Giải mã áp lực hội nhập

MAI PHƯƠNG thực hiện| 16/03/2016 00:43

kể từ ngày 26/3/2015, từ thị giá cổ phiếu của Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS) xuống mức thấp nhất là 9.500 đồng/CP, nay đã tăng hơn gấp đôi.

Giải mã áp lực hội nhập

Vào thời điểm cuối năm 2015, thông tin về những cơ hội theo lộ trình thực hiện các FTA, rồi EAC và một vài năm nữa là TPP đi kèm với những thách thức không nhỏ dồn dập đến với cộng đồng doanh nghiệp.

Riêng ngành đường Việt Nam, trong quá trình hội nhập, buộc phải gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu, nhất là theo lộ trình ATIGA - hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh hoạt động thương mại, quy định thuế suất nhập khẩu đường của các nước trong khu vực, cả đường trắng và thô sẽ giảm về mức 5% sau năm 2018. Song song đó là các vấn đề về biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích vùng nguyên liệu, đặc biệt sau chu kỳ giảm giá và khó khăn liên tục với ngành đường 3 năm liền kể từ nãm 2012.

Dù vậy, kể từ ngày 26/3/2015, từ thị giá cổ phiếu của Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS) xuống mức thấp nhất là 9.500 đồng/CP, nay đã tăng hơn gấp đôi. BHS đã làm gì để đạt hiệu quả này?

Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa, niên độ 2014 - 2015 (niên độ BHS từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau), lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Công ty đạt 126,76 tỷ đồng trong khi kế hoạch đặt ra là 93 tỉ đồng, tăng 135%. Với kết quả kinh doanh này, BHS phân phối cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%.

Bước vào niên độ 2015 - 2016, BHS thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh với chỉ tiêu sản lượng đường tiêu thụ 215.000 tấn, tương đương niên độ 2014 - 2015, lợi nhuận kỳ vọng 220 tỷ đồng, tăng 64% so với 2014 - 2015; dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 8-10%. Đến nay đã qua 6 tháng của niên độ, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 135 tỷ đồng, tương đương 61% kế hoạch năm, tăng hơn 7% so với kết quả niên độ 2014 - 2015. Để đạt được những kết quả ấy, ngay từ đầu niên vụ 2015 - 2016, Công ty đã xây dựng kế hoạch nhằm phát huy lợi thế sau sáp nhập, tăng năng lực cạnh tranh.

* Bà có thể chia sẻ các lợi thế sau khi Công ty CP Đường Ninh Hòa và Công ty CP Đường Phan Rang sáp nhập với BHS?

- Bà Nguyễn Thị Hoa: Mục tiêu của việc sáp nhập đã được Ban lãnh đạo Công ty xác định từ đầu là tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, và qua kết quả hoạt động 6 tháng đầu niên độ đã chứng tỏ việc sáp nhập đã mang lại nhiều lợi thế.

Một là quy mô sản xuất - kinh doanh gia tăng và tập trung, tạo điều kiện tối ưu hóa công tác điều phối, đa dạng hóa chủng loại và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí vận hành bộ máy, gia tăng giá trị và lợi ích cho người tiêu dùng. Quy mô sau sáp nhập tạo tiền đề nâng cao hiệu quả tài chính, là cơ sở thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. BHS đã sản xuất đường RE ngay tại miền Trung, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, tạo cơ hội mở rộng thị phần ra miền Bắc.

Hai là công tác điều độ sản xuất được triển khai hiệu quả giữa nhà máy chuyên sản xuất đường thô, chuyên sản xuất đường luyện và luyện đường, góp phần tiết giảm chi phí nghiên cứu, phát triển công nghệ, hạn chế rủi ro do chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, giảm thiểu rủi ro so với việc xây dựng nhà máy mới. Các yếu tố vùng nguyên liệu, vận chuyển được tính toán để tối ưu hiệu quả sản xuất. Đó là những lợi thế để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành cạnh tranh.

* BHS có những giải pháp nào để đối phó với những khó khăn của ngành mía đường hiện nay, thưa bà?

- Để đạt được những kết quả như trên, từ đầu niên vụ 2015 - 2016, Công ty đã xây dựng kế hoạch tăng năng lực cạnh tranh, như giảm giá thành sản xuất, tái cấu trúc hệ thống tiêu thụ sản phẩm, không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm. Hiện nay, giá mía chiếm 90% giá thành sản xuất, nên giảm chi phí sản xuất mía đồng nghĩa với việc giảm giá đường thành phẩm, tạo nên sức cạnh tranh với giá đường các nước trong khu vực.

Chúng tôi tích cực triển khai các giải pháp đã được đề ra từ ba năm trước nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây mía, như cày đất sâu, chặt sát gốc, tưới hữu hiệu. Công ty luôn là bạn đồng hành của nông dân, hợp tác và hỗ trợ nông dân bằng các chính sách đầu tư thiết thực, bảo đảm mang lại thu nhập cao và ổn định cho người trồng mía, phát triển và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn...

Đặc biệt Công ty đã khai thác rất hiệu quả sản phẩm sau đường, như cồn, mật rỉ và nhiệt điện. Công suất phát điện của Nhà máy BHS - NHS hiện nay là 36MW, trong đó điện tự dùng 20MW và phát lên lưới điện quốc gia 16MW, đã đóng góp tích cực vào doanh thu của Công ty.

Về kinh doanh, trong 6 tháng đầu niên độ, sản lượng đường tiêu thụ của BHS đạt 131.685 tấn, vượt 20% so với số kế hoạch và tăng 39% so với cùng kỳ. Kênh công nghiệp và kênh bán lẻ đều có sản lượng vượt so với kế hoạch lần lượt là 61% và 45%. Công ty đã có 40 nhà phân phối, trong đó có nhiều nhà phân phối ở miền Bắc và miền Trung, là tiền đề để tiếp tục phát triển kênh bán lẻ khắp cả nước, nâng sản lượng bán lẻ lên gấp 3 lần vào năm 2020. Thông điệp mà BHS luôn khẳng định là mang đến các loại đường sạch vì sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi đáp ứng không chỉ các yêu cầu an toàn thực phẩm mà còn chủ động cho công tác phòng vệ theo các tiêu chuẩn gắt gao nhất, sẵn sàng thực thi TPP.

* Vậy BHS đang gửi đến các nhà đầu tư thông điệp gì sau M&A?

- Với BHS, đó là tính chuyên nghiệp, chuẩn mực trong quản trị - điều hành. Tôi tin, đây sẽ là yếu tố phát huy được năng lực cạnh tranh và nâng cao khả năng đề kháng của doanh nghiệp. Hoạt động hiệu quả, khả năng chi trả cổ tức sẽ cao hơn.

Chiến lược tài chính của BHS luôn hướng đến tích lũy để đảm bảo sức mạnh, sức bền của Công ty. Đến ngày 31/12/2015, ngoài lợi nhuận chưa phân phối, BHS có nguồn thặng dư vốn cổ phần là 462 tỉ đồng, quỹ đầu tư phát triển 154 tỷ đồng. Số tiền ấy sẽ góp phần nâng cao thị giá cổ phiếu thời gian tới khi các nhà đầu tư muốn đồng hành cùng BHS.

* Bà có thể chia sẻ về định hướng hoạt động và mục tiêu lâu dài của BHS?

- Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để cùng nông dân sản xuất mía, từ đó giảm giá thành nguyên liệu đầu vào và nâng cao chất lượng đường. Đồng thời tiếp tục phát triển các loại đường vi chất, đường vàng nguyên chất bên cạnh 9 dòng sản phẩm chủ lực hiện nay.

BHS đang được vận hành, quản lý bằng hệ thống ERP (quản lý nguồn lực doanh nghiệp), bao gồm các giải pháp quản lý từ cây mía đến sản xuất - kinh doanh, từ nhân sự đến hệ thống khách hàng, kênh phân phối nhằm nâng cao khả năng điều hành doanh nghiệp cho lãnh đạo cũng như tác nghiệp của nhân viên để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của thị trường đường trong nước và thế giới.

Với thương hiệu đã được xây dựng và phát triển từ năm 1969, BHS đang nỗ lực duy trì vị thế tiên phong, khẳng định trách nhiệm hậu M&A với các nhà đầu tư qua chất lượng sản phẩm, hệ thống quản lý, dịch vụ khách hàng. Từ đó BHS hoàn toàn chủ động, tự tin vào lộ trình hội nhập, đảm bảo sự phát triển bền vững. Mục tiêu lớn nhất của BHS là Đường Biên Hòa luôn có mặt trong bếp ăn của mỗi gia đình Việt, nhắc đến đường thì Đường Biên Hòa là sự lựa chọn đầu tiên.

* Cám ơn bà về những chia sẻ thú vị!  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải mã áp lực hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO