Vai trò của tập quán trong thương mại quốc tế

19/11/2013 06:29

Thường nghe, ngoài “luật” còn có “lệ”, và những thông lệ được sử dụng trong quan hệ buôn bán thì được gọi là tập quán thương mại.

Vai trò của tập quán trong thương mại quốc tế

Thường nghe, ngoài “luật” còn có “lệ”, và những thông lệ được sử dụng trong quan hệ buôn bán thì được gọi là tập quán thương mại.

“Luật” được sử dụng trong quan hệ buôn bán là hợp đồng, là thỏa thuận giữa các bên. Tuy vậy, hợp đồng không phải lúc nào cũng có thể dự liệu được trước các tình huống có thể xảy ra.

Do đó, tập quán thương mại (tập quán) được đặt ra để bổ sung cho hợp đồng. Trong quan hệ thương mại quốc tế, tập quán có thể được áp dụng nếu đáp ứng được những điều kiện sau:

Thứ nhất, các bên trong hợp đồng có thỏa thuận sử dụng.

Thứ hai, luật quốc gia do các bên trong hợp đồng lựa chọn không có hoặc có nhưng không đầy đủ để giải quyết vấn đề phát sinh.

Thứ ba, điều ước quốc tế có liên quan không quy định về vấn đề xảy ra.

Đóng vai trò bổ trợ, tập quán không những giải thích những điều khoản của hợp đồng mà còn hướng dẫn việc thực hiện các hợp đồng đó và bổ sung cho hợp đồng những điều khoản mà các bên chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể.

Tập quán, với tính chất là những thói quen, phong tục trong thương mại được áp dụng một cách thường xuyên, nội dung tường minh, có thể đảm nhiệm vai trò này.

Không những bổ trợ cho hợp đồng, tập quán còn có thể đứng độc lập như một nguồn luật, cùng các nguồn luật khác (luật quốc gia, điều ước quốc tế hay thậm chí kể cả án lệ) giải quyết những vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế. Vì rằng một nguồn luật khó có thể độc lập giải quyết một sự việc, việc kết hợp các nguồn luật khác nhau là để bổ sung cho nhau, giải quyết chặt chẽ mọi vấn đề.

Vai trò tuy quan trọng là vậy, nhưng các bên trong quan hệ thương mại quốc tế cũng cần hết sức cân nhắc khi lựa chọn một bộ tập quán nào để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Bởi lẽ, tập quán hiện có rất nhiều, và nội dung của tập quán có thể gây nhầm lẫn, dẫn đến việc áp dụng sai nếu nghiên cứu chưa kỹ.

Ngoài những tập quán bất thành văn như nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng bình đẳng dân tộc, hiện nay còn có một số tập quán thành văn được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam và các nước như tập quán trong giao hàng (Incoterms), tập quán thanh toán (UCP 500), ngoài ra còn có các tập quán trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế, bảo hiểm…

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò của tập quán trong thương mại quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO