Rút vốn khỏi công ty cổ phần thế nào?

10/03/2016 04:00

Cổ đông có thể rút vốn gián tiếp khỏi công ty cổ phần bằng cách yêu cầu công ty mua lại số cổ phần, hoàn lại phần vốn góp của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập hoặc người khác.

Rút vốn khỏi công ty cổ phần thế nào?

Cổ đôngcó thể rút vốn gián tiếp khỏi công ty cổ phần bằng cách yêu cầu công ty mua lại số cổ phần, hoàn lại phần vốn góp của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập hoặc người khác.

Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định cổ đông không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần nhằm bảo vệ, đảm bảo trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng tạo ra một số cơ chế giúp cổ đông thực hiện rút vốn của mình thông qua việc xác định loại cổ phần mà cổ đông nắm giữ, cụ thể:

Cổ phần ưu đãi biểu quyết

Cổ đông đang nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết không được phép chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần này trong vòng 3 năm, kể từ ngày công ty thành lập, sau thời hạn đó cổ phần này chuyển đổi thành cổ phần phổ thông và được tự do chuyển nhượng.

Do tính chất đặc biệt của loại cổ phiếu này, pháp luật quy định như vậy để tránh việc trong thời gian đầu thành lập, việc một cổ đông rút vốn có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty.

Cổ phần ưu đãi hoàn lại

Với việc cổ công đang nắm giữ cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ đông được quyền yêu cầu công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

Tuy cổ phần ưu đãi hoàn lại làm cổ đông mất quyền dự, biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông nhưng cổ đông lại được chủ động lớn trong việc rút vốn, đảm bảo sự an toàn nhất định trong quá trình đầu tư vốn của nhà đầu tư.

Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập, trong thời hạn 3 năm kể từ thời điểm công ty thành lập, cổ đông có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác; nếu được Đại hội đồng cổ đông cho phép, cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác không phải là cổ đông sáng lập. Sau thời hạn 3 năm này, cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình.

Điều này giúp cho sự ổn định của công ty trong thời gian đầu thành lập, nhưng cũng đã giới hạn quyền chuyển nhượng của cổ đông sáng lập.

Cổ phần phổ thông

Khi cổ đông không nắm giữ cổ phần ưu đãi của công ty, tức là chủ sở hữu của cổ phần phổ thông, cổ đông này hoàn toàn tự do trong việc chuyển nhượng cổ phần này cho người khác (nếu công ty hoạt động đã trên 3 năm và Điều lệ không quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phân) hoặc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình khi biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty. Đây là một trong những lợi thế lớn về khả năng rút vốn của cổ đông phổ thông so với một số cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi.

Một điều cần quan tâm nữa là số lượng cổ đông còn lại sau khi rút vốn phải còn ít nhất 3 cổ đông theo quy định pháp luật để công ty có thể duy trì được loại hình công ty cổ phần. Trường hợp sau khi rút vốn còn ít hơn 2 cổ đông, công ty cần thực hiện thủ tục chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn tương ứng theo quy định của pháp luật.

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rút vốn khỏi công ty cổ phần thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO