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn. Đây cũng có thể trở thành cái lý để hợp thức hóa một số vấn đề thực tiễn của từng địa phương trong điều kiện chưa hoàn thiện được yêu cầu cơ bản của quá trình cải cách thủ tục hành chính.

Tương tự, Dự thảo quy định quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường gồm 5 bước, nhưng lại cho phép “tùy theo tính chất, quy mô từng dự án đầu tư cụ thể, nhà đầu tư có thể rút ngắn thủ tục nếu đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật”. (khoản 2, điều 3).

Thực tế yêu cầu này có thể là một tập hợp các quy định chuyên ngành được cụ thể hóa, do vậy nếu không có các định hướng rõ ràng thì nguy cơ tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán sẽ vẫn có thể không được giải quyết, thậm chí có thể làm phát sinh thêm một số thủ tục pháp lý mới trong quá trình triển khai hướng dẫn về sau.

Các thủ tục hành chính doanh nghiệp thường gặp khó khăn (Nguồn: Kết quả điều tra PCI năm 2012)

Một quy định khác là cho phép tách việc cấp giấy chứng nhận đầu tư thành giai đoạn riêng không nằm trong hồ sơ về xin chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư tùy thuộc vào điều kiện của mỗi tỉnh thành (Điều 5). Nghĩa là quy định vẫn trên tinh thần là gộp 3 thủ tục này làm một nhưng lại cho phép mỗi địa phương có thể có những “hướng dẫn riêng” về vấn đề này.

Trường hợp tách riêng quy định, việc cấp phép được hiểu là cấp phép chung cho các loại dự án, không có quy định phân biệt các dự án cần có sự ưu đãi như vẫn đang áp dụng hiện nay. Ví dụ, Theo khoản 5, điều 1, Nghị quyết 33 ngày 31/12/2008 của Chính phủ, thì “Đối với các dự án đầu tư khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp trong nước chỉ thực hiện đăng ký đầu tư, không cấp Giấy chứng nhận đầu tư”;

Điều 4 Thông tư liên tịch 30/2009/TTLT-BXD-BKH 4 quy định: “Nhà đầu tư trong nước… không phân biệt quy mô vốn đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 43 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư …”.

Theo hướng dẫn trên thì nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước thực hiện loại dự án này sẽ không phải làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên Dự thảo lại quy định tất cả dự án đều phải làm thủ tục chung để cấp giấy chứng nhận đầu tư thông qua quy trình đăng ký, thẩm tra đầu tư.

Như vậy việc bỏ qua nguyên tắc dẫn chiếu áp dụng cho các dự án đặc thù có thể phát sinh trong thực tiễn thi hành luật đầu tư, các luật chuyên ngành khác là một thiếu sót cơ bản. Yêu cầu “phân loại” không tạo ra sự chồng chéo, khác biệt mà đây là sự cần thiết xem xét ban hành các quy định ưu đãi hoặc kiểm soát chặt chẽ đối với một số dự án cần có sự quản lý đặc biệt.

Qua thực tế trên có thể thấy một số quy định cơ bản nhất của Dự thảo đang có phần đi ngược lại với xu hướng đơn giản hóa, thuận lợi hóa tối đa thủ tục hành chính.

Vì đây là bước vừa thử nghiệm vừa triển khai thực tế thủ tục hành chính nên để rút ngắn quá trình tổng kết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành văn bản, các cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu mở rộng thêm các phương án điều chỉnh, nhất là việc rà soát xây dựng quy trình “một cửa” tiếp nhận các thủ tục hành chính, có phân công, phối hợp các cơ quan cùng thụ lý, giải quyết, nhất là các vấn đề đang gây nhiều bức xúc nhất cho các nhà đầu tư hiện nay như đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng…

Đây cũng là yêu cầu bức thiết, mong mỏi, kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về việc thực hiện có hiệu quả hơn nữa cơ chế hành chính một cửa vốn được xem là đầu mối tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp chuẩn thủ tục hành chính về đầu tư: “Lối cũ ta về”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO