Hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm về khuyến mại

24/06/2015 06:12

Khi thực hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động khuyến mại, tùy theo mức độ mà các doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, phạt bổ sung và bị đình chỉ hoạt động khuyến mại

Hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm về khuyến mại

Khi thực hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động khuyến mại, tùy theo mức độ mà các doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, phạt bổ sung và bị đình chỉ hoạt động khuyến mại.

1. Xử phạt hành chính

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng được quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể:

  • Mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng được áp dụng cho các hành vi vi phạm như: không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về cách thức thông báo thông tin phải thông báo công khai khi thực hiện khuyến mại; không tổ chức công khai việc mở thưởng chương trình khuyến mãi mang tính may rủi hoặc tổ chức mà không có sự chứng kiến của khách hàng; hoặc không thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền khi chương trình khuyến mại có tính may rủi có tổng giá trị giải thưởng từ 100 triệu đồng trở lên.
  • Đối với các hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn như không có hợp đồng dịch vụ khi thuê doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động khuyến mại, nội dung thông tin đến cơ quan nhà nước không trung thực hoặc thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá vượt quá mức giảm tối đa được cho phép theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
  • Doanh nghiệp thực hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng liên quan đến các quy định cấm như khuyến mại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh hoặc các hành vi khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn để lừa dối khách hàng; khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo quy định gây phương hại đến môi trường, sức khỏe con người, cũng như thuần phong mỹ tục, đạo đức, văn hóa Việt Nam có thể bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Mức phạt trên sẽ tăng gấp 2 lần trong trường hợp hành vi vi phạm có phạm vi thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Đối với văn phòng đại diện thực hiện khuyến mại hoặc thuê doanh nghiệp khác thực hiện khuyến mại thì mức phạt sẽ từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Nếu doanh nghiệp có hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng khi:

  • Tổ chức khuyến mại gian dối về giải thưởng;
  • Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
  • Phân biệt đối xử với khách hàng như nhau trong các địa bàn khác nhau thuộc cùng một chương trình khuyến mại;
  • Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hóa cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình.

Mức phạt trên sẽ nâng từ 80 đến 100 triệu đồng nếu hành vi vi phạm trên được tổ chức với quy mô từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Đồng thời, doanh nghiệp có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi, các khoản lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm và buộc cải chính công khai.

2. Đình chỉ hoạt động khuyến mại và tịch thu tang vật

Doanh nghiệp có thể bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ chương trình khuyến mại khi có hành vi vi phạm, bao gồm thực hiện hành vi bị cấm hoặc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung trong thể lệ chương trình khuyến mãi đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nghiệp khi bị đình hoạt động khuyến mại có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các cam kết với khách hàng đã tham gia chương trình khuyến mại đó.

Trừ các trường hợp phải chấm dứt toàn bộ việc chương trình khuyến mại và bị tịch thu toàn bộ tang vật, các trường hợp này là:

  • Sử dụng hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế kinh doanh, chưa được phép lưu thông hay cung ứng, hàng hóa không đảm bảo chất lượng;
  • Khuyến mại rượu, bia hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi;
  • Khuyến mại thuốc lá, rượu có cồn từ 30 độ trở lên hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên; dùng thuốc chữa bệnh để khuyến mại dưới mọi hình thức.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc tiêu hủy hàng hóa trong trường hợp sử dụng để khuyến mại hoặc khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ bị cấm, hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng hoặc hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo quy định pháp luật.

Buộc hủy bỏ kết quả đã mở thưởng và tổ chức mở thưởng lại trong các trường hợp không tổ chức công khai, tổ chức mà không có sự chứng kiến của khách hàng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức mở thưởng khi thực hiện chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng từ 100 triệu đồng trở lên.

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi thu lệ phí khi đưa sản phẩm mẫu, dịch vụ dùng thử cho khách hàng và hành vi không thực hiện việc trích nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng.

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm về khuyến mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO