Hợp đồng với nước ngoài thanh toán bằng đồng tiền nào?

P.T| 09/01/2015 06:45

Trên hợp đồng ghi giá trị bằng tiếng Việt và đô la. Khi thanh toán, khách hàng trả bằng tiền Việt thông qua ngân hàng. Như vậy hợp đồng của tôi có được hợp pháp không?

Hợp đồng với nước ngoài thanh toán bằng đồng tiền nào?

Liên quan đến việc áp dụng Thông tư 32/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, bạn đọc của DNSG Online đã có câu hỏi về trường hợp cụ thể của doanh nghiệp mình, và được Công ty Luật PLF trả lời như sau:

Hỏi:Hiện tại tôi có ký hợp đồng với công ty nước ngoài về xây dựng. Trên hợp đồng ghi giá trị bằng tiếng Việt và đô la. Khi thanh toán, khách hàng trả bằng tiền Việt thông qua ngân hàng. Như vậy hợp đồng của tôi có được hợp pháp không? (Nguyen Duc Khoa - khoa252001@…)

Công ty Luật PLF trả lời:

Căn cứ theo Khoản 16 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN và Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, sửa đổi bổ sung 2013 (xem trích dẫn luật bên dưới), nếu công ty bạn thuộc đối tượng “Người cư trú”, công ty nước ngoài thuộc đối tượng “Người không cư trú” thì nội dung hợp đồng các bên được phép thỏa thuận đồng tiền giao dịch là ngoại tệ.

Ngược lại, nếu cả hai đều thuộc đối tượng là “Người cư trú” thì việc quy định đồng tiền thanh toán là ngoại tệ được xem là không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, các bên nên thỏa thuận để điều chỉnh lại phần đồng tiền thanh toán trong hợp đồng bằng một phụ lục của hợp đồng.

Khoản 16 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định như sau:

“Điều 4. Các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam

16. Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:

a) Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;

b) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.”

Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, sửa đổi bổ sung 2013 quy định:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

2. Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:

a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;

b) Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);

c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

d) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

đ) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;

e) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ;

g) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;

h) Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú;

i) Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

3. Người không cư trú là các đối tượng không quy định tại khoản 2 Điều này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp đồng với nước ngoài thanh toán bằng đồng tiền nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO