Rủi ro trong hoạt động mua bán quốc tế

20/05/2015 06:33

Rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thường xuất phát từ việc thỏa thuận chọn luật, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán và những nguyên nhân khách quan từ yếu tố chính trị và tự nhiên khác nhau.

Rủi ro trong hoạt động mua bán quốc tế

Rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thường xuất phát từ việc thỏa thuận chọn luật, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán và những nguyên nhân khách quan từ yếu tố chính trị và tự nhiên khác nhau.

Chọn luật áp dụng trong hợp đồng

Rủi ro này phát sinh khi các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng trong hợp đồng, hoặc có chọn nhưng không nắm rõ nội dung các quy định của luật được chọn, dẫn đến việc hiểu, viện dẫn các điều luật sai, không phù hợp khi giải quyết các phát sinh.

Các luật có thể chọn là luật quốc gia, điều ước quốc tế về thương mại, tập quán thương mại quốc tế…

Khi đã chọn luật áp dụng, cần lưu ý ghi rõ tên đầy đủ của nguồn luật, ví dụ: áp dụng Incoterm, thì cần phải ghi rõ là Incoterm 2000 hay Incoterm 2010… Ngoài ra, các bên cũng cần phải hiểu rõ tinh thần của điều luật khi viện dẫn áp dụng vào hợp đồng.

Phương thức thanh toán

Các phương thức thanh toán quốc tế rất đa dạng, phổ biến như phương thức tín dụng chứng từ (“L/C”), phương thức chuyển tiền, phương thức ủy thác mua hàng, v.v…

Rủi ro có thể đến từ các phương thức này là thông tin trên chứng từ không chuẩn xác, chậm giao chứng từ cho ngân hàng, hoặc một bên sử dụng chứng từ giả để chỉ định thanh toán, nội dung của L/C không phù hợp với nội dung hợp đồng hoặc trái với luật áp dụng,…

Phương thức thanh toán liên quan đến giao dịch nước ngoài thường có quy trình phức tạp hơn, nên doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian khắc phục nếu sai sót. Vì vậy, khi thỏa thuận điều khoản này, trước hết cần phải nắm rõ về phương thức thanh toán.

Giao hàng

Đây là điều khoản quan trọng của hợp đồng và cũng là điều khoản mà các bên lo ngại sẽ xảy ra nhiều rủi ro nhất khi thực hiện hợp đồng. Ví dụ rủi ro về việc hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, chậm giao hàng, hàng hóa bị tạm giữ tại cảng…

Để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro, trong quá trình đàm phán điều khoản này doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề cơ bản sau:

• Thời gian giao hàng;

• Địa điểm giao hàng;

• Phương thức giao hàng: Có cho phép chuyển tải hay không;

• Giao hàng toàn bộ hay giao hàng một phần;

• Thông báo về việc giao, nhận hàng hóa.

Tùy thuộc vào điều kiện giao hàng mà các bên phải thông báo cho nhau những thông tin có liên quan đến việc vận chuyển, giao nhận hàng như: tên tàu, số hiệu của tàu, tên người vận tải, địa điểm giao hàng, thời gian giao hàng…

Các yếu tố khác

Vận chuyển hàng hóa trong điều kiện thời tiết xấu và khắc nghiệt có thể gây hư hại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa.

Các yếu tố chính trị tại các quốc gia mà hàng hóa sẽ được vận chuyển qua cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thực hiện hợp đồng. Rủi ro chính trị có thể là chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia hoặc rủi ro liên quan đến các chính sách pháp luật của mỗi quốc gia như điều kiện gia hạn, hủy bỏ giấy phép xuất, nhập khẩu, v.v…

Để bảo vệ quyền lợi của mình trong những trường hợp này, doanh nghiệp cần lưu ý thỏa thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra trong hợp đồng, và thỏa thuận này phải phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng trong hợp đồng.

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rủi ro trong hoạt động mua bán quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO