Những điều cần biết về góp vốn bằng phần mềm

29/10/2014 06:24

Phần mềm hay chương trình máy tính là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, có thể được dùng làm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp hoặc làm phương tiện thanh toán cho các cổ phần đã đăng ký mua cho doanh nghiệp.

Những điều cần biết về góp vốn bằng phần mềm

Góp vốn bằng phần mềm là một hình thức còn khá xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Khi thực hiện góp vốn bằng hình thức này, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề đặc thù về đối tượng, chủ thể góp vốn, thủ tục góp vốn,… để tránh vi phạm pháp luật.

Theo quy định, phần mềm hay chương trình máy tính là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, có thể được dùng làm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp hoặc làm phương tiện thanh toán cho các cổ phần đã đăng ký mua cho doanh nghiệp.

Chủ thể góp vốn

Tổ chức, cá nhân có quyền dùng phần mềm hoặc chương trình máy tính góp vốn vào doanh nghiệp từ giai đoạn chuẩn bị thành lập hoặc trong quá trình doanh nghiệp đang hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Tổ chức, cá nhân không thuộc các đối tượng bị pháp luật cấm góp vốn;

(ii) Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm hoặc chương trình máy tính mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn. Chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm hoặc chương trình máy tính có thể là tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm; các đồng tác giả; tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; người được chuyển giao quyền tác giả; hoặc người thừa kế. Việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả có thể thông qua Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả hoặc không.

Định giá tài sản góp vốn

Theo quy định pháp luật, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.

Nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

Đối với tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do doanh nghiệp và người góp vốn thoả thuận định giá hoặc do một tổ chức định giá chuyên nghiệp thực hiện.

Trường hợp tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.

Nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

Doanh nghiệp cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng với giá trị thực tế sẽ bị phạt tiền từ 25 triệu đến 30 triệu đồng.

Thủ tục góp vốn

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp bằng phần mềm phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty.

Theo đó, đối với phần mềm đã được chứng nhận đăng ký bảo hộ thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với phần mềm không đăng ký quyền tác giả, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải có đầy đủ nội dung như: thông tin của hai bên, loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn, tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của doanh nghiệp, ngày giao nhận và chữ ký của của các bên.

Người góp vốn phải góp vốn hoặc thanh toán số cổ phần đăng ký mua một cách đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản như đã cam kết. Tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp hoặc thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua, doanh nghiệp phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp hoặc cổ phiếu hoặc ghi tên người góp vốn vào sổ đăng ký cổ đông.

Doanh nghiệp không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp hoặc không lập sổ đăng ký cổ đông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và bị buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên hoặc bị buộc lập sổ đăng ký cổ đông theo quy định.

Sau khi nhận chuyển giao quyền sở hữu phần mềm hoặc chương trình máy tính, doanh nghiệp cũng chỉ là chủ sở hữu các quyền tài sản (quyền sao chép, phân phối, cho thuê,...) và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố phần mềm hoặc chương trình máy tính này, nhưng không có quyền đặt tên, đứng tên thật đối với phần mềm hoặc chương trình máy tính.

Công ty Luật PLF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điều cần biết về góp vốn bằng phần mềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO