Bảo vệ quyền khởi kiện như thế nào?

Luật sư HUỲNH TRUNG HIẾU| 20/06/2013 09:59

Theo thống kê của ngành tòa án, số lượng vụ án tranh chấp đòi nợ đang có xu hướng tăng với diễn biến phức tạp hơn trong những năm gần đây, trong đó nhiều vụ án được thụ lý nhưng quá trình tố tụng lại phát sinh tình trạng bị đơn đã bỏ trốn hoặc cố tình thay đổi nơi cư trú nhằm né tránh các trách nhiệm tố tụng và thi hành án.

Bảo vệ quyền khởi kiện như thế nào?

Theo thống kê của ngành tòa án, số lượng vụ án tranh chấp đòi nợ đang có xu hướng tăng với diễn biến phức tạp hơn trong những năm gần đây, trong đó nhiều vụ án được thụ lý nhưng quá trình tố tụng lại phát sinh tình trạng bị đơn đã bỏ trốn hoặc cố tình thay đổi nơi cư trú nhằm né tránh các trách nhiệm tố tụng và thi hành án.

Vấn đề tuy không mới nhưng đã và đang gây ra không ít phiền toái cho các bên tranh chấp và các cơ quan chức năng.

Tình trạng này cũng đang góp phần làm gia tăng hiện tượng chiếm dụng vốn, chây ỳ, trốn nợ trong quan hệ dân sự, nhất là khi tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Phần lớn các vụ việc tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ tài sản trong thời gian gần đầy đều xuất phát từ nguyên nhân khó khăn nội tại. Nhiều "con nợ" thường xuyên thay đổi trụ sở làm việc/địa chỉ liên lạc (nơi cư trú nói chung), và thường là không thông báo với các đối tác, nhất là các chủ nợ.

Khi không liên lạc được với con nợ, chủ nợ thường tố cáo vụ việc đến cơ quan công an với đề nghị xem xét dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt sản.

Tuy nhiên cơ quan công an thường không tham gia sâu vì vụ việc không hoặc chưa nhất thiết phải xử lý hình sự nếu các yếu tố dân sự vẫn đang tồn tại.

Thực tế, có rất nhiều vụ việc tương tự liên quan đến hành vi “mất tích” của “bên bị” nhưng đâu phải mọi hành vi đều cấu thành trách nhiệm hình sự. Việc chứng minh không hề đơn giản bởi “bên bị” có thể không có ý định bỏ trốn.

Khi kinh tế suy thoái, việc thay đổi địa chỉ kinh doanh, nơi làm việc nhằm giải quyết khó khăn trước mắt được xem là chuyện bình thường.

Ở khía cạnh khác, khi con nợ bỏ trốn thì việc xử lý về mặt dân sự cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Nhiều vụ việc khi thụ lý, thẩm phán dựa trên địa chỉ của con nợ trong đơn khởi kiện làm cơ sở thông báo nội dung khởi kiện của bên khởi kiện, nhưng thực tế đương sự không còn sinh sống, làm việc tại địa chỉ được cung cấp.

Nhiều vụ việc vì thế rơi vào bế tắc, buộc phải tạm đình chỉ chờ bên khởi kiện cung cấp lại địa chỉ của bên bị kiện.

Theo hướng dẫn hiện nay, để có cơ sở chứng minh nơi cư trú của bên bị kiện khi đương sự được triệu tập nhưng không có mặt theo địa chỉ do bên khởi kiện cung cấp, thẩm phán thụ lý phải tiến hành xác minh địa chỉ thông qua chính quyền địa phương, công an sở tại.

Việc xác minh đơn giản chỉ là việc xem đương sự có cư trú tại đúng địa chỉ được cung cấp hay không. Tuy nhiên quy định về vấn đề này vẫn chưa rõ và còn không ít bất cập.

Thứ nhất, nơi cư trú được xác định trên thực tế cư trú hay theo quản lý tại địa phương? (nơi đăng ký tạm trú đối với cá nhân hoặc thông qua công cụ giám sát, quản lý phối hợp giữa các cơ quan chức năng).

Nếu cư trú trên thực tế thì cơ quan công an chỉ cần tìm hiểu, xác định thời gian có mặt thực tế của đương sự.

Mặc dù điều này là có lợi cho bên khởi kiện nhưng có thể sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Ví như: Chủ nợ cần có thông tin nhanh thường nhờ cậy đến cán bộ, viên chức phụ trách địa phương (công an khu vực). Kết quả xác minh thường có hai trường hợp đáng chú ý:

-Đương sự có cư trú nhưng tại thời điểm nhận được văn bản đề nghị xác minh của cơ quan tòa án thì đương sự lại không có mặt.

-Đương sự có mặt tại địa phương nhưng không có đăng ký tạm trú (cá nhân).

Ngược lại, nếu căn cứ vào công tác quản lý tại địa phương có chứng thực, ghi chép sổ sách quản lý cư trú chặt chẽ thì sẽ có lợi cho công tác quản lý, tránh những rủi ro pháp lý, trách nhiệm cá nhân của cán bộ, cơ quan thực hiện thủ tục, nhưng lại không đảm bảo được tính thực tế của việc cư trú của đương sự.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng về mặt sự kiện. Nếu đương sự có cư trú tại địa phương nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý thì đương nhiên vẫn cần xem đây là trường hợp có cư trú (thực tế), nhưng nếu chỉ dựa vào duy nhất quy định “đăng ký cư trú” của đương sự để theo dõi, giám sát thì đây sẽ là thiệt thòi lớn cho các bên có quyền yêu cầu.

Theo quy định hiện nay (Nghị quyết 01/2005 HĐTP TANDTC) thì trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nguyên đơn được quyền yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng giải quyết.

Để hướng dẫn cho quy định này, trong một cuộc tập huấn gần đây, Toà án Nhân dân TP.HCM đã tán thành quan điểm thụ lý các vụ việc liên quan là nếu đương sự (bên bị) bỏ trốn trước khi tòa án thụ lý vụ việc thì cần phải trả lại đơn, đình chỉ vụ kiện, vì đây là những trường hợp nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của bị đơn.

Do vậy lợi dụng kẽ hở này, bên bị kiện chỉ cần thay đổi địa điểm kinh doanh, làm việc kịp thời thì có thể sẽ tránh được các trách nhiệm liên quan về tố tụng và thi hành án.

Đối với nhiều doanh nghiệp, những vụ việc tương tự sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về lợi ích, việc không đòi được nợ thậm chí có thể đưa doanh nghiệp đến thua lỗ, phá sản, ảnh hưởng không chỉ cho chính các bên liên quan mà sẽ gián tiếp tác động đến nền kinh tế, là nguồn cội của tiêu cực, tham nhũng, thậm chí là tội phạm (đòi nợ thuê bất hợp pháp).

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác xác minh nơi cư trú của bên bị kiện cần được nhìn nhận ở góc độ bảo vệ quyền lợi không chỉ cho các bên có lợi ích bị xâm phạm, mà quy định hợp lý, khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho các cơ quan chức năng có thể hoàn thành tốt công việc của mình.

Quan trọng là quy định về nơi cư trú không nên quá cứng nhắc, máy móc. Quan hệ tranh chấp đã được thể hiện trong các văn kiện giao dịch, chứng cứ giao nộp.

Chỉ những trường hợp nào không rõ về mặt chứng cứ thì cần tạm đình chỉ điều tra thêm, nếu bên nguyên vẫn chấp nhận xử lý vụ án trong phạm vi chứng cứ đệ trình thì nên tôn trọng điều này để giúp các bên chủ động giải quyết vụ việc, góp phần bảo vệ quyền khởi kiện hợp pháp của đương sự.

Để thủ tục khởi kiện được thuận lợi, bên nguyên cần chủ động xác minh trước thông tin địa chỉ kinh doanh, nơi liên lạc của bên bị thông qua các tài liệu giao dịch, so sánh thời điểm thụ lý hồ sơ của cơ quan tòa án (hoàn tất thủ tục tạm ứng án phí) và thời điểm đương sự giao dịch gần nhất tại địa điểm kinh doanh dự kiến cần xác minh.

Ví dụ: Vào thời điểm vụ việc được thụ lý hoặc trước khi dự kiến hoàn thành thủ tục tạm ứng án phí, gửi (một số) văn bản, tài liệu giao dịch (thông tin quan trọng đủ để bên kia chú ý và không nghi ngờ ý định khởi kiện đã hoặc sẽ diễn ra) kèm theo các xác nhận đảm bảo (bưu điện), chờ thông tin phản hồi, lưu lại các bằng chứng giao dịch này làm cơ sở chứng minh khi cần thiết.

Thời điểm trao đổi, mức độ thường xuyên, cách thức trao đổi cũng là những điểm cần chú ý để khéo léo khai thác, làm rõ ý định, thái độ, di biến động của bên bị, qua đó sẵn sàng các phương án đối phó như:

(i). Kết hợp với chính quyền địa phương để lưu ý tình trạng con nợ trên địa bàn trong những trường hợp có thể;

(ii). Thực hiện ngay thủ tục áp dụng biện khẩn cấp tạm thời (BLTTDS) ngay tại thời điểm khởi kiện đề phòng trường hợp tẩu tán tài sản;

(iii). Tích cực tìm kiếm địa điểm mới của bên bị khi địa chỉ cũ không cỏn giá trị, nhằm phục vụ cho các bước bảo vệ, thay đổi hồ sơ khởi kiện tại nơi được cho là “nơi cú trú cuối cùng” của đương sự.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ quyền khởi kiện như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO