Công văn 7527: Đẩy khó cho doanh nghiệp

23/10/2013 05:33

Vừa phải lo đẩy mạnh kinh doanh, tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp vừa phải canh cánh lo đối phó với cơ quan thuế.

Công văn 7527: Đẩy khó cho doanh nghiệp

Vừa phải lo đẩy mạnh kinh doanh, tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp vừa phải canh cánh lo đối phó với cơ quan thuế.

>Tin đồn cà phê VN sắp sụp đổ: Có lửa mới có khói

Nhằm hạn chế tình trạng chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Nhà nước, nhưng trên thực tế Công văn 7527/BTC-TCT đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Công văn làm khó doanh nghiệp

Nếu như trước Công văn 7527/BTC-TCT, cơ quan thuế chỉ xem xét hóa đơn, chứng từ của người cung ứng nguyên liệu trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu, xét thấy hợp lệ là doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thì giờ đây doanh nghiệp xuất khẩu phải chờ cơ quan thuế xác minh đến tận người bán đầu tiên. Không có gì sai sót doanh nghiệp mới được hoàn thuế.

Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam than thở: “Doanh nghiệp xuất khẩu mua cà phê nguyên liệu từ nhà cung ứng, tạm gọi là người thứ nhất, nhưng người này cũng phải gom cà phê từ người thứ hai, thứ ba đến thứ n.

Lúc trước cơ quan thuế chỉ cần kiểm tra chứng từ của người thứ nhất, thấy hợp lý là hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng giờ đây, họ rà soát tất cả nhà cung ứng, chỉ cần một trong những doanh nghiệp này có sai sót về hóa đơn hoặc bỏ trốn thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không được hoàn thuế hoặc cơ quan thuế cứ “ngâm” hồ sơ, bắt doanh nghiệp tự đi xác minh”.

Theo lý giải của cơ quan thuế, Công văn 7527/BTC-TCT là để chống thất thu thuế, vì có đơn vị không nộp thuế GTGT mà khoản thuế này nhiều khi chiếm đến 50% số thu của một địa phương.

Vấn đề không chỉ dừng lại việc doanh nghiệp không được hoàn thuế mà còn tác động lớn hơn đến môi trường kinh doanh. Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Packsimex (TP.HCM) là một trường hợp điển hình.

Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của doanh nghiệp này lên đến 45 triệu USD, trong đó cà phê chỉ đóng góp 1/3, nhưng vì vướng các quy định của Công văn 7527/BTC-TCT mà mới đây, việc hoàn thuế GTGT không chỉ cà phê mà các mặt hàng khác của công ty cũng bị ách tắc.

“Khoảng 10-12 tỷ đồng hoàn thuế bị ách tắc, chậm đưa vào kinh doanh đã khiến doanh nghiệp bị thiệt hại trên nhiều phương diện, do phải vay ngân hàng bù vào với mức lãi suất cao”, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Tổng Giám đốc Packsimex bức xúc.

Việc không thể kiểm soát được thuế GTGT còn đẩy doanh nghiệp mua bán nông sản vào thế tranh mua, tranh bán. Nhiều doanh nghiệp “ma” sẵn sàng trả giá cao hơn giá thị trường cho nông dân để gom hàng bán lại cho doanh nghiệp khác. Sau mỗi thương vụ mua bán là các doanh nghiệp “ma” này biến mất.

Doanh nghiệp mua hàng của doanh nghiệp “ma” lại bán qua nhiều trung gian khác trước khi đến tay nhà xuất khẩu. Cả một chuỗi cung ứng như vậy, chỉ cần một doanh nghiệp gian lận thuế GTGT là Nhà nước mất nguồn thu và doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật.

Như vậy có thể hiểu, chỉ vì tình trạng gian lận thuế của một doanh nghiệp mà cơ quan thuế bắt các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu trách nhiệm phần thuế này.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trước đây tình trạng doanh nghiệp không nộp thuế GTGT không đến mức xấu như vậy, vì lúc đó Bộ Tài chính còn kiểm soát việc in hóa đơn. Sau này Bộ Tài chính giao cho doanh nghiệp tự in hóa đơn nên họ dễ dàng qua mặt cơ quan thuế.

Mặt khác, do kinh tế khó khăn nên trước đây, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ cho doanh nghiệp nợ 6 tháng tiền thuế GTGT để có vốn lưu động kinh doanh. Trong 5 tháng đầu, doanh nghiệp khai báo tử tế, nhưng đến tháng thứ 6 không ít doanh nghiệp đã “biến mất” để trốn thuế.

Khốn đốn vì thuế

Cách đây không lâu, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bảo Thanh (TP.HCM) chuyên xuất khẩu thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP cũng rơi vào tình trạng không những không được hoàn thuế GTGT mà còn bị truy thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp do cơ quan thuế cho rằng, công ty khai báo giá mua thanh long không hợp lý.

Theo khai báo của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bảo Thanh thì giá mua thanh long từ 23.000 – 39.000 đồng/kg, nhưng cơ quan thuế chỉ chấp nhận mức giá từ 15.000 – 23.000 đồng/kg. Cơ quan thuế cho rằng, công ty khai cao chi phí để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và ra quyết định không những không cho doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT mà còn truy thu thêm thuế GTGT.

Mặc dù doanh nghiệp đã giải thích rằng, thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP có chi phí đầu tư cao nên giá mua phải cao hơn thanh long thông thường, nhưng cơ quan thuế vẫn bác bỏ. Do số tiền truy thu quá lớn, trên 1,8 tỷ đồng nên Bảo Thanh kiện ra tòa.

Mặc dù tòa sơ thẩm xác định rằng, việc cơ quan thuế khảo sát ở các chợ chưa phù hợp với tình hình thực tế khách quan và tuyên Bảo Thanh thắng kiện, nhưng cơ quan thuế tiếp tục kiện phúc thẩm. Bảo Thanh chỉ “thoát hiểm” nhờ giữ lại chứng từ thanh toán mua hàng từ nông dân, có ký nhận hợp lệ, chứ không phải tự kê khai giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công văn 7527: Đẩy khó cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO