Phần mềm có bản quyền: Tiết kiệm là tự hại

QUÝ YÊN thực hiện| 10/10/2013 00:25

Cứ tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu USD giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân.

Phần mềm có bản quyền: Tiết kiệm là tự hại

Trước năm 2008, Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia đứng đầu về vi phạm bản quyền phần mềm. Nhưng từ sau năm 2008 đến nay, tỷ lệ vi phạm đã giảm đáng kể, từ 92% xuống còn 81%.

Ông Tarun Sawney - Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm BSA

Theo ông Tarun Sawney - Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm BSA, tỷ lệ này đang có xu hướng tiếp tục giảm, là nhờ nhận thức và những hành động cụ thể tham gia tôn trọng bản quyền của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đáng tiếc, số DN tham gia chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là DN vẫn chưa nhận thức được cái lợi vô hình phía sau khoản đầu tư này.

* Nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền đã có những con số cụ thể trong lĩnh vực phần mềm. Ông đánh giá điều này thế nào?

- Theo tôi được biết thì tỷ lệ vi phạm bản quyền ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tầm 60%. Với con số 81% hiện nay, mặc dù vẫn còn cao so với các quốc gia trong khu vực nhưng tôi cho rằng đó là bước tiến đáng kể. Trong tương lai gần, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam có khả năng sẽ giảm bằng mức trong khu vực.

* Điều gì khiến ông đưa ra dự đoán này?

- Công tác chống vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam đang được tổ chức khá tốt. Ba năm trở lại đây, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 300 DN với hàng chục nghìn máy tính. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ những tác hại của việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp, cũng như lợi ích khi sử dụng phần mềm hợp pháp. Tôi nghĩ đó là một nền tảng tốt để giảm nhanh tỷ lệ vi phạm bản quyền.

* Điều này có nghĩa là Liên minh phần mềm BSA khá thuận lợi khi hoạt động ở Việt Nam trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền?

- Khi BSA ký kết hợp tác với Chính phủ về chương trình bảo vệ bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam, chúng tôi nhận được sự tham gia tích cực của các cơ quan Chính phủ. Chúng tôi có một nền tảng tốt để hoạt động nhưng nói là thuận lợi hay dễ dàng trong cuộc chiến này thì vẫn không hẳn. Cụ thể là tốc độ giảm vi phạm bản quyền vẫn chưa cao. Vấn đề nhận thức vẫn là rào cản rất lớn ở Việt Nam. Đáng mừng là đã có một số DN lớn tiến đến ký kết những hợp tác chiến lược cam kết sử dụng phần mềm bản quyền với nhà sản xuất. Đây thực sự là một tín hiệu vui!

* Nhưng, con số đó thực sự là chưa đủ nhiều…?

- 8 tháng đầu năm 2013, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra 64 DN Việt Nam, kiểm tra 3.958 máy tính. Tỷ lệ vi phạm bản quyền của các DN này là rất lớn với giá trị thương mại vi phạm vào khoảng 11 tỉ đồng, tương đương 537.000 USD. Trong 6 cuộc thanh tra mới tiến hành tháng trước cho thấy tất cả các DN đều vi phạm. Điều đáng nói là ngoài DN trong nước, còn có khá nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Úc hay Nhật Bản…

Như đã nói, vấn đề nhận thức là rào cản rất lớn, không chỉ ở Việt Nam. DN sẵn sàng đầu tư máy tính, máy lạnh, hệ thống máy chủ…, nhưng bảo đầu tư vào khoản phần mềm thì lại không. Nguyên nhân là những máy móc, thiết bị có thể tính được khấu hao và xác định đó là tài sản, còn phần mềm thì không. Quan niệm này rõ ràng là sai lầm.

* Cụ thể thì khi một DN tôn trọng bản quyền, họ được lợi gì, thưa ông?

- Theo tính toán, chi phí mua phần mềm máy tính chỉ chiếm 5 - 6% tổng chi phí hàng năm của DN, không quá lớn nếu so với chi phí khắc phục sự cố và rủi ro từ phần mềm bất hợp pháp. Sử dụng phần mềm hợp pháp mang lại nhiều lợi ích cho DN, trước tiên là ít rủi ro về pháp lý. Người sử dụng sẽ được hỗ trợ về pháp lý, về kỹ thuật, không bị nhiễm virut, không có lẫn phần mềm gián điệp, nhất là trong thời kỳ bùng nổ của các virus độc hại, tội phạm công nghệ cao như hiện nay…

Nhưng quan trọng hơn cả, phần mềm giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Làm ăn trong nước thì đơn giản nhưng đối với những đối tác nước ngoài, khi truy xuất được thông tin bản quyền phần mềm, khách hang sẽ nhìn DN các bạn ở vị thế cạnh tranh công bằng trong xuất khẩu hàng hóa, khẳng định uy tín và tính minh bạch của DN. Giá trị vô hình ấy đôi khi mang lại giá trị hữu hình rất lớn cho DN. Đó chính là lý do BSA triển khai cổng thông tin Verafirm phiên bản mới nhất tại Việt Nam.

Đây là công cụ khai báo phần mềm hợp pháp mang tính toàn cầu, giúp các DN tự đăng ký và quản lý phần mềm. Những DN khai báo sử dụng phần mềm hợp pháp tại https://www.verafirm.org sẽ nhận được chứng thực toàn cầu khẳng định DN tuân thủ nghiêm túc pháp luật về sở hữu trí tuệ và đạo đức kinh doanh.

Một nghiên cứu mới đây do BSA và Trường đại học Kinh doanh sau đại học INSEAD thực hiện thấy rằng, nếu tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu USD giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân. So với 37 triệu USD “tiết kiệm” được từ sử dụng phần mềm bất hợp pháp thì rõ ràng là việc sử dụng phần mềm bản quyền có lợi hơn hẳn!

* Xin cảm ơn ông về những trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phần mềm có bản quyền: Tiết kiệm là tự hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO