Kiện tụng có thể gia tăng vì doanh nghiệp phá sản

30/06/2012 08:23

Các vụ tranh chấp thương mại ở Việt Nam đang có nguy cơ gia tăng khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã trở nên kiệt quệ vì suy thoái kinh tế kéo dài.

Kiện tụng có thể gia tăng vì doanh nghiệp phá sản

Các vụ tranh chấp thương mại ở Việt Nam đang có nguy cơ gia tăng khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã trở nên kiệt quệ vì suy thoái kinh tế kéo dài.

Đây là cảnh báo của các luật sư, các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Những cảnh báo về tranh chấp thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Bộ Tư pháp và Hội Luật gia tổ chức ngày 28/6.

Luật sư Châu Huy Quang từ Công ty luật LCT Lawyers cho biết, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tài chính, tín dụng, mua bán hàng hóa, dịch vụ, thương mại, đầu tư - những ngành bị tác động lớn nhất của suy thoái kinh tế đang có nguy cơ đối diện với các vụ tranh chấp thương mại nhất.

Ông kể, một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM đang bị một đối tác nước ngoài kiện ra toà sau khi không thể hoàn thành hợp đồng.

Đối tác nước ngoài này cách đây 5 năm đã rót cho doanh nghiệp này 100 triệu đô la Mỹ để thực hiện một dự án bất động sản, tuy nhiên, do suy thoái kinh tế nên dự án này không thể hoàn thành.“Nay doanh nghiệp này suốt ngày đi hầu kiện, mà cũng chẳng còn tiền để đền”, ông kể.

Vẫn theo luật sư, một chủ đầu tư khác ký kết với một doanh nghiệp làm gia công khuôn nhựa. Tuy nhiên, vì suy thoái kinh tế nên doanh nghiệp này không thể thực hiện hợp đồng và luôn khất nợ.

Cho đến khi chủ đầu tư này phát hiện ra doanh nghiệp trên đã trở thành con nợ tới 1.000 tỉ đồng của nhiều chủ khác nợ khác nhau thì không còn cơ hội đòi nợ nữa. Tình trạng các doanh nghiệp phá sản, trở thành con nợ lẫn nhau đã dẫn đến nhiều bi kịch.

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam, một chủ doanh nghiệp đã chết trong quá trình đi trốn khi công ty bị phá sản gần đây.

Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết với đội ngũ 153 trọng tài viên là các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và quốc tế trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, VIAC đang sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vấn đề này.

Toà án, dưới áp lực của các chủ nợ, đã gọi 4 người trong hàng thừa kế thứ nhất của chủ doanh nghiệp xấu số này là vợ và các con lên để yêu cầu trả nợ.

Cả bốn người này đều từ chối quyền thừa kế, và vì thế các chủ nợ không còn cách nào thu hồi nợ.

Trên đây chỉ là một số ít các bi kịch diễn ra gần đây được các luật sư kể lại trong hội thảo trên.

Luật sư Quang nói: “Nhiều vụ tranh chấp thương mại mà tôi biết gần đây có quy mô ngày càng lớn, lên tới 100 triệu đô la Mỹ, tức lớn hơn trước rất nhiều. Lý do cơ bản nhất là do kinh tế suy thoái, làm các doanh nghiệp không thể thực hiện được hợp đồng”.

Ở góc độ vĩ mô, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đưa ra những cảnh báo đáng lo về nguy cơ nhà nước bị kiện.

Theo ông Cung, trong thời gian từ 2007 đến nay, các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) không thực hiện, hay thực hiện dở dang có tổng giá trị lên tới 100 tỉ đô la Mỹ vốn cam kết.

Bên cạnh đó, vì khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa; chủ sở hữu và người quản lý bỏ về nước; tranh chấp phát sinh với người lao động, chủ nợ và các bên liên quan.

“Chính quyền địa phương sẽ xử lý những dự án đó thế nào để tránh bị các doanh nghiệp đó kiện,” ông Cung nêu vấn đề.

Trong khi đó, bên cạnh khó khăn khách quan do suy thoái kinh tế, luật sư Lưu Tiến Dũng, luật sư thành viên YKVN và là trọng tài viên VIAC đổ lỗi các vụ tranh chấp thương mại cho ý thức của doanh nghiệp.

Ông nhận xét, nhiều doanh nghiệp thờ ơ với điều khoản giải quyết tranh chấp khi soạn thảo, ký kết hợp đồng, xuề xòa với đối tác trong quá trình thực hiện hợp đồng, và chậm chạp khi xảy ra tranh chấp.

Ông nói: “Khi xảy ra tranh chấp thì vai trò tư vấn của luật sư bị hạn chế vì sự đã rồi”.

Theo tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, khi có tranh chấp thương mại, các doanh nghiệp nên đàm phán tranh chấp thông qua thương lượng, trung gian hòa giải, trung tâm trọng tài thương mại, và toà án.

“Tôi muốn lưu ý là các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan công an không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại”, ông Hiếu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiện tụng có thể gia tăng vì doanh nghiệp phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO