Quy định “xác định trước”: Lợi cho cả Hải quan và DN

TUẤN DŨNG - Ths. Luật Hải quan| 01/11/2013 05:15

Một trong những điểm mới trong Thông tư 128/2013/TT-BTC là Thông báo kết quả xác định trước, được dự báo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hải quan và các doanh nghiệp.

Quy định “xác định trước”: Lợi cho cả Hải quan và DN

Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài Chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (Thông tư 128) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2013.

Một trong những điểm mới trong Thông tư là Thông báo kết quả xác định trước (Advance or Binding Ruling) về mã số hàng hóa, trị giá hải quan và xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Điểm mới này được dự báo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hải quan và các doanh nghiệp.

Quy định về Thông báo kết quả xác định trước được dự báo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hải quan và các doanh nghiệp

Thông báo kết quả xác định trước (TBKQXĐT) được xem như một công cụ quan trọng tạo thuận lợi thương mại được khuyến nghị bởi Công ước Kyoto sửa đổi và được quy định trong một số Hiệp định Thương mại Tự do.

TBKQXĐT đã được chi tiết trong tiêu chuẩn 9.9, theo đó: “Cơ quan Hải quan phải ban hành các phán quyết trước mang tính pháp lý theo yêu cầu của bên có liên quan, với điều kiện cơ quan Hải quan có tất cả những thông tin mà họ cho là cần thiết”.

Hơn nữa, TBKQXĐT là một yêu cầu trong ASENA – Australia – New Zealand FTA, theo đó TBKQXĐT phải được cấp theo yêu cầu của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, trong khung thời gian được luật định.

TBKQXĐT là tiêu chí có hiệu quả nhất tạo thuận lợi thương mại và cũng mang lại nhiều lợi ích. TBKQXĐT thể hiện sự hợp tác và xây dựng niềm tin giữa Hải quan và doanh nghiệp, đóng góp vào việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác, chia sẻ trách nhiệm và cùng đạt mục tiêu của hai bên.

Lợi ích cho Hải quan bao gồm nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhờ đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phân bổ nguồn lực hợp lý vào các giai đoạn trước, trong và sau thông quan.

Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp trước có tính ràng buộc pháp lý để nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và tính toán lợi nhuận. Điều này làm tăng độ chắc chắn và có thể dự doán được cho các doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế.

Ngoài ra, tranh chấp giữa Hải quan và doanh nghiệp liên quan đến mã số hàng hóa, trị giá và thuế suất ưu đãi từ xuất xứ sẽ giảm trong thời điểm thông quan. Hai bên sẽ tiết kiệm được cả thời gian và chi phí quản lý khi không phải theo đuổi các vụ khiếu nại, kiện tụng kéo dài.

Mặc dù các nước có quy định khác nhau về TBKQXĐT, tuy nhiên những điểm cơ bản tương tự nhau bao gồm:

- TBKQXĐT được ban hành theo đề nghị của doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp;
- Yêu cầu về hồ sơ đề nghị phải đáp ứng quy định, đồng thời có khung thời gian cho việc xem xét, xử lý hồ sơ;
- Có tính ràng buộc pháp lý, ban hành trước khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa, dưới dạng văn bản của Cơ quan Hải quan có thẩm quyền;
- Có giá trị trong thời gian xác định kể từ ngày ban hành.

Các quy định về TBKQXĐT được chính thức luật hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11. Tại khoản 12 điều 5 của Luật này quy định: “Xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc cơ quan hải quan ban hành văn bản xác định mã số, trị giá hải quan, xác nhận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan”.

Khi Luật Thuế sửa đổi bổ sung được ban hành, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8356/BTC-TCHQ ngày 28/6/2013 về việc hướng dẫn về xác định trước mã số, trị giá và thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi (Công văn 8356).

Theo hướng dẫn tại Công văn 8356, quy trình thủ tục và hồ sơ cấp TBKQXĐT về mã số hàng hóa, trị giá hải quan được quy định chi tiết. Tuy nhiên tại công văn trên, TBKQXĐT về xuất xứ chưa được đề cập đến.

Tại Thông tư 128, TBKQXĐT được quy định chi tiết tại Điều 7 cho xác định trước mã số hàng hóa, tại Điều 8 cho xác định trước trị giá hải quan và tại Điều 9 cho xác định trước xuất xứ. Khi Thông tư 128 có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2013 thì công văn 8356 chấm dứt hiệu lực pháp lý.

Tại các điều 7, 8, và 9 Thông tư 128 quy định chi tiết hồ sơ đề nghị cấp văn bản thông báo xác định trước, các trường hợp, điều kiện được cấp và hiệu lực pháp lý của những văn bản thông báo. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục được quy định theo các bước cùng với khung thời gian thực hiện cho từng bước.

Dưới đây là sơ đồ sơ lược quy trình cấp văn bản thông báo kết quả xác định trước về mã số hàng hóa, trị giá hải quan và xuất xứ theo Thông tư 128.

Sơ đồ 1: Quy trình xác định trước mã số hàng hóa

Sơ đồ 2: Quy trình xác định trước trị giá hải quan

Sơ đồ 3: Quy trình xác định trước xuất xứ

TBKQXĐT được quy định trong Thông tư 128 là điểm mới, sẽ mang lại lợi ích quan trọng cho cả Hải quan và doanh nghiệp. Do vậy, để thực hiện hiệu quả quy trình cấp thông báo xác định trước cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp và sự cộng tác từ cộng đồng doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên viên có đủ năng lực trình độ, chuyên nghiệp cũng cần được tăng cường trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các quy định về hủy bỏ, thu hồi, khiếu nại và công bố thông tin liên quan đến TBKQXĐT cần được chi tiết hơn và phù hợp với các chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy định “xác định trước”: Lợi cho cả Hải quan và DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO